Tết Nguyên đán, “ông Ba Mươi” liên tục hạ sơn vào nồi cao

09:30 27/02/2021

Cứ vào dịp trước và sau Tết âm lịch, “ông Ba Mươi” xuống núi liên tục. Nói tới hổ là nghĩ tới chốn thâm sơn cùng cốc, nhưng nay hổ đã hạ sơn, nếu không hóa thành cao hổ cốt thì cũng là về đồng bằng, nuôi nhốt lén lút chờ ngày vào nồi.

 Không biết từ lúc nào, có những người rỉ tai nhau về cao hổ xịn được xem như thần dược để chữa rất nhiều bệnh, nhất là các bệnh về xương khớp. Dù chưa có bất cứ kiểm chứng nào, nhưng việc có những người bỏ hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mua hổ về nấu cao mà kết quả chữa bệnh chẳng rõ công hiệu đến đâu.

Bài 1: Thị trường cao hổ cốt vẫn sôi động “như chưa hề có cuộc chia ly”!

Có lẽ hiện giờ người ta biếu xén nhau những món quà về tiền bạc, trang sức hay những đồ mỹ nghệ…đã quá thường. Để được việc, “quà” cần phải độc, phải chất, đến nỗi mà dù cơ quan chức năng có kiểm soát gắt gao đến mấy, loài hổ dù có sắp chạm ngưỡng nguy cơ tuyệt chủng, vẫn không thiếu mánh khóe của những kẻ buôn bán động vật hoang dã (DVHD) đẩy loài thú tội nghiệp này vào nồi cao, phục vụ nhu cầu nở rộ của thị trường này.

Covid 19, “ông Ba Mươi” vẫn hạ sơn

Có lẽ, vụ bắt giữ về hành vi nuôi nhốt, tàng trữ động vật hoang dã trái phép ở Hà Tĩnh giáp Tết vừa rồi (2021) cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm to lớn đang lừng lững trôi, mà đó cũng là vấn đề đau đầu của các cơ quan chức năng cũng như những tổ chức bảo tồn loài thú quý hiếm này, hay những người yêu thích, tôn trọng sự đa dạng của thiên nhiên.

Ngày 19/1/2021, lực lượng chức năng Phòng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát kinh tế (Công an Hà Tĩnh) và Công an huyện Hương Sơn đã kiểm tra nhà ông Đinh Nhật N, trú tại xã Quang Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) và thu giữ xác một cá thể hổ nặng 2 tạ rưỡi. Cá thể này được phát hiện bị trói 2 chân sau bằng xích, bên cạnh là nồi hơi được cho là dùng để nấu cao động vật. Sáng 20/1/2021, ông N và bà Y đã đến trụ sở Công an huyện Hương Sơn trình diện, thừa nhận là chủ nhân của xác hổ và đã mua cá thể hổ trên tại Nghệ An để nấu cao. Cả hai đang bị lấy lời khai để điều tra về hành vi tàng trữ, giết mổ động vật hoang dã trái phép.

 

Cửa khẩu Nậm Phao (Lào), đối diện với cửa khẩu Cầu Treo, một thời từng là điểm nóng vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam
Cửa khẩu Nậm Phao (Lào), đối diện với cửa khẩu Cầu Treo, một thời từng là điểm nóng vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam.

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), quần thể hổ tự nhiên ở Việt Nam chỉ còn ít hơn 5 con. Mặc dù vậy, hổ có thể không còn ở Việt Nam nữa. Báo cáo “Người tiêu thụ sản phẩm từ hổ - Đề xuất thông điệp kêu gọi giảm nhu cầu tiêu thụ” của tổ chức Traffic cho biết, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ ở châu Á, đặc biệt là tại Việt Nam và Trung Quốc là nguyên nhân chính thúc đẩy tình trạng suy giảm số lượng của loài này. Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ xuất phát từ niềm tin vào các đặc tính được cho là có thể chữa bệnh và trừ tà của sản phẩm từ hổ. Theo đó, cuộc khảo sát người tiêu dùng tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2017 của Traffic cho thấy 6% số người được khảo sát cho biết họ từng mua hoặc sử dụng các sản phẩm từ hổ, trong đó 83 % trong số này đã mua cao hổ cốt.

Tình trạng buôn lậu, vận chuyển, gian lận hàng hóa mà động vật hoang dã là một trong số đó qua các khu vực cửa khẩu biên giới được dự báo có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và đầu năm mới. Đặc biệt trên tuyến biên giới Việt Nam và Lào, dọc theo các tỉnh miền trung là những điểm nóng thường xuyên xảy ra các vụ việc buôn bán động vật hoang dã rất phức tạp.

Hàng luôn sẵn phục vụ nhu cầu dịp Tết âm lịch

Có mặt tại thị trấn Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh) những ngày giáp Tết, cách đó không xa là cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, từ khi xảy ra Đại dịch Covid19, hai nước cấm biên, hàng hóa qua lại chỉ có mỗi cách là đánh xe lên cửa khẩu, khai báo hải quan, biên phòng, chờ lái xe bên Lào sang rồi lái về nước bạn, và ngược lại. Sơn Tây không còn vẻ tấp nập nhộn nhịp như xưa, lặng lẽ chuẩn bị đón Tết.

Sau vụ bắt giữ hổ ở Quang Diệm, người dân nơi đây có vẻ cảnh giác hơn với những người lạ mặt (dù PV gốc bản địa và sử dụng thổ ngữ địa phương để hỏi chuyện). Có lẽ, sau sự việc ầm ĩ ấy, họ sợ phát ngôn bừa bãi, sợ đụng phải những lực lượng "ngầm", sơ hở dễ bị mời lên cơ quan chức năng khai báo như chơi.

Nhưng hỏi những đầu mối quen lâu năm, mua cao hổ ở đây có dễ không? Có! Thậm chí có người còn nhiệt tình chỉ dẫn và giới thiệu là đồ xịn, tức là hổ tự nhiên, kèm tay nấu cao kinh nghiệm lâu năm, làm ăn bằng uy tín…Vụ bắt giữ ở Quang Diệm chỉ là do ông Đinh Nhật N “đen”, ông ta cũng là tay nấu cao thuê, mới khởi nghiệp chưa lâu đã bị sờ gáy, còn những đầu nậu thật sự, còn lâu mới lộ diện.

Hỏi về việc vận chuyển động vật hoang dã qua biên giới? Có! PV tiếp tục đặt nghi vấn khi việc giữa Đại dịch Covid19, các chốt kiểm dịch được dựng lên khắp nơi, lực lượng biên phòng được tăng cường tối đa, thì nếu như đã đưa được động vật hoang dã qua, tất yếu sẽ đưa được người vượt biên? Một "tay trong" (đầu mối của PV đã cắm chốt lâu năm) tự tin khẳng định:“Biên giới với Lào toàn rừng núi, những người dân ở giáp biên họ sẽ thông thuộc địa bàn, họ đi được hết. Lực lượng biên phòng đâu đủ người để trải đều. Đưa người qua biên giới thì sớm muộn cũng bị lộ, nhưng vận chuyển động vật hoang dã thuê thì được, tuy nhiên đáng tiền họ mới làm. Tất nhiên, sẽ không thiếu “ông Ba Mươi”. 

Còn đây là xương hổ đã được róc thịt, chờ nấu cao
Khúc xương được giới thiệu với PV là xương hổ đã được róc thịt để chờ nấu cao.

Liên lạc với một người bạn ở Hà Tĩnh, đặt vấn đề tìm mua cao hổ cốt làm quà biếu, người bạn nói thẳng hàng đợt Tết này có tăng giá, đảm bảo hàng xịn, mối quen lấy giá 20 triệu đồng/lạng. Tuy nhiên, bên cung cấp không giao hàng cho PV, tránh bị lộ diện, mà đưa cho bạn rồi mới đến tay PV. Anh ta không quên quảng cáo thêm: “hổ gấu nhà nó đầy, toàn hàng lấy trong đường qua Hương Sơn, Cầu Treo. Mấy lần ngồi uống rượu cũng toàn được tiếp đãi bằng rượu mật gấu rừng xịn”…

 

Giao tiếp với một đầu mối để mua cao hổ cốt
Tin nhắn giao tiếp với một đầu mối để mua cao hổ cốt.

Theo giới thiệu, chúng tôi tiếp tục tìm đến một trang trại nuôi hươu lấy nhung tên T.H khá nổi tiếng trên địa bàn xã Sơn Trung (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Ở cửa hàng giới thiệu sản phẩm, la liệt toàn sừng hươu đủ các loại. Lân la làm quen nói chuyện một hồi, khi đã đủ tin tưởng, PV đề cập việc mua cao hổ cốt, bà chủ phát giá: 25 triệu/lạng cao hổ xịn 95%, 5% còn lại là một số gia vị như mai rùa, xương sơn dương, thêm một ít thuốc phiện… Loại thứ 2 là cao hổ nuôi 75% có giá 17 triệu. Rõ ràng là như vậy, còn đơn vị của mình không bán hàng đểu.

“Giá chân thành và bán chân thành, tiền nào của nấy thôi”, bà chủ tự tin khẳng định, và cho biết hàng của mình là từ Angola (Châu Phi) theo đường tiểu ngạch bên Lào về, đảm bảo cực chuẩn. Xương hổ được lọc thật kỹ, luộc với lá trầu không, gừng tươi, đun sôi 12 phút sau đó với ra, tiếp tục đập vỡ xương bỏ hết tủy sống, mới cho vào nồi ninh 3 ngày 3 đêm ròng rã.

Bà chủ tên T chia sẻ thêm khi nhắc đến trường hợp ông N vừa bị bắt ở xã Quang Diệm, thực ra nếu làm những hàng này, thường thường người ta nấu sẵn từ hồi tháng 11 âm lịch, phục vụ cho dịp cuối năm và đầu năm mới. Những người ít kinh nghiệm hoặc vì  nhu cầu cấp bách nào đó mới nấu vào tháng 12 âm lịch, đúng vào thời điểm các cơ quan chức năng truy quét gắt gao. Chính như vậy, thời điểm mà ông Ba Mươi thi nhau hạ sơn vào nồi sôi động nhất là trước Tết âm lịch 1 tháng.

Với những dân trong nghề, chỉ cần nhìn bộ xương, người ta sẽ đoán được chính xác con hổ ấy khi còn sống nặng bao nhiêu. Ví dụ như trọng lượng của con hổ bao nhiêu, sẽ cho chính xác được bao nhiêu cân xương, hổ nuôi khác, hổ tự nhiên khác, hổ nuôi tầm 2 tạ rưỡi như trường hợp ở Quang Diệm, sẽ cho không quá 14 kg xương. Nếu hổ rừng, cũng nặng 2 tạ rưỡi, sẽ cho 20 kg xương. Xương hổ sẽ có một tỷ lệ nhất định với bộ da, với trọng lượng của con hổ đấy và với hổ nuôi hoặc hổ tự nhiên cũng có 1 tỷ lệ nhất định. Đó là kinh nghiệm để dân có thâm niên trong nghề không bao giờ nhầm lẫn và đảm bảo hàng ra đến với khách hàng đúng như những gì họ đã nói, đã đảm bảo. 

PV DNHN đi mua cao hổ cốt ở Hương Sơn, Hà Tĩnh
PV DNHN tìm hiểu thị trường mua bán cao hổ cốt ở Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Nói đoạn, bà T cho người đi lấy 1 loạt cao hổ đến, có 2 loại đúng như quảng cáo, loại xịn 95% giá 25 triệu có màu nâu sẫm, loại 2 có màu nhạt hơn, chủ hàng bảo cho PV thử thoải mái, ưng thì mới mua, đảm bảo uy tín.

Chúng tôi tiếp tục lang thang sang xã Sơn Bằng, tìm vào một vài nhà người quen cũ. Tiếp tục đặt vấn đề, chủ nhà ngay tức khắc gọi điện đi đâu đó, rồi cũng bảo có nguồn, nhưng yêu cầu đặt cọc tiền, vài hôm sau sẽ có. Lần này, thông tin đưa lại vẫn là hổ rừng, nhưng từ Malaysia hay Myanmar, Ấn Độ… gì đó, vẫn qua đường trung chuyển là Lào để qua Việt Nam. Bởi như chủ nhà khẳng định, Lào hay Thái Lan đã vắng bóng Chúa tể Sơn lâm trong tự nhiên, có chăng chỉ là "hàng" nuôi. Nên nếu đúng hổ tự nhiên để ra nồi cao chất lượng thì phải qua những nước kia mang về mới có.

Sau những ngày lang thang dọc các xã biên giới Việt Nam - Lào, PV tìm đến xã Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An). Nơi đây, hồi năm 2012, 2013 đã từng ầm ĩ trên báo chí về sự việc hổ được nuôi nhốt trong nhà như nuôi lợn. Theo một số chỉ dẫn, PV tìm đến nhà ông K “nhôm”. Vào hỏi tìm mua cao hổ, anh con trai bảo vào hỏi bố, nhưng bỗng dưng khựng lại rồi bảo với chúng tôi rằng ông K không có nhà.

Nguồn tin khẳng định, tìm mua cao hổ cốt ở đây sẽ có, nhưng phải là người quen dẫn mối mới mua được, còn người lạ thì đừng hòng, bởi họ rất đề phòng. Chuyện như chúng tôi vừa gặp phải là điều tất yếu.

Bài 2: Đủ mánh khỏe đẩy "ông Ba Mươi" vào nồi cao

Mai Lê