Hà Nội: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong khó khăn

21:54 02/10/2023

Ước tính quý 3/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 0,9%; quý 2 tăng 3,7%), theo Cục Thống kê Hà Nội nhận định.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn 9 tháng năm nay đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ suy giảm của thương mại toàn cầu, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực giảm sút, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao gây áp lực lên sản xuất.

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 của Thủ đô ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,2% và tăng 3,1%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,4% và tăng 6,5%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,1% và tăng 5,7%; khai khoáng tăng 3,6% và giảm 7,6%.

Ước tính quý 3/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 0,9%; quý 2 tăng 3,7%); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 4,6%; khai khoáng giảm 4,7%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Một số ngành có chỉ số IIP quý 3 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất đồ uống tăng 13,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc tăng 12,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11,5%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,6%.

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ như sản xuất máy móc, thiết bị giảm 13,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 12,5%; sản xuất kim loại giảm 3,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 2,3%; sản xuất trang phục giảm 2,2%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2022 tăng 8,6%); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,1%; khai khoáng giảm 5,2%.

Trong 9 tháng năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng khá so với cùng kỳ năm trước như sản xuất đồ uống tăng 19,6%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc tăng 17,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 8,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,2%.

Ngọc Phi (TH)