Tạo sức hút với mô hình khu công nghiệp sinh thái

10:23 21/11/2020

KCN sinh thái là một mô hình của nền kinh tế tuần hoàn, đầu thải ra của một cá thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho một cá thể khác trong nền kinh tế. Như vậy, dòng nguyên liệu sẽ được tận dụng tối đa để tạo ra sản phẩm và hạn chế tối thiểu nguồn thải bỏ.

Trong những năm qua, hệ thống khu công nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tính đến tháng 6-2020, Việt Nam có 366 KCN, trong đó có 279 KCN đang hoạt động tại 61 tỉnh thành. Năm 2019, doanh nghiệp trong các KCN, khu kinh tế đạt tổng doanh thu khoảng 235 tỉ đô la Mỹ, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 142 tỉ đô la, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, từ đây cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21)...

Để đạt mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, toàn diện và phù hợp với Mục tiêu SDGs các chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái là cần thiết.

Khu công nghiệp sinh thái là một cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, cùng hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong quản lý các vấn đề môi trường và tài nguyên.

Theo “Sổ tay phát triển khu công nghiệp sinh thái cho các nước đang phát triển châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), có thể phân loại khu công nghiệp sinh thái thành 5 nhóm là khu công nghiệp sinh thái nông nghiệp; khu công nghiệp sinh thái tái tạo tài nguyên; khu công nghiệp sinh thái năng lượng tái sinh; khu công nghiệp sinh thái nhà máy điện; khu công nghiệp sinh thái lọc hóa dầu hay hóa chất.

Tại hội thảo khởi động dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu", đại diện ban quản lý các khu công nghiệp ở nhiều tỉnh thành cũng cho rằng việc xây dựng mô hình KCN sinh thái được xem là xu thế tất yếu trong thời gian sắp tới, nhằm giải quyết ảnh hưởng của các KCN đến môi trường tự nhiên.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc các khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) cho rằng: Việc phát triển theo mô hình KCN sinh thái không còn mang tính chất khuyến khích mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công ty phát triển hạ tầng, nếu họ muốn thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng, và có thương hiệu tốt. Tại DEEP C, đơn vị đang phát triển theo hướng bền vững này.

Dù phát triển theo mô hình KCN sinh thái có chi phí đầu tư tốn kém hơn so với các KCN truyền thống (vốn chỉ cải tạo đất cho thuê và phát triển hạ tầng), nhưng về lâu dài mô hình KCN sinh thái sẽ mang lại giá trị cao hơn và phát triển bền vững. 

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam, cũng cho rằng phát triển mô hình KCN sinh thái đã và đang là xu thế của các nhà phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp trên thế giới. Phát triển công nghiệp hướng tới bền vững về môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng đang là xu hướng phát triển chung tại nhiều quốc gia, thì khu công nghiệp sinh thái có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Việt Nam đang có lợi thế trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và với xu hướng phát triển bền vững của các doanh nghiệp quốc tế thì những công ty phát triển hạ tầng KCN theo mô hình KCN sinh thái sẽ có lợi thế trong việc thu hút nguồn vốn chất lượng cao và hiệu quả, bà Thảo chia sẻ.

Ngoài ra, phát triển KCN sinh thái sẽ góp phần quan trọng trọng việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về KCN sinh thái nói riêng, cũng như lồng ghép trong các quy định của pháp luật về môi trường, công nghiệp và các chính sách có liên quan. 

Bên cạnh đó, xây dựng các KCN sinh thái theo khung tiêu chí quốc tế có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra môi trường đầu tư trong và ngoài nước hấp dẫn, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu.

Bởi lẽ KCN sinh thái là một mô hình của nền kinh tế tuần hoàn, đầu thải ra của một cá thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho một cá thể khác trong nền kinh tế. Như vậy, dòng nguyên liệu sẽ được tận dụng tối đa để tạo ra sản phẩm và hạn chế tối thiểu nguồn thải bỏ.

Đó là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong KCN để tận dụng tài nguyên, tối ưu hóa việc sử dụng, tái sử dụng các yếu tố đầu ra, đầu vào như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu...

Thông qua sự hợp tác này, các doanh nghiệp hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố sản xuất, sử dụng chung hạ tầng và các dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, xây dựng mô hình KCN sinh thái vẫn là một chặng đường dài, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ cấp Trung ương đến địa phương và đặc biệt là sự tham gia, phối hợp hơn nữa của các doanh nghiệp.

Theo Nghị định 82, một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được như có ít nhất 25% diện tích là cây xanh, giao thông; hạ tầng dịch vụ được dùng chung; tối thiểu 90% doanh nghiệp trong KCN có nhận thức về RECP; tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp RECP; ít nhất 10% doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp...

Để góp phần giải quyết thách thức trên, trong giai đoạn 2014-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO và một số nhà tài trợ triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái, đạt được các kết quả tích cực trong xây dựng thể chế và áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Thứ trưởng Trần Duy Đông, Đại sứ Ivo Sieber và bà Lê Thị Thanh Thảo tro đổi văn kiện Dự án

Dự án là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước trong giai đoạn tới.

Dự án có tổng kinh phí hơn 1,821 triệu đô la, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại 1,683 triệu đô la từ Chính phủ Thụy Sĩ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), vốn đối ứng là 138.800 đô la từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và 5 tỉnh, thành phố, gồm: TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Thông qua 2 hợp phần với các nội dung chính: (i) Hoàn thiện cơ chế chính sách và hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái và (ii) Triển khai các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường thành khu công nghiệp sinh thái, Dự án sẽ hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng nền tảng thông tin, kỹ thuật để kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện các giải pháp chuyển đổi KCN thông thuờng thành KCN sinh thái.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO, SECO và các cơ quan liên quan của Việt Nam hy vọng kết quả của Dự án sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên phạm vi cả nước.

Mô hình KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 về quản lý KCN và khu kinh tế. Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ thí điểm đã hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm trên 22.000 Mwh điện, 600.000 m3 nước sạch, 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm.

"Mô hình sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò khi được nhân rộng trên cả nước với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan. Dự án 'Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu' chính là sự kế thừa mô hình khu công nghiệp sinh thái trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình ra phạm vi cả nước, từ Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ đến Hải Phòng, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh," Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết.

“Các doanh nghiệp sẽ thấy lợi ích thứ nhất là họ được xác nhận là khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái về mặt hình ảnh, các sản phẩm của họ ra thị trường là thân thiện với người tiêu dùng. Thứ hai, các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật là miễn phí, khi sản xuất họ giảm chi phí, nên có thể doanh thu thuần là tốt hơn” - Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

An Thảo