Tháng 2/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 194 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ

22:18 26/03/2023

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu tôm giảm khá mạnh trong 2 tháng đầu năm. Riêng trong tháng 2/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 194 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ.

Tháng 2/2023, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm từ 12%-35%, một số thị trường đã có tín hiệu tăng trưởng như Trung Quốc, Australia và Pháp, tăng từ 4-7%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong top 5 thị trường nhập khẩu chính, xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU giảm mạnh; xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, Hàn Quốc cũng giảm nhưng tốc độ giảm ít hơn; xuất khẩu sang Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi, tăng 4%.

2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU, Nhật Bản tăng từ 51-58 triệu USD. Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 46 triệu USD, xuất khẩu sang Trung Quốc&HK đạt 34 triệu USD. Xuất khẩu sang các thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay giảm từ 16%-51% so với cùng kỳ.

Về sản lượng sản xuất tôm, hoạt động nuôi tôm đang trong giai đoạn chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, nhiều nơi người nuôi tập trung cải tạo, tu sửa ao hồ và chú trọng đến chất lượng con giống nên hạn chế dịch bệnh. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm chân trắng đạt 60,2 nghìn tấn, tăng 0,5%, sản lượng tôm sú đạt 31,3 nghìn tấn, tăng 0,3%.

Các tháng cuối năm 2022 và kéo sang đầu năm nay, lạm phát toàn cầu tăng cao, bất ổn kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu thụ tôm giảm sút. Cạnh tranh giữa tôm Việt Nam với Ecuador và Ấn Độ năm nay cũng gay gắt hơn khi sản lượng tôm của Ecuador năm 2023 dự kiến tăng lên 1,5 triệu tấn.

Giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ cuối năm 2022 và dự báo tiếp tục giảm thêm khi nguồn cung toàn cầu năm 2023 dự kiến tăng.

Năm 2023, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu đạt diện tích 750 nghìn hecta, sản lượng tôm các loại 1.080 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 4,3 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp phải cải thiện tình hình bằng cách giảm chi phí, tập trung vào giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp có thể chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm đặc thù như tôm-rừng, tôm-lúa hay tôm sú với lợi thế từ thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng thay đổi cơ cấu sản phẩm để chủ động đáp ứng nhu cầu theo từng phân khúc thị trường… Đồng thời, khai mở thêm các thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống, nhằm tìm kiếm các đơn hàng mới.

Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp, mới đây VASEP đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xem xét, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%. Mục đích hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng, thức ăn chăn nuôi nói chung và ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới.

P.V