Kế hoạch xóa nợ cho sinh viên của Tổng thống Joe Biden sẽ ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Mỹ?

15:57 26/08/2022

Kế hoạch xóa nợ cho sinh viên của Tổng thống Joe Biden là một động thái sẽ làm thay đổi cuộc sống của những người Mỹ vốn đang chìm trong nợ nần. Tuy nhiên, liệu động thái này có ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ vốn đang chứng kiến lạm phát gia tăng mạnh mẽ.

Ông Biden công bố kế hoạch xóa nợ sinh viên lên tới hàng trăm tỷ USD

Ông Biden đã công bố kế hoạch xóa nợ sinh viên có tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố chính quyền của ông sẽ xóa bỏ 10.000 USD nợ sinh viên liên bang cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm. Những người vay có thu nhập thấp đã học đại học trên Pell Grants sẽ nhận được khoản xóa nợ sinh viên lên đến 20.000 đô la.

Việc xóa nợ này sẽ giúp cho hàng chục triệu người vay tiền sẽ cảm thấy giảm bớt gánh nặng vào thời điểm chi phí sinh hoạt tăng lên chóng mặt 

Điều quan trọng, việc hủy bỏ khoản nợ sinh viên đang được kết hợp với kế hoạch dỡ bỏ lệnh tạm hoãn thanh toán nợ sinh viên liên bang kể từ tháng 1/2023. Điều đó có nghĩa là nhiều người Mỹ không cần phải trả nợ sinh viên kể từ tháng 3/2020 sẽ phải bắt đầu phải thực hiện nghĩa vụ, khiến dòng tiền của họ trở nên eo hẹp hơn.

Mặc dù lo ngại rằng việc xóa nợ cho sinh viên của Tổng thống Biden sẽ thúc đẩy lạm phát vốn đã tăng cao, các nhà kinh tế nói rằng tác động tổng thể đối với nền kinh tế là không quá lớn. 

Moody’s ước tính rằng tác động tổng hợp của hai chính sách này sẽ khiến GDP thực của năm 2023 giảm 0,05 điểm %, tỷ lệ thất nghiệp hạ 0,02 điểm % và lạm phát đi xuống 0,03 điểm %. Nhìn chung, ảnh hưởng của chúng đến nền kinh tế gần như không đáng kể.

"Những tác động của động thái này thực sự nhỏ đối với nền kinh tế. Nhưng đối với các cá nhân, điều này tạo ra sự khác biệt lớn", Dean Baker, đồng sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. 

Hàng chục triệu người đi vay được hưởng lợi

Theo một phân tích của Bộ Giáo dục được Nhà Trắng trích dẫn, một sinh viên đại học thông thường đã vay nợ với khoản nợ gần 25.000 USD.

Theo Nhà Trắng, có tới 43 triệu người đi vay sẽ được cứu trợ từ kế hoạch xóa nợ cho sinh viên của Biden, bao gồm xóa toàn bộ số dư còn lại cho khoảng 20 triệu người đi vay.

Một số luồng ý kiến lại cho rằng, việc xóa nợ của Biden không đi xóa đi hết hàng núi nợ của sinh viên ở Mỹ.

Các phân tích viết trong một bài báo trên CNN Business: “Xóa bỏ khoản nợ 10.000 USD chẳng khác nào chỉ dội một gáo nước đá vào đám cháy rừng".

Một hành động hết sức liều lĩnh? 

Tất nhiên, sẽ có một khoản chi phí được trích vào để xóa nợ cho sinh viên. Và chi phí đó sẽ được thu bởi những người đóng thuế.

Theo ước tính từ tổ chức Penn Wharton Budget Model, việc xóa đi khoản nợ trị giá 10.000 đô la cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm sẽ khiến chính phủ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đô la.

Mặc dù 300 tỷ đô la không phải là con số quá lớn đối với nền kinh tế trị giá 25 nghìn tỷ đô la, nhưng chi phí của kế hoạch xóa nợ sinh viên sẽ làm hủy bỏ tác dụng giảm thâm hụt ngân sách của Đạo luật Giảm Lạm phát mà Mỹ vừa thông qua.

Marc Goldwein, Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc chính sách cấp cao của Committee for a Responsible Federal Budget, nói với CNN: “Tất cả các khoản giảm thâm hụt sẽ bị xóa sổ".

Nhà Trắng đã từng ca ngợi việc giảm thâm hụt của Đạo luật Giảm lạm phát như một biện pháp chống lạm phát quan trọng. Và việc thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát cũng đánh dấu sự chuyển biến lớn sau hai năm Mỹ phải chất đầy nợ công để chiến đấu với đại dịch COVID-19.

Jason Furman, người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho cựu Tổng thống Barack Obama đã tỏ ra nghi ngờ về kế hoạch của Biden.

"Đổ khoảng nửa nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế vốn đang chứng kiến mức lạm phát gia tăng lúc này là một hành động hết sức liều lĩnh. Tổng thống Joe Biden đã làm điều này trong khi ông đang cố gắng thực hiện lời hứa cho chiến dịch tranh cử là xóa khoản nợ 10.000 USD cho sinh viên nhưng lại phá bỏ một lời hứa khác là thay vì xóa nợ cho tất cả mọi người, ông chỉ miễn giảm cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD". 

Tuy nhiên, Zandi của Moody's cho biết, đây là một "tín hiệu tích cực lớn cho gần 40 triệu người Mỹ, chủ yếu là thu nhập thấp và trung bình, nhưng đây lại là một tin khá tiêu cực đối với tất cả những người đóng thuế ở Mỹ".

Kế hoạch làm dấy lên câu hỏi về sự công bằng

Ngoài tác động kinh tế, kế hoạch của Biden đã làm dấy lên câu hỏi về sự công bằng vì nó chỉ giúp những người đủ may mắn vào đại học.

Hạ nghị sĩ Tim Ryan, ứng cử viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện Ohio, cho biết, quyết định của Biden về việc xóa nợ sinh viên "gửi thông điệp sai lầm đến hàng triệu người Ohio không có bằng cấp đang làm việc chăm chỉ để kiếm sống."

Ryan nói: “Thay vì xóa các khoản cho vay sinh viên có thu nhập thấp, chúng ta nên san bằng sân chơi công bằng cho tất cả người Mỹ".

Trích dẫn một phân tích của Bộ Giáo dục, Nhà Trắng cho biết, gần 90% số đô la cứu trợ sẽ được chuyển đến những người có thu nhập dưới 75.000 đô la.

Việc xóa nợ cho sinh viên đến quá muộn đối với những người đi vay đã làm việc trong nhiều năm để trả khoản vay của họ, chỉ để bây giờ nhìn thấy những người khác được xóa nợ.

Những khó khăn vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn

Dù số tiền bao nhiêu, việc xóa nợ khoản vay sinh viên không giải quyết được vấn đề cơ bản: Học phí đại học quá đắt.

Theo Moody's Analytics, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2021, chi phí học đại học đã tăng hơn gấp đôi so với tốc độ lạm phát chung. Đó là bất chấp việc tăng học phí chậm lại trong thời gian Covid.

Thật khó để xem việc xóa bỏ một phần nợ sinh viên có thể giải quyết vấn đề đó như thế nào. 

Dean Baker từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nói: "Chi phí vượt ngoài tầm kiểm soát. Thật vô lý khi mọi người phải vay một số tiền lớn và sau đó phải vật lộn để trả lại. Vấn đề này vẫn tiếp tục còn đó và chưa được giải quyết". 

Bảo Bảo