Sinh viên khởi nghiệp - cơ hội hay thách thức?

15:57 12/04/2022

Trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bài viết về những chương trình, cuộc thi và tổ chức hỗ trợ những dự án khởi nghiệp. Vậy khởi nghiệp là cơ hội hay thách thức? Và các sân chơi khởi nghiệp hiện nay có đang mang đến những dự án chất lượng hay đơn thuần là những ý tưởng trên mặt giấy?

Cụm từ “khởi nghiệp” là một cụm từ xa xỉ với đa số các bạn sinh viên mới bước chân vào giảng đường đại học. Có người lo sợ bản thân không đủ kiến thức, có người lo sợ về mặt tài chính. Tất cả kết hợp trở thành nguyên nhân rất nhiều bạn sinh viên dù rất muốn thử sức mình với công việc kinh doanh, nhưng hầu hết đều không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào. Vậy đâu là những yếu tố cần thiết tạo nên một dự án hỗ trợ khởi nghiệp thành công trong thời đại chuyển đổi số hiện nay?

Cơ hội được đào tạo bởi chuyên gia trong ngành

Các doanh nghiệp non trẻ khi tham gia vào các chương trình khởi nghiệp sẽ có cơ hội được kết nối với đội ngũ cố vấn của chương trình - những chuyên gia với kinh nghiệm thực dày dặn trong lĩnh vực hướng tới. Trong khuôn khổ các chương trình đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay, ban cố vấn thường xoay quanh những giảng viên, giáo sư của các trường đại học. Tuy mang trong mình rất nhiều nền tảng kiến thức chuyên sâu nhưng lại thiếu đi tính trải nghiệm thực tế mà sinh viên cần khi vào sâu trong thị trường. 

Việc kết nối giữa chuyên gia trong ngành và các startup giống như một hình thức trao đổi cung- cầu: sinh viên khởi nghiệp sẽ được kế thừa những kinh nghiệm thực tiễn và những lời khuyên giá trị, đồng thời chuyên gia có thể tìm kiếm cho mình những “viên kim cương thô”. Tuy nhiên, các startup cũng cần tỉnh táo trước những lời đề nghị “béo bở”, để tránh bị những cá mập trong ngành nuốt chửng và trở thành người làm thuê cho chính doanh nghiệp của mình.

Việc chuyên gia trong ngành trở thành cố vấn cho các đội thi trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp là thiết yếu. (Nguồn: ĐH Văn Lang)
Việc chuyên gia trong ngành trở thành cố vấn cho các đội thi trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp là thiết yếu. (Nguồn: ĐH Văn Lang).

 Được hỗ trợ về tiềm lực đầu tư

Trong các dự án khởi nghiệp của sinh viên hiện nay, các bạn trẻ hầu hết chưa thể kinh doanh thành công do chưa có tiềm lực về tài chính. Khi tham gia các chương trình, cuộc thi về khởi nghiệp - nơi có những công ty, tập đoàn và quỹ đầu tư đứng sau, các bạn sinh viên cùng những dự án tiềm năng sẽ được tận dụng những công cụ do chương trình và các doanh nghiệp cung cấp. Các startup không chỉ được rót vốn khi trở thành dự án chiến thắng của chương trình, mà qua đây các bạn có thể được kết nối với những nhà đầu tư có hứng thú với dự án.

Sử dụng nền tảng công nghệ và dữ liệu rộng lớn 

Một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp mới đang gặp phải là cơ sở dữ liệu hạn hẹp, không đa dạng. Trong khuôn khổ các cuộc thi khởi nghiệp, đứng sau là những quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn vì vậy các cá nhân, đội nhóm sẽ được sử dụng những cơ sở dữ liệu, thông tin về khách hàng, thói quen tiêu dùng,... có sẵn để ứng dụng vào nghiên cứu thị trường hay cơ sở để phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. Việc sử dụng những tài nguyên về thông tin, dữ liệu thực tế rộng lớn như vậy là một lợi ích rất lớn của những startup.

Sân chơi đa dạng với nhiều cơ hội mới

Cơ hội khởi nghiệp khi là sinh viên có phải chỉ dành cho những người đã có đội nhóm? Những chương trình khởi nghiệp truyền thống thường tìm kiếm những đối tượng là doanh nghiệp nhỏ, đội nhóm đã có sẵn ý tưởng, dự án. Trong tương lai, nếu có những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tìm kiếm những sinh viên tiềm năng ở những vị trí, chức năng khác nhau và tạo điều kiện cho các bạn được sắp xếp, hợp tác thành những “công ty” nhỏ lẻ để cùng làm những sản phẩm, dự án trong thời gian ngắn để lấy đó làm cơ sở đánh giá, chọn lọc thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ còn được chứng kiến những thành công vang dội hơn nữa từ những startup trẻ.

Có thể nói rằng, những sân chơi “khởi nghiệp” dành cho sinh viên đã biến những ý tưởng trên mặt giấy trở thành một dự án chất lượng với những giá trị thiết thực cho cộng đồng. Bên cạnh đó, chính những sinh viên trong những sân chơi đó cũng đã trau dồi được những kiến thức và kinh nghiệm, tạo được sự kết nối trong các mối quan hệ. Chắc chắn rằng, những cuộc thi khởi nghiệp đã góp phần củng cố hành trang cho các bạn sinh viên để các bạn tiếp tục vững bước trên con đường mà mình đã chọn.

 Khánh Hà