Tạo đà phát triển nhà máy số

00:00 12/10/2020

Mức độ quan tâm đầu tư nhà máy số của các doanh nghiệp Việt ngày càng tăng và dự báo 2 - 3 năm tới sẽ có làn sóng lớn trong hoạt động này.

Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư phát triển nhà máy ở một doanh nghiệp (DN) gia đình trong ngành dệt sợi từ cách đây 2 năm, Ts. Lương Vũ Ngọc Duy, Giám đốc điều hành công ty Zara Yerntex Co. Ltd (một DN nội ở Tp.HCM), cho biết thời gian đầu phải mất nhiều thời gian để thuyết phục người thân trong gia đình cho áp dụng chuyển đổi số cho nhà máy vốn lâu nay đã quen với phương thức sản xuất truyền thống.

Định hướng ưu tiên

Chưa kể, chi phí đầu tư cho việc số hóa các thiết bị, công nghệ mới có tính chất thông minh cũng là một mối băn khoăn lớn. Sau đó, ông Duy phải thống kê dữ liệu về nhà máy từ chất lượng, sản lượng… nhằm tìm ra các thiếu sót để tối ưu hóa. Rồi tiếp theo là việc đầu tư, lắp đặt những cảm biến trong các dây chuyền sản xuất, mà ở đó chi phí không quá lớn so với mức tưởng tượng ban đầu.

Việc này mang lại kết quả khá tích cực cho hoạt động sản xuất của nhà máy. Theo ông Huy, việc nắm bắt diễn biến chất lượng sản phẩm trở nên dễ dàng hơn kể từ chuyển sang số hóa dây chuyền sản xuất của nhà máy và mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

Có thể thấy, việc phát triển nhà máy số trong các DN nội trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 là điều cần khuyến khích hiện nay. Tại hội thảo kỹ thuật do Bộ Công Thương tổ chức ở Hà Nội ngày 5/11 để bàn về lộ trình chuyển đổi số tại DN sản xuất công nghiệp, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) khẳng định phát triển nhà máy số là định hướng ưu tiên lớn của ngành công thương trong tương lai phát triển sản xuất hiện đại.

Nhằm hỗ trợ DN Việt tiếp cận và triển khai thực hiện chuyển đổi số, Bộ Công Thương cùng một số tập đoàn lớn của nước ngoài đã chọn 15 DN nội địa để tham gia thí điểm Bộ chỉ số Mức độ sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh (Smart Industry Readiness Index – SIRI) do Chính phủ Singapore xây dựng.

Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Siemens của Đức, Hội đồng phát triển kinh tế của Chính phủ Singapore sẽ khảo sát và hỗ trợ tư vấn áp dụng bộ chỉ số SIRI tại các DN miễn phí ngay trong tháng 11 và tháng 12/2019.

Qua các bước đánh giá đầu tiên, 7 trong số 15 DN được chọn tham gia đánh giá SIRI sẽ được lựa chọn để tiếp tục nhận tư vấn sâu về giải pháp và phương án đầu tư chuyển đổi số. Các DN có kế hoạch đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng nhà máy theo hướng công nghiệp 4.0 sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Ông Hòa cho biết nhằm khai thác những lợi thế và kinh nghiệm của các DN Đức nói chung, từ tháng 4/2019, Bộ Công Thương đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Siemens nhằm thúc đẩy số hóa các lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam.

Về xu hướng phát triển nhà máy số, ông Will Nguyen, Giám đốc sáng tạo của công ty KPMG Việt Nam, cho biết đây là xu hướng chung hiện nay của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Thực tế cho thấy máy móc thông minh sẽ giúp DN đưa ra quyết định nhanh hơn, hạn chế được hậu quả hoặc thay đổi kịp thời để phù hợp với thị trường. Việc này giúp ích rất nhiều cho việc chế tạo ra các sản phẩm mới.

Tao-da-phat-trien-nha-may-so-J-7696-2006

                         Các DN Việt đang quan tâm lớn đến việc đầu tư công nghệ tự động hóa

Sẽ có làn sóng lớn

Ông Will Nguyen nhận định trong 12 tháng qua, các DN ở Việt Nam đang dành sự quan tâm lớn đến việc đầu tư vào công nghệ tự động hóa, đầu tư robot cho hoạt động sản xuất tự động hóa. Dự báo 2 - 3 năm tới sẽ có làn sóng lớn trong hoạt động này.

“Trong 108 quốc gia khảo sát, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 cam kết thực hiện thay đổi các chủ đạo lớn trong tất cả các lĩnh vực và xếp vị trí thứ 3 cam kết đưa tự động hóa vào kinh doanh, sản xuất. Điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn trong câu chuyện đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam”, ông Will Nguyen nói.

Còn theo bà An Mei Chen, Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Tập đoàn Qualcomm (Mỹ), các nhà máy sản xuất trong tương lai đều sẽ kết nối mạng không dây và công nghệ 4G cải tiến cùng công nghệ 5G sẽ phục vụ đắc lực trong ngành sản xuất công nghiệp và kết nối mạng lưới Internet vạn vật kết nối (IoT).

Giới chuyên gia cho rằng việc tạo ra lợi thế cạnh tranh, duy trì lợi nhuận khiến DN đối mặt với áp lực cao. Do đó, việc đầu tư nhà máy thông minh là một trong những giải pháp, nhất là khi bất cứ DN nào cũng sẽ phải tăng năng suất, tự động hóa quá trình và giảm thiểu chất thải.

Để có thể biến nhà máy của DN nội theo phương thức sản xuất truyền thống thành nhà máy thông minh đòi hỏi các DN cần phải tích cực học hỏi và tìm hiểu các công nghệ mới tiên tiến.

Đáp ứng được vấn đề này sẽ giúp nhà xưởng của DN bước thêm một bước để trở thành nhà xưởng thông minh. Số hóa, tự động hóa nhà xưởng chính là điều mà các DN cần phải hướng tới trong tương lai.

Theo chia sẻ của Ts. Lương Vũ Ngọc Duy, điều này đòi hỏi tư duy của người lãnh đạo và rất cần có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho việc chuyển đổi số, nhất là về phân tích dữ liệu trong sản xuất kinh doanh.

Thế Vinh