T.S Tô Hoài Nam-Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME: Hiệp hội luôn chủ động, sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp

08:00 01/01/2023

Nhân dịp Xuân Quý Mão, Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã dành cho Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập một cuộc phỏng vấn, chia sẻ về những kết quả hoạt động của Hiệp hội thời gian qua cũng như các định hướng năm 2023 và những năm tới.

Được biết, năm 2022 là năm cuối trong nhiệm kỳ III của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ông có thể cho biết khái quát kết quả hoạt động mà Hiệp hội trong đã được thời gian qua?

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Trong nhiệm kỳ vừa qua Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã triển khai rất nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng kích lệ. Nhưng điều đầu tiên phải nhắc tới là sự lớn mạnh về tổ chức. Đến cuối năm 2022, Hiệp hội đã có trên 6,5 vạn hội viên chính thức. Tổ chức Hội được hoàn thiện đến 59/63 tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó tại nhiều tỉnh/thành phố đã tổ chức được cấp hội đến quận, huyện thậm chí cấp xã phường. Những số liệu đó là sự thể hiện chung nhất những kết quả trên nhiều mặt hoạt động của Hiệp hội. Bởi một tổ chức xã hội-nghề nghiệp về phát triển kinh tế phải có nhiều hoạt động phù hợp, hiệu quả mới thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Với những kết quả trên, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được nhiều cơ quan, tổ chức đánh giá là một trong những tổ chức xã hội-nghề nghiệp lớn và uy tín.  

T.S Tô Hoài Nam-Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME
T.S Tô Hoài Nam-Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME.

Vậy, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm, phương thức nào để Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đạt được những kết quả như trên?

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Trước hết, Ban chấp hành, Ban thường vụ cũng như tất cả các đơn vị, cán bộ nhân viên của Hiệp hội hiểu rõ sứ mệnh, để từ đó nhất quán mọi hành động đều phải lấy lợi ích đất nước, lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp làm kim chỉ nam. Trước hết Hiệp hội phải vừa trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc cập nhật, tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ làm đúng mà còn biết vận dụng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để phát triển kinh tế. Thứ hai là Hiệp hội phải đóng vai “người bạn”, “bà đỡ” để luôn đồng hành, hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp. Trong nhiệm vụ chiến lược này, Hiệp hội luôn chủ động, tiên phong xây dựng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, không chờ đến khi doanh nghiệp “kêu” thì mới hỗ trợ.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn những đóng góp của Hiệp hội trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Mỗi năm, Hiệp hội đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản, tài liệu hoặc yêu cầu từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ/ngành và đoàn thể trung ương. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội đã nghiên cứu, xây dựng 105 văn bản tham gia góp ý xây dựng luật, thể chế, hơn 200 văn bản góp ý về chính sách, 65 văn bản có liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra, Hiệp hội còn tham gia hàng trăm ý kiến trực tiếp, bằng văn bản tại các kỳ họp của Quốc hội, hoặc gửi đến Chính phủ, một số Bộ, ngành và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội được các cấp có thẩm quyền đánh giá có chất lượng, trúng và đúng nhiều vấn đề “nóng” mà doanh nghiệp và xã hội quan tâm, góp phần tháo gỡ những “nút thắt”, vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp, người dân đang phải đối diện.

Tham gia đóng góp ý kiến ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp là việc không hề đơn giản. Tuy nhiên, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng và đáng tin cậy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi cần tham vấn để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế cũng như các vấn đề liên quan của đất nước.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn sát cánh cùng doanh nghiệp
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn sát cánh cùng doanh nghiệp.

Ông có nhắc đến việc Hiệp hội đã chủ động, tiên phong đề xuất các chính sách, chương trình để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vậy ông có thể giới thiệu một vài chương trình cụ thể được không?

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Đại dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Một trong những vấn đề kỳ khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt là dòng tiền và nhân lực. Để giải bài toán đó, Hiệp hội đã đề xuất sáng kiến “trả lương linh hoạt”. Chính sách này vừa giúp người lao động xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân phù hợp vừa giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền. Không dừng lại ở việc đề xuất, Hiệp hội đã động viên doanh nghiệp là hội viên xây dựng nền tảng kĩ thuật số và khuyến khích, tổ chức thử nghiệm tại một số tỉnh thành trên cả nước, đã có 150.000 lao động tham gia trong năm 2022. Phương thức “trả lương linh hoạt” đã được rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước áp dụng thành công, góp phần hạn chế tình trạng người lao động vay tín dụng đen.

Hiệp hội cũng tiên phong khi nghiên cứu và bảo vệ đề tài “Hệ thống quản lý và theo dõi thông tin nguồn gốc thực phẩm ở cấp độ người quản lý và người dùng” và “Cổng truy xuất nguồn gốc Nông, Lâm, Thủy sản Check.net.vn”. Công trình khoa học này đã được sử dụng để quản lý nguồn gốc nông sản của thành phố Hà Nội thông qua việc đấu thầu cạnh tranh. Đến nay, ngoài Hà Nội, đã có 21 tỉnh/thành phố khác áp dụng.

Hiệp hội đã chủ động kết nối, đề xuất hợp tác với các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp khác để triển khai các dự án hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ chương trình Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI hỗ trợ người lao động. Đây là hoạt động hợp tác giữa nhiều cơ quan cùng thực hiện chung một nhiệm vụ lớn của quốc gia.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng hợp tác với các tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo, trong việc nghiên cứu các đề tài khoa học, các dự án điều tra khảo sát, các hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư.

Ông có thể đưa ra một số đánh giá về hoạt động của Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập trong thời gian vừa qua?

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Trước thời điểm Chính phủ phê duyệt và triển khai “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025”, Hiệp hội có 03 cơ quan báo chí nhưng sau đó chỉ còn lại Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, 02 cơ quan báo chí khác đã xin chuyển cơ quan chủ quản theo định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, dù phải gánh trách nhiệm của ba cơ quan báo chí trước đây nhưng Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã thực hiện rất tốt vai trò là cơ quan ngôn luận, kênh truyền thông chủ lực của Hiệp hội. Có thể nói, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập có vai trò nhất định trong những kết quả mà Hiệp hội đạt được trong thời gian qua khi vừa thông tin đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế cũng như các hoạt động, định hướng, chương trình mà Trung ương Hiệp hội cũng như các đơn vị trực thuộc tiến hành, vừa thực hiện được vai trò kết nối các đơn vị, hội viên.

Trong thời gian qua, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập luôn hoạt động theo tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép được cấp, các quy định pháp luật và định hướng của Hiệp hội. Điều này đã được chứng minh và ghi nhận qua cuộc thanh tra của Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Thông tin Truyền thông-Bộ Công an được thực hiện trong năm 2022.

Đặc biệt, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã mạnh dạn đổi mới mô hình và phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Tạp chí đã xây dựng những nền móng đầu tiên để triển khai mô hình “báo chí dữ liệu”, để ngoài thực hiện vai trò cơ quan ngôn luận của Hiệp hội, một kênh thông tin chuyên sâu về kinh tế, cung cấp kiến thức kinh doanh còn đóng vai trò kết nối các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư, thương mại, hỗ trợ quảng bá, tiếp thị sản phẩm của doanh nghiệp đến người tiêu dùng một cách hiệu quả. Nhờ sự chủ động, sáng tạo, dám đi đầu nên Doanh nghiệp & Hội nhập là một trong những cơ quan tạp chí phát triển tốt, đảm bảo đời sống cho cán bộ, phóng viên trong tình hình kinh tế báo chí gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi của môi trường truyền thông, sự cạnh tranh khốc liệt của các nền tảng mạng xã hội.

T.S Tô Hoài Nam-Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME thường xuyên tham góp ý kiến tại các Hội nghị, cuộc họp liên quan tới chính sách.
T.S Tô Hoài Nam-Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME thường xuyên tham góp ý kiến tại các Hội nghị, cuộc họp liên quan tới chính sách..

 

Được biết, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội lần thứ IV vào đầu năm 2023. Ông có thể cho biết một vài định hướng mà Ban Thường vụ, Ban chấp hành nhiệm kỳ III sẽ được đưa ra thảo luận tại Đại hội sắp tới?  

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Hiệp hội sẽ căn cứ vào chủ trương về phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà tiêu biểu nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển và cụ thể “sát sườn” là Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, ngoài việc phát huy những lĩnh vực, vấn đề đã làm tốt, dự kiến Đại hội sẽ thảo luận, xây dựng chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các lĩnh vực: Chuyển đổi số và kinh tế số; Thúc đẩy, kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn thành các chuỗi sản xuất theo từng lĩnh vực kinh tế; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, đặc biệt là thị trường quốc tế nhằm tận dụng các FTA thế hệ mới; Thúc đẩy việc thực thi toàn diện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và kinh tế tư nhân.

Có thể nói, các nhiệm kỳ đã qua của Hiệp hội đã “thắp lửa” và “giữ lửa” thì nhiệm kỳ sắp tới sẽ phải “thắp sáng”. Để thực hiện được mục tiêu, Hiệp hội cũng sẽ đổi mới phương thức hoạt động, tích cực áp dụng chuyển đổi số, huy động thêm nguồn lực để tăng tốc độ, khối lượng công việc. Bởi thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy một trong những hạn chế trong thời gian vừa qua là: Ý tưởng thì có rất nhiều nhưng chưa có đủ nguồn lực, cả về con người lẫn kinh phí để thực hiện. Do vậy, Ban lãnh đạo của Hiệp hội nhiệm kỳ tới sẽ phải giải bài toán về nguồn lực. Chúng tôi cũng rất mong sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ/ngành, các tổ chức trong và ngoài nước và đặc biệt là các doanh nghiệp. Nếu có nguồn lực tốt, Hiệp hội sẽ còn làm được rất nhiều việc để có thể hỗ cho doanh nghiệp.

Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, ông có lời chúc nào gửi tới các hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam?

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Mặc dù thời gian qua nền kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn do đại dịch, tranh chấp địa chính trị nhưng chính những điều này cộng với cuộc cách mạng 4.0 đang trao cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các nền kinh tế nhỏ và trung bình. Trong nước thì Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật tạo mọi điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển kinh tế nhằm đưa nước ta trở thành một nước phát triển vào năm 2045. Chính phủ cũng rất tích cực xây dựng các tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế như: Hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ; Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ban hành các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế; Mở rộng thị trường quốc tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài để giúp kết nối các ngành kinh tế trong nước với chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu…Đó là những bệ phóng rất quan trọng và cũng tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển nếu biết nắm bắt cơ hội, mạnh dạn, sáng tạo trong triển khai chiến lược kinh doanh.

Nhân dịp Xuân Quý Mão tôi xin thay mặt cho Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kính chúc các doanh nhân, doanh nghiệp hội viên hội tụ được đầy đủ năng lực trong “đối nội, đối ngoại” để phát triển sản xuất kinh doanh thành công. Kính chúc các cán bộ, Nhà báo, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập giàu năng lượng trong công tác, hạnh phúc trong cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Hà Linh (Thực hiện)