Singapore bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các công ty tiền điện tử

16:45 19/07/2022

Việc Singapore sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với các công ty tiền điện tử sẽ tác động trực tiếp đến những công ty, cá nhân đầu tư trong ngành kinh doanh Bitcoin, Ethereum và các loại tiền kỹ thuật số khác.

Ngân hàng trung ương Singapore ngày 19/7 báo cáo khoản lỗ 4,7 tỷ đô la Singapore (3,37 tỷ USD) do đồng đô la mạnh làm suy yếu giá trị của các đồng tiền khác trong danh mục đầu tư. © Reuters

Vào tháng 4, Singapore đã thông qua luật mở rộng các quy định về tiền điện tử đối với các công ty có sự hiện diện và cung cấp dịch vụ mã thông báo kỹ thuật số tại đất nước này. Ảnh: Reuters.

Singapore sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với các công ty tiền điện tử trong những tháng tới. Ngân hàng trung ương đang có kế hoạch bắt đầu trao đổi với những công ty trong ngành vào tháng 9 hoặc tháng 10 nhằm đưa ra các quy định chặt chẽ hơn cho lĩnh vực mới nổi này. 

Giám đốc điều hành của Cơ quan quản lý tiền tệ (MAS) Singapore Ravi Menon đã thông báo điều này vào ngày 19/7 với việc phát hành báo cáo thường niên. Ông cho biết, vẫn đang trong quá trình tham mưu để mở rộng thêm phạm vi các nguyên tắc nhằm quản lý chặt chẽ lĩnh vực tiền điện tử và bảo vệ người dùng.

Giám đốc điều hành của Cơ quan quản lý tiền tệ (MAS) Singapore Ravi Menon
Giám đốc điều hành của Cơ quan quản lý tiền tệ (MAS) Singapore Ravi Menon.

Menon lưu ý rằng, các công ty tiền điện tử có sự hiện diện ở Singapore đang gặp nhiều khó khăn. Ông sẽ chú trọng giải quyết các công ty tiền điện tử thất bại gần đây có liên kết với thành phố, bao gồm TerraForm Labs và Luna Foundation Guard – các công ty chịu ảnh hưởng lớn do giá token lao dốc trong thời gian qua đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong ngành.

Singapore quản lý lĩnh vực tiền điện tử chủ yếu để đối phó với rủi ro rửa tiền và nguy cơ tổ chức khủng bố, họ đã thực hiện một cách tiếp cận chủ yếu là đặt ra các quy tắc về tài sản tiền điện tử như các khoản đầu tư. Tuy nhiên, MAS đã yêu cầu các công ty tiền điện tử dừng các hoạt động tiếp thị hàng loạt và cảnh báo nhiều lần về những cạm bẫy của mã thông báo kỹ thuật số mang lại. 

Ông nói thêm, các cảnh báo lặp đi lặp lại của MAS đối với các khoản đầu tư bán lẻ vào tiền điện tử và việc ban hành các chính sách hạn chế truy cập bán lẻ đã đặt ra một số câu hỏi về lập trường của cơ quan quản lý liên quan đến hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số.

Giải quyết vấn đề này, Ngân hàng trung ương sẽ tổ chức một cuộc hội thảo vào tháng tới để giải thích các chiến lược phát triển Singapore như một trung tâm tài sản kỹ thuật số.

Ông nói: “Các quy định của chúng tôi sẽ hoạt động hài hòa để Singapore đạt được tầm nhìn như một trung tâm tài sản kỹ thuật số sáng tạo và có trách nhiệm” .

Trước đó vào tháng 4, Singapore đã thông qua luật mở rộng các quy định về tiền điện tử đối với các công ty có sự hiện diện và cung cấp dịch vụ mã thông báo kỹ thuật số tại đất nước này.

Cụ thể, các nhà lập pháp đã thông qua Dự luật Thị trường và Dịch vụ Tài chính 2022, được đưa ra trước Quốc hội để tranh luận trong ngày 4/4. Luật quy định các công ty tiền điện tử/blockchain được tạo ra ở Singapore nhưng cung cấp dịch vụ của họ ở nơi khác phải đặt dưới sự quan tâm của các cơ quan quản lý trong nước.

Luật ảnh hưởng trực tiếp đến những công ty, cá nhân đầu tư trong ngành kinh doanh Bitcoin, Ethereum và các loại tiền kỹ thuật số khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch hoặc đưa ra lời khuyên tài chính về việc bán các mã thông báo này.

Dù nhận về khá nhiều phản ứng gay gắt từ những nhà đầu tư trong lĩnh vực này, Singapore không hề đơn độc trong việc thắt chặt giám sát của mình đối với lĩnh vực tiền điện tử đang bùng nổ.

Thái Lan trong năm nay cũng đã ban hành lệnh cấm thanh toán bằng tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số khác nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính. Trong khi đó, Trung Quốc đã cấm tất cả các dịch vụ và thanh toán tiền điện tử vì phá vỡ "trật tự kinh tế và tài chính".

Siết chặt quy định sẽ khiến hàng loạt cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực tiền điện tử đặt tại Singapore sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn mới đặt ra nếu muốn tiếp tục tồn tại và hoạt động trên đảo quốc này.

Lyly