Sau 5 năm kể từ "cuộc chiến xe đạp", bài toán cho thuê xe đạp công cộng tại Trung Quốc vẫn chưa có lời giải

15:30 05/12/2021

Đã gần năm năm kể từ "cuộc chiến xe đạp", liệu các công ty cho thuê xe đạp công tại Trung Quốc có đang đi đúng hướng?

Xe đạp đi chung là loại hình phương tiện giao thông phổ biến tại Trung Quốc.
Xe đạp đi chung là loại hình phương tiện giao thông phổ biến tại Trung Quốc.. (Ảnh: baidu)

Cứ 8 đến 9 giờ mỗi sáng, người đi làm trên khắp các thành phố tại Trung Quốc ồ ạt thoát khỏi các ga tàu điện ngầm chen chúc và tiếp tục hành trình đến công sở trên những chiếc xe đạp thuê công cộng. Vào giờ cao điểm, có hàng chục đến hàng trăm chiếc xe đạp xếp dọc vỉa hè bên ngoài hầu hết các trung tâm trung chuyển lớn. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các công ty cho thuê xe đạp duy trì các đội xe tải vận chuyển phương tiện từ khắp các nơi ở thành phố tập hợp trở lại ga tàu điện ngầm.

Đáng chú ý, các công ty cho thuê xe đạp này vẫn đang sống trong bóng đen của “cuộc chiến xe đạp” - một cuộc chiến vốn mạo hiểm kéo dài giữa Ofo và Mobike từ suốt thời điểm 2016. Cả hai đều muốn trở thành "Uber của loại hình xe đạp chia sẻ". Hai nền tảng mạnh tay chi tiền cạnh tranh xem ai có thể xây dựng được đội xe lớn nhất, có nhiều người dùng và lợi nhuận cao nhất. Đối với người dùng, cuộc cạnh tranh mang lại lợi thế giá vé thấp, các chương trình giảm giá thường xuyên và lượng phương tiện dồi dào. Nhưng đối với các nhà quy hoạch, số xe đạp khổng lồ là một cơ ác mộng làm tắc nghẽn vỉa hè và gây bất tiện cho người đi bộ.

Tháng 8/2017, bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cùng 10 ban ngành khác đã cho ra bộ quy tắc mới yêu cầu quan chức đô thị và doanh nghiệp quản lý bãi đậu xe phải tiêu chuẩn hóa dịch vụ và đảm bảo an toàn cho người dùng cũng như cộng đồng xung quanh. Ngành công nghiệp cho thuê xe đạp trải qua một đợt suy thoái đột ngột, hàng chục triệu chiếc xe đạp biến mất khỏi các nẻo đường. Cuối cùng cả hai công ty đều thua lỗ, để lại nợ nần và những nghĩa địa xe đạp rộng lớn phía sau. Tuy nhiên, những sai lầm nghiêm trọng của Ofo và Mobike không thể giết chết ngành công nghiệp cho thuê ở Trung Quốc. Thậm chí, ngành này dường như ngày càng ổn định với sự xuất hiện của người chơi mới như Qingju, Meituan và Hello chiếm lĩnh thị trường. Theo một báo cáo năm 2020 do cơ quan dữ liệu EqualOcean phát hành, ba công ty này đã thâm nhập vào 400 thành phố và có hàng chục triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Thế nhưng do ngành xe đạp đi chung hiện chịu giám sát chặt chẽ nên số lượng phương tiện bị hạn chế, nhiều người chơi nhỏ lẻ khó lòng trụ lại trên thị trường. Công ty càng bảo dưỡng nhiều xe thì chi phí hoạt động càng cao, càng hút tầm mắt từ cơ quan quản lý. Mặt khác, nếu không triển khai đủ số lượng xe đạp sẽ dẫn đến tỷ lệ tiếp xúc thấp, có nguy cơ bị người dùng xa lánh vì không thể tìm được xe khi họ cần. Điều này đã buộc các công ty phải cải tiến kỹ thuật quản lý và điều động phương tiện. Sau tất cả, bài toán đậu xe vẫn chưa được giải quyết. 

Xe đạp điện đi chung là phiên bản mới tiềm năng sau xe đạp truyền thống. Hình ảnh một người đàn ông đi xe đạp điện trong mùa lũ tại tỉnh Hồ Bắc.
Xe đạp điện đi chung là phiên bản mới tiềm năng sau xe đạp truyền thống. Hình ảnh một người đàn ông đi xe đạp điện trong mùa lũ tại tỉnh Hồ Bắc.. (Ảnh: sixth tones)

Một số công ty cho thuê phát triển giải pháp kỹ thuật bao gồm sử dụng công nghệ định vị địa lý chỉ đường đỗ xe đúng quy định. Người dùng có thể xác nhận xem khu vực họ định đỗ xe có được phép hay không, nếu không sẽ bị tính thêm bao nhiêu phí. Việc tuân thủ quy định quan trọng nhưng mối quan tâm thực sự của các công ty vẫn là đảm bảo lợi nhuận. Ngày nay, hầu hết các dịch vụ cho thuê xe đạp ở Trung Quốc đều có giá 1,5 nhân dân tệ (0,24 USD) mỗi 15 phút hoặc gói tháng rẻ hơn. Tại công ty đi xe chung Hello, chi phí bảo dưỡng xe đạp là 0,3 nhân dân tệ một ngày. Về lý thuyết, chỉ cần mỗi người dùng đạp xe một lần mỗi ngày, công ty sẽ kiếm được lợi nhuận và hầu hết các nơi đều ghi nhận tần suất sử dụng xe cao hơn ba lần.

Tuy nhiên, đây là tỷ suất lợi nhuận thấp và không tính đến các chi phí hoạt động khác, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển hoặc tiếp thị. Cái khó ló cái khôn, nhiều công ty tìm ra giải pháp với xe đạp điện dùng chung. Giá thuê xe đạp điện đắt hơn so với xe đạp thông thường với giá từ hai đến bốn nhân dân tệ mỗi 30 phút. Xe đạp thuê thường đi được dưới 3 km, nhưng xe đạp điện có thể dễ dàng di chuyển đến 8 km. Có vẻ như giới chức vẫn chưa quên sự vụ hỗn loạn của cuộc chiến xe đạp năm nào và tỏ ra thờ ơ với tiềm năng của xe đạp điện. Ngoài các vấn đề an toàn giao thông đường bộ, các nhà lãnh đạo thành phố còn lo ngại về tác động của xe đạp điện đối với mạng lưới taxi và phương tiện giao thông công cộng, thậm chí khiến chúng trở nên lỗi thời. Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu đã thể hiện rõ ràng không mong muốn dịch vụ cho thuê xe đạp điện phát triển. 

TL