Công ty khởi nghiệp Ấn Độ Ola tham gia vào cuộc đua xe điện

18:45 19/08/2022

Một số nhà đầu tư cảnh báo rằng, công ty sẽ phải đối mặt với một con đường gập ghềnh khi cố gắng biến tham vọng trong lĩnh vực xe điện của mình trở thành hiện thực.

Ông chủ của Ola, Bhavish Aggarwa, đã đăng tải kế hoạch phát triển ô tô điện của công ty mình trên Twitter. (Ảnh của Yuki Kohara)

Ông chủ của Ola, Bhavish Aggarwa, đã đăng tải kế hoạch phát triển ô tô điện của công ty mình trên Twitter. (Ảnh của Yuki Kohara/Nikkei Asia).

Công ty khởi nghiệp Ấn Độ Ola tuần này đã thể hiện sự quan tâm vào lĩnh vực xe điện vốn còn non trẻ của quốc gia này. Công ty công bố kế hoạch tung ra một chiếc xe điện cao cấp vào năm 2024.

Nhưng một số nhà đầu tư cảnh báo rằng, công ty sẽ phải đối mặt với một con đường gập ghềnh khi cố gắng biến tham vọng đó trở thành hiện thực.

Ola, được hỗ trợ bởi gã khổng lồ SoftBank của Nhật Bản, hy vọng chiếc xe điện của họ có thể chạy 500 km trong một lần sạc và đạt tốc độ 100 km/h chỉ trong 4 giây, Giám đốc điều hành Bhavish Aggarwal nói với các nhà báo tại trụ sở chính của công ty ở Bengaluru.

Aggarwal cho biết: "Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu về ô tô phù hợp với các thị trường như Ấn Độ. Chúng tôi sẽ sản xuất các sản phẩm chạy bằng điện với mức giá từ 1.000 đến 50.000 đô la", Aggarwal cho biết thêm rằng, Ola sẽ chi "nhiều tỷ đô la" để giúp tiếp cận mục tiêu đó. 

Theo tổ chức nghiên cứu CEEW thuộc Trung tâm Tài chính Năng lượng (CEEW-CEF), ô tô chỉ chiếm dưới 4% trong số khoảng 430.000 chiếc phương tiện chạy bằng điện được bán ra tại Ấn Độ trong năm tài chính 2021.

Aggarwal cũng tiết lộ kế hoạch sẽ lắp một tế bào pin được phát triển trong nước vào xe Ola vào năm 2023, đánh dấu sự tương phản rõ rệt với các đối thủ địa phương như TVS Motors, Bajaj Auto, Ather và Okinawa, những công ty vốn sử dụng pin nhập khẩu.

Ola là một trong bốn công ty sẽ nhận được khoản ưu đãi trị giá 181 tỷ rupee (tương đương 2,3 tỷ USD) của chính phủ để thúc đẩy sản xuất tại địa phương. 

"Tầm nhìn của chúng tôi là tạo ra một triệu xe mỗi năm và một nhà máy 100 GWh", Aggarwal nói và chia sẻ thêm rằng, Ola hy vọng sẽ giảm chi phí bộ pin xuống 50 đô la mỗi kilowatt giờ từ mức 100 đô la hiện tại. Đồng thời, ông lưu ý "điều đó sẽ mất khoảng một thập kỷ làm việc". 

Không phải ai cũng tin rằng Ola có thể hiện thực hóa mọi tham vọng của mình. "Ola đã tiến triển với một tốc độ chóng mặt, không thể phủ nhận điều đó. Nhưng thực hiện một chuỗi những lời hứa lớn thì nói dễ hơn là làm", một nhà đầu tư ban đầu của công ty giấu tên cho biết. 

Thật vậy, nguyện vọng của Ola dường như như phải đối mặt với tham vọng của nhiều công ty lớn khác Ví dụ, Honda Motor của Nhật Bản, có công ty con ở Ấn Độ và là nhà sản xuất xe tay ga lớn nhất quốc gia, dự định bán 1 triệu xe tay ga điện tử hàng năm tại nước này vào năm 2030. Ở những nơi khác, Exide Industries và đối tác liên doanh Leclanche của Thụy Sĩ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt pin lithium-ion tại một nhà máy ở bang Gujarat, miền Tây, với công suất lắp đặt 1,5 GWh.

Ola cũng đã phải vật lộn với những cáo buộc rằng xe tay ga của họ hoạt động kém hiệu quả. Điển hình như gần đây, một trong những chiếc xe bị bốc cháy của họ đã thu hút làn sóng chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội.

Và sự hoài nghi về những chiếc xe tay ga của hãng dường như đã kéo theo doanh số bán hàng. Ola, công ty nhận đơn đặt hàng trực tiếp trên ứng dụng của mình thay vì bán thông qua các đại lý, tuyên bố đã đạt hơn 100.000 đơn đặt hàng vào tháng 7 năm 2021, trước khi chiếc xe tay ga chính thức ra mắt một tháng sau đó. Kể từ đó, họ đã mời người tiêu dùng đặt hàng trong một vài dịp nữa, nhưng doanh số bán hàng thực tế chỉ là 70.000 đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, doanh số bán xe tay ga điện tử của Ola xấp xỉ ngang bằng với Hero Electric và Okinawa, cả hai đều bán được khoảng 60.000 chiếc xe như vậy trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2021 đến tháng 7 năm 2022, theo dữ liệu từ Liên đoàn Hiệp hội các đại lý ô tô của Ấn Độ.

Aggarwal hy vọng việc kinh doanh xe tay ga của Ola sẽ có lãi trong "vài quý tới".

Trong khi đó, các nhà sản xuất xe hai bánh thông thường lớn nhất của Ấn Độ như TVS và Bajaj đã công bố kế hoạch tăng cường nỗ lực vào lĩnh vực xe điện tử của họ.

Thị trường xe bốn bánh cũng có khả năng cạnh tranh gay gắt. Trong cuộc cạnh tranh là các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ như Tata Motors và Mahindra & Mahindra, cùng với Toyota Motor của Nhật Bản và Hyundai của Hàn Quốc. 

Đơn vị tại Ấn Độ của Suzuki Motor - Maruti Suzuki đặt mục tiêu tung ra chiếc ô tô điện vào năm 2025. Kia Motors và MG Motors của Trung Quốc cùng với Volkswagen của Đức cũng đang tăng doanh số bán xe điện ở Ấn Độ. Họ đang tìm cách tung ra một mẫu xe điện trong nước vào năm tới. Những nỗ lực này sẽ giúp thúc đẩy số lượng xe điện trên các con đường của Ấn Độ.

Đơn vị Ấn Độ của Suzuki Motor có kế hoạch ra mắt ô tô điện tại nước này vào năm 2025. © Reuters
Đơn vị tại Ấn Độ của Suzuki Motor - Maruti Suzuki có kế hoạch ra mắt ô tô điện tại nước này vào năm 2025. Ảnh: Reuters.

Cạnh tranh không phải là mối quan tâm duy nhất của Aggarwal. Tham vọng khổng lồ khiến anh ấy cần phải chi trả một số tiền rất lớn.

Aggarwal cho đến nay đã thành công trong việc huy động vốn với mức định giá cao cho Ola Electric, đơn vị phát triển các phương tiện chạy bằng điện của công ty, đơn vị đầu tiên huy động vốn vào đầu năm 2019. Đơn vị phát triển các phương tiện chạy bằng điện, trong đó Aggarwal nắm giữ 36% vốn cổ phần và SoftBank 23%, cho đến nay đã huy động được khoảng 47 tỷ rupee (tương đương 587,9 triệu USD). Theo Công ty dữ liệu Tracxn, nó được định giá gần 383 tỷ rupee (tương đương 4,7 tỷ USD) vào tháng 4 và tính cả Hyundai và Kia là các nhà đầu tư. Doanh nghiệp gọi xe của Ola, ANI Technologies, trong đó Aggarwal sở hữu 8,7%, được định giá 530 tỷ rupee (tương đương 6,6 tỷ USD) sau 12 năm thành lập.

Nhưng dòng vốn dồi dào đổ vào các công ty khởi nghiệp đã là dĩ vãng. "Họ có những kế hoạch lớn, chắc chắn có thể đạt được với khả năng thực thi tuyệt vời. Nhưng liệu chúng có thể đạt được trong thời gian Ola muốn không? Đó là điều đáng để xem xét. Bên cạnh đó, việc gây quỹ không còn dễ dàng như trước, điều đó có nghĩa là Ola phải chi tiêu một cách thận trọng", một nhà đầu tư trong mảng gọi xe giấu tên cho biết.

Người này nói thêm rằng "rất nhiều người đang ủng hộ Ola Electric từ góc độ nhà đầu tư, điều này ngụ ý rằng Ola không thể coi đây là một thử nghiệm khổng lồ mà họ cần có trách nhiệm với mọi hoạt động của mình".

Ola đã mạo hiểm vào lĩnh vực giao hàng thực phẩm và hàng tạp hóa vào năm 2015, trước khi loại bỏ chúng chỉ một năm sau đó. Họ cũng đã mua lại nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn Foodpanda từ Delivery Hero vào năm 2017, nhưng không thành công trong thị trường do Swiggy và Zomato đã thống trị. 

Lyly