Tại sao du lịch nước ngoài sẽ tốn kém hơn sau đại dịch?

10:05 27/11/2021

Có vẻ như các chuyến du lịch nước ngoài sẽ ngày càng đắt đỏ hơn so với trước đây. Mặc dù trước mắt chính phủ các nước cũng như nhiều hãng hàng không tung ra chương trình khuyến mãi thúc đẩy người dân đi du lịch nhưng xu hướng này chỉ là tạm thời.

Có nhiều nguyên nhân khiến chi phí du lịch nước ngoài tăng cao hậu Covid-19
Có nhiều nguyên nhân khiến chi phí du lịch nước ngoài tăng cao hậu Covid-19. (Ảnh: internet) 

Nguyên do trước hết được các nhà phân tích đưa ra là phí thuê phương tiện giao thông tăng cao đột biến. Do không muốn một lần nữa rơi vào tình trạng thừa nguồn cung trong thời điểm nhu cầu hạn chế, nhiều công ty cho thuê đã bán lượng lớn phương tiện khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Các chi phí phòng chống dịch Covid-19 như khử trùng xe, xét nghiệm,... khiến giá cả đội lên cao. Giá xăng dầu ở mức cao nhất mọi thời đại trên khắp toàn cầu từ châu Âu đến châu Á. Bên cạnh đó, du khách muốn gọi xe ở các thành phố có thể sẽ khó khăn hơn rất nhiều bởi các tài xế trên ứng dụng như Uber không muốn mạo hiểm sức khỏe, dẫn đến cung không đủ cầu. Nhiều công ty buộc phải bổ sung các khoản tiền thưởng và nhiều ưu đãi khác nhằm kêu gọi lái xe quay trở lại, tất nhiên điều này đồng nghĩa với giá cả sẽ đội lên gấp nhiều lần và người dùng là đối tượng chịu thiệt.

Ngoài ra hàng loạt các thương vụ hợp nhất của ngành hàng không với các công ty du lịch cũng tác động mạnh mẽ đến chi phí cho một kỳ nghỉ đi nước ngoài. Hàng trăm nghìn máy bay không thể cất cánh trong đại dịch làm tăng thêm chi phí bảo dưỡng cùng với việc hàng chục hãng hàng không như Cathay Dragon, Virgin Atlantic và Philippine Airlines ngừng hoạt động hoặc phá sản có khả năng dẫn đến giá vé cao hơn. Không những vậy, một yếu tố khác dẫn đến tăng giá vé máy bay phổ thông là do vắng mặt nhóm khách hàng doanh nhân thường xuyên đi công tác. Giờ đây, họ lựa chọn ngồi tại nhà và họp qua Zoom hơn là trả tiền để bay mà không đảm bảo sức khỏe. Các quy định giãn cách như không sử dụng quá 50% công suất hoặc chỗ ngồi khiến các hàng ghế khó có thể lấp đầy, các khu nghỉ dưỡng cũng hạn chế sử dụng hệ thống điều hòa không khí chung cho cả khu vực tránh lây nhiễm Covid-19.

Phát biểu trên một chương trình phát thanh của BBC gần đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải của Anh, Grant Shapps, cho biết: "Tôi cho rằng tiêm chủng đầy đủ hai mũi sẽ giúp vực dậy ngành du lịch, có lẽ tất cả các quốc gia sau này đều sẽ yêu cầu du khách bắt buộc tiêm chủng đầy đủ". Phí xét nghiệm RT-PCR cũng là vấn đề mà người đi du lịch xem xét, thậm chí, một số chính phủ còn nhấn mạnh khách du lịch sẽ phải mua bảo hiểm y tế riêng biệt đắt tiền để chi trả cho các hóa đơn y tế liên quan đến Covid-19. Một số điểm đến bao gồm Bali, St Lucia, Zimbabwe và Cancun có kế hoạch áp dụng thuế du lịch. Bắt đầu từ năm 2022, Thái Lan sẽ thu phí 500 baht (15 đô la Mỹ) và đưa vào quỹ chuyển đổi ngành du lịch với mục tiêu đưa các quốc gia Đông Nam Á đến với nền kinh tế có giá trị cao và bền vững.

Trong thời kỳ trước khi Covid-19 xuất hiện, các hãng hàng không giá rẻ có thể thu được lợi nhuận từ các chuyến bay có giá từ 30 đô la Mỹ trở xuống. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hàng không đang chịu áp lực ngày càng tăng để đạt được tham vọng carbon xanh. Liên minh châu Âu hiện xem xét đánh thuế đối với nhiên liệu hàng không gây ô nhiễm, đặc biệt là dầu hỏa, vì vậy, giá vé tăng cao là điều có thể dự đoán. 

TL