Tại sao người Việt Nam hạnh phúc?

00:00 12/10/2020

Đối với du khách nước ngoài, điều làm cho nhiều người ngạc nhiên nhất là người Việt Nam hay cười, thích cười. Không phải là cái cười “gì cũng cười” của ông đại học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mà là cái cười bộc trực, bộc phát, chân thật và hồn nhiên. Người phụ nữ bán rau ở chợ cười nói chào mời, người đứng photocopy cho khách có nụ cười trên môi, anh bảo vệ gác cổng cười với khách…, bất cứ ở đâu người nước ngoài cũng bắt gặp những cái cười không “chuyên nghiệp” vì không bị nghề nghiệp bắt buộc như tiếp viên phi hành, tiếp viên khách sạn, nhà hàng chẳng hạn. Tuy rằng, trong số “chuyên nghiệp” mà thiếu vắng nụ cười xã giao tối thiểu với khách thì hoặc vì họ chảnh chọe, hoặc vì chán ngán cái nghề mà mình bắt buộc phải làm để kiếm cơm.

 

Ở Âu châu, người đi làm không thể cười vui với nhau, vì sợ mất tính nghiêm trang, lịch sự, giữ ý tứ, nhất là ở cấp bực cao, lãnh đạo lại càng không thể cười vui trong công việc. Phụ nữ lại càng không thể vui cười khi làm việc vì bạn đồng nghiệp cho rằng tác phong đó thiếu đứng đắn, càng nghiêm càng tốt. Công việc là công việc, vui cười được xem là chuyện riêng tư, cá nhân, không thể xuất hiện trong công việc.

Người miền Nam, vốn có tiếng từ xưa đến nay là sống vô tư, sống ngày nay không lo ngày mai, làm đồng nào xài hết đồng nấy. Không như người miền Bắc, miền Trung, ăn chắc mặc bền, ăn ngày nay lo ngày mai, mà cái “ruột tượng” biểu hiện cho cái tính chắt chiu ấy, có của ăn của để (dành).

Người Việt Nam

(Ảnh minh họa qua mekongsp.com)

 

Tôi quen một chị, có chồng, một con. Chồng làm bảo vệ, lương tháng (chỉ có) ba triệu, cất đi để dành, đứa con lương tháng 8 triệu, xài riêng 2-3 triệu cất đi 5 triệu để dành, cả gia đình 3 người sống bằng tiền kiếm được của chị. Chị làm bất cứ chuyện gì hàng xóm nhờ đến, từ trông trẻ, trông người già cho đến tẩm quất xoa bóp, bán bún đầu ngõ… vậy mà kiếm mỗi ngày ra đủ tiền ăn, tiền điện, nước cho gia đình. Trước đó, không được học hành chi hết, chị đi làm mướn, chị đốn củi, làm thợ mỏ cao su, gánh nước thuê, mót đất cục… đủ thứ nghề, nghề có tên và nghề không có tên, nghề nào cũng làm để kiếm ăn, mà lại lúc nào cũng có người “mướn” mình. Tết vừa rồi chị tự thưởng cho mình 5 chỉ vàng đánh thành chiếc vòng đeo tay, ông xã còn tặng cho một chiếc nhẫn vàng cẩm thạch và một đôi bông vàng toòng teng. Cuộc sống của chị vô tư, thoải mái như nụ cười lúc nào cũng trên môi của chị. Đã vậy, anh chị lại còn trúng số mấy lần cả triệu bạc, tiền trúng số mua được miếng đất cất cái nhà ở “miệt vườn” cho thuê. Chị cười, bây giờ bớt cực rồi, hổng sợ đói nữa. Tôi thấy sao chị kiếm tiền ngon ơ, dù ít so với những người giầu có hàng tỉ nhưng ăn không ngon ngủ không yên, thậm chí có ngày đủ ăn rồi, chị chẳng cần phải làm thêm, nhận thêm công việc để kiếm thêm nữa.

So sánh với tình trạng ở châu Âu thì thật là khác xa một trời một vực. Thất nghiệp bị cho là “lười biếng”, không chịu đi tìm việc làm, không chịu đổi nghề. Trong khi đó, vấn đề đặt ra hiện nay ở châu Âu không phải là vấn đề thất nghiệp, mà thất nghiệp chỉ là hậu quả của việc di dời sản xuất, đóng cửa xí nghiệp, xa thải nhân công hàng loạt mấy ngàn người lao động ăn lương… mà sự kiện này còn có ảnh hưởng xấu lên những ngành nghề liên quan… Nói tóm lại, vấn đề chính đặt ra cho các nước phương Tây là sự thoái hóa của việc sử dụng lao động. Trở đầu ngọn dáo, quy “tội” cho những thất nghiệp là lười biếng, xã hội châu Âu đỡ đòn cho giới chủ nhân, những người sử dụng lao động, và làm cho những người thất nghiệp bị mặc cảm tinh thần nặng nề.

Đối với những người muốn hành nghề tự do, thì muốn làm nghề nào cũng phải có bằng cấp, giấy phép hành nghề, đóng đủ mọi thứ thuế, mọi thứ bảo hiểm, nay kiểm tra mai thanh tra, lại thêm không thể nay có hứng thì làm mai không hứng thì nghỉ! Ở Việt Nam, xã hội vẫn còn cho phép những người như gia đình chị có cơ hội có được một đời sống đầy đủ, và chị hài lòng với đời sống đó, có quần áo thay đổi, áo đẹp đi lễ, không mắc nợ nần, đau ốm có thuốc thang.

Một người tài xế Taxi nói giọng miền Nam, có nụ cười hiền lành, kể cho tôi nghe rằng ông đóng mỗi tháng trên 400.000 đồng thuế thu nhập cá nhân cho chính phủ. Phần tiền này sẽ được chủ xe trừ vào tiền lương tháng, như là tiền đóng bảo hiểm rồi nộp cho chính phủ. Nếu có thu nhập dưới 9 triệu đồng một tháng, sau khi đã trừ ra mọi chi phí cho công việc lái xe, thì khỏi phải đóng thuế. Mà anh nói, ai cũng cố gắng kiếm hơn mức đó, để nuôi gia đình, trung bình kiếm từ 15-20 triệu trở lên, đời sống xem như là tạm đủ với thu nhập từ công việc lái xe.

Gia đình trung lưu có thu nhập khoảng 30 triệu, 40 triệu và nhiều hơn nữa trong một tháng. Mức miễn thuế hiện nay là thu nhập 4 triệu đồng một tháng, tương đương với 177 usd. (Tỷ giá hôm nay 1usd = 22.670, 1 €= 24.500).

Đến thăm các gia đình thân quen, nhà nào cũng có 2, 3 thế hệ chung sống, cha mẹ, con cái, cháu chắt, tạo ra một liên kết gia đình bền vững. Người già được người trẻ hơn chăm sóc, vui vẻ trong tuổi già. Trẻ con lớn lên với ông bà cũng học được truyền thống gia đình, đồng thời cũng học được khái niệm thời gian của một đời người sinh lão bệnh tử. Ai nỡ đem cha mẹ già vào viện dưỡng lão thì được coi là bất hiếu, cho nên hình thức viện dưỡng lão tư nhân còn phát triển chậm. Sự kiện này, cùng với sự ràng buộc về kinh tế, thế hệ trẻ hiện nay phải sống bám vào thế hệ già đi trước vì chỗ ăn chỗ ở. Đồng lương không cho phép thuê nhà ở riêng, mà vợ chồng con cái thường phải sống trong nhà của cha mẹ, nương dựa lẫn nhau. Cha mẹ nuôi được mười con nhưng mười con không nuôi được cha mẹ. Tựu chung, giàu hay nghèo, chế độ gia đình lớn nhiều thế hệ tại Việt Nam đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng xã hội.

Các xã hội châu Âu phần lớn bị chia rẽ từ trên nền tảng gia đình, chia rẽ khi con đã trưởng thành ra ở riêng, ở xa, tự lập cá nhân, không còn nghĩ đến ơn nghĩa sinh thành, cha mẹ già thì đã có viện dưỡng lão trông nom, chỉ phải trả tiền đầy đủ, đó là bổn phận tối thiểu của thế hệ trẻ đối với thế hệ già. Bảo sao cuộc sống ở châu Âu không vui, không hạnh phúc.

Xã hội Việt Nam tuy còn nhiều điểm yếu, phải có tiến triển, nhưng công việc này đòi hỏi phải có thời gian, đi đôi với vấn đề giáo dục cả xã hội. Nhưng cái cười của người Việt là một giá trị tinh thần quý báu, không nên để cho phai nhạt.

Mathilde Tuyết Trần, France 2017 (mttuyet.fr)