Sakichi Toyoda và Kiichiro Toyoda – “Cha truyền con nối” xây dựng nên thương hiệu xe hơi Toyota

10:45 07/12/2021

Là thương hiệu ô tô lớn nhất thế giới, thành công của Toyota bắt nguồn từ sự kết hợp giữa tài năng kinh doanh của Sakichi Toyoda và Kiichiro Toyoda – những người đặt nền móng đầu tiên cho Tập đoàn Toyota có được như ngày hôm nay.

Hai cha con ông Sakichi Toyoda (trái) và Kiichiro Toyoda (phải)

Hai cha con ông Sakichi Toyoda (trái) và Kiichiro Toyoda (phải).

Sakichi Toyoda - Người thợ mộc tài hoa

Tập đoàn Toyota được bắt nguồn xây dựng từ Sakichi Toyoda, một người thợ mộc tài hoa của Xứ sở hoa anh đào. Ngày nay, nói đến cái tên Toyota là người ta nghĩ ngay đến ôtô. Thế nhưng Sakichi Toyoda lại được biết đến trước hết bởi ông là một trong những người phát minh ra chiếc máy dệt hiện đại đầu tiên cho Nhật Bản.

Sakichi Toyoda sinh năm 1867 trong một gia đình nghèo có cha làm thợ mộc tại Shizuoka. Do hoàn cảnh mà ông đã phải dừng việc học và bắt đầu học làm nghề mộc khi mới 13 tuổi. Nhờ có một sức sáng tạo khá tốt và tinh thần chăm chỉ làm việc mà Sakichi Toyoda đã tự tay tạo ra chiếc khung dệt thủ công đầu tiên khi chỉ mới 23 tuổi. 

Năm 1897, lại sau rất nhiều thí nghiệm và nghiên cứu, Sakichi Toyoda lại gây bất ngờ với sản phẩm máy dệt động lực. Lần đầu tiên tại Nhật Bản lúc đó người ta thấy được những chiếc máy dệt, về cơ bản vẫn bằng gỗ, nhưng chạy bằng năng lượng hơi nước. Với loại máy dệt động lực này, năng suất dệt tăng gấp nhiều lần bởi một công nhân có thể đứng điều khiển nhiều máy dệt một lúc.

Chiếc máy dệt tự động đầu tiên của Nhật Bản do Sakichi Toyoda sáng chế
Chiếc máy dệt tự động đầu tiên của Nhật Bản do Sakichi Toyoda sáng chế.

Năm 1912 - 1915 là khoảng thời gian thành công của Sakichi vì ông đã có một loạt những phát minh quan trọng, cải tiến chi tiết tự ngắt trong máy dệt. Để có được những thành công này, một lần nữa ông lại quên ăn, quên ngủ, say sưa với những chiếc máy, đắm mình trong bản vẽ và dầu mỡ. Đặc biệt, Sakichi đã thành lập được một đội ngũ kỹ sư giỏi tiến hành hàng loạt những thử nghiệm mới và kết quả là sự ra đời của những chiếc máy dệt tốc độ cao có thể dệt được 220 dòng sợi trong một phút. Những thành công rất khả quan với máy dệt động lực đã lại càng kích thích khả năng làm việc và sáng tạo không ngừng của Sakichi Toyoda.

Xưởng chế tạo máy dệt Toyoda của Sakichi Toyoda đã được chính thức thành một nhà máy. Bên cạnh đó còn xây thêm một nhà máy sản xuất máy dệt nữa đặt tại Nagoya. Tại đây, ông cũng đặt trung tâm chuyên nghiên cứu phát triển máy dệt.

Với 119 phát minh đóng góp cho nền công nghiệp dệt của Nhật Bản. Năm 1927, ông đã được Thiên Hoàng trao tặng Huân chương cao quý nhất: vì sự nghiệp phục vụ Nhật triều. Ông cũng đã được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 13 doanh nhân ảnh hưởng nhất mọi thời đại.

Năm 1929, khi nhận thấy rằng ngành công nghiệp ôtô ngày càng phát triển, ông cử con trai sang Anh và bán bằng sáng chế chiếc máy dệt của mình cho Công ty Platt Brothers để lấy 100.000 bảng Anh. Với số tiền này ông bàn giao cho con trai để đầu tư vào việc chế tạo và sản xuất ôtô. Rút kinh nghiệm từ tuổi trẻ khi phải tự  mày mò sáng chế chiếc máy dệt đầu tiên, Sakichi Toyoda đã khuyên con trai phải sang Mỹ và châu Âu để tìm hiểu và nắm bắt công nghệ sản xuất ôtô. Quan điểm của Sakichi Toyoda là phải biết họ làm ôtô như thế nào rồi mình sẽ tìm cách để làm tốt hơn.

Sakichi Toyoda qua đời vào năm 1930 vì bệnh viêm phổi cấp. Trước khi tạ thế, ông đã nhắn lại với con trai Kiichiro Toyoda rằng, đời ông đã tạo ra chiếc máy dệt thì đời con phải phát triển những chiếc xe hơi, làm ra những thứ phục vụ đất nước và nhân dân. Kiichiro Toyoda đã biến đó thành động lực để tạo nên một trong những thương hiệu ô tô nổi tiếng toàn cầu Toyota.

Kiichiro Toyoda và hành trình xây dựng thương hiệu xe hơi Toyota

Kiichiro Toyoda sinh năm 1894, là con trai cả của nhà phát minh nổi tiếng Sakichi Toyoda. Từ nhỏ, do ảnh hưởng của bố, ông đã được tiếp xúc nhiều với máy móc. Sau khi tốt nghiệp trường cấp 3 ở tỉnh Miyagi, ông vào học tại trường Đại học Tokyo Teikoku. Tiếp đó Kiichiro Toyoda làm ở bộ phận nghiên cứu sản phẩm của công ty của bố mình. Chính ông là người phát minh ra máy dệt tự động loại G, tạo nên một kỷ nguyên mới trong ngành dệt khi đó. Hồi đó, công ty dệt may lớn nhất thế giới có trụ sở ở Anh – Plat đã yêu cầu được mua lại bản quyền sáng chế đó của ông.

Nhà sáng lập Toyota - Kiichiro Toyoda
Nhà sáng lập Toyota - Kiichiro Toyoda thời trẻ.

Trận động đất Kanto năm 1923 là một bước ngoặt với Kiichiro Toyoda, không chỉ vì những đau thương nó mang tới mà còn vì những thay đổi nhận thức của người Nhật về ôtô. Khi hệ thống đường sắt của Nhật bị tàn phá nặng nề do trận động đất, ôtô bỗng đóng vai trò quan trọng. Những chiếc ôtô đã cứu được rất nhiều người lẽ ra đã mất mạng trong các đám cháy do động đất. Xe tải được sử dụng rộng rãi để dọn dẹp tàn tích cũng như phục vụ đắc lực cho công cuộc tái thiết nước Nhật. Chiếc ôtô trước đây vốn được coi như biểu tượng của sự xa xỉ, giờ là công cụ đi lại tiện ích, linh hoạt.

Tuy nhiên, ở Nhật thời đó chưa sản xuất được ô tô, phần lớn họ phải nhập khẩu từ nước ngoài, nhiều nhất là “Xe tải Model T” của Ford. Năm 1925, Ford đã mở nhà máy Yokohama và bắt đầu đi vào sản xuất dòng xe “Knock – down Model T”. Sau đó 1 năm, GM cũng đã mở nhà máy xây dựng ở Osaka. Với kĩ thuật và nguồn vốn mạnh mẽ, Ford và GM đã thống lĩnh thị trường Nhật trong thời gian đó. Kiichiro Toyoda và cha ông Sakichi Toyoda lúc đó với tinh thần tự tôn dân tộc đã có quyết tâm sản xuất được những chiếc ô tô có thể cạnh tranh được với những hãng ô tô của Mỹ.

Khi mới sản xuất xe, Toyota phải học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các nước phương Tây. Nhưng đây cũng là điểm yếu mà một nhà sáng lập như Kiichiro Toyoda phải đau đáu. Ông tâm sự với các cộng sự của mình rằng "Con đường dễ nhất là tận dụng thành quả mà người khác đã làm việc vất vả để có được rồi phát triển thành của mình, như cách mà chúng ta đã phụ thuộc vào phương Tây cho đến nay. Tất nhiên sẽ có những lúc phải học hỏi từ họ nhưng nếu cứ mãi mãi con đường ấy, chúng ta sẽ mất năng lực sáng tạo hơn nữa".

Toyota Model AA - chiếc ô tô đầu tiên của Toyota.
Toyota Model AA - chiếc ô tô đầu tiên của Toyota. 

Đầu năm 1930, lần lượt từng dây chuyền sản xuất vỏ xe, gầm xe rồi động cơ xe ôtô được gia đình Toyoda hoàn thiện. Kiichiro Toyoda đã miệt mài nghiên cứu, không ngừng thử nghiệm theo tâm niệm của người cha quá cố để tạo nên thành quả của riêng mình. Cuối cùng, vào năm 1931, ông đã sáng chế thành công động cơ ô tô cỡ nhỏ có công suất 4 mã lực.

Với thành công đầu tiên trong sự nghiệp phát triển ô tô của mình, Kiichiro Toyoda đã cho thành lập riêng bộ phận ô tô ngay trong Công ty dệt may Toyoda vào năm 1933, từ đó lấy bàn đạp để ông tiếp tục sáng chế và thiết kế nên bộ động cơ Type A đầu tiên chỉ trong một năm sau đó. Năm 1934 chiếc xe mẫu đầu tiên ra đời, và được đưa vào sản xuất đại trà vào năm 1935 dưới tên gọi Toyota A1.

Tháng 9/1936, Toyota cho ra mắt bản nâng cấp đầu tiên của Model A1 là “Xe thông dụng Model AA” và bản nâng cấp đầu tiên của xe tải Model G1 là “Xe tải Model GA”. Ngoài ra, Toyota còn cho ra mắt những mẫu xe khác như xe buýt, xe cứu hỏa,.. Có thể nói vào thời này, Toyota đã vượt qua được thời kì nguy hiểm nhất và từng bước khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Ngày 28/8/1937, Công ty Toyota Motor Corporation chính thức ra đời, không còn phụ thuộc vào Toyoda như trước đây, mở ra một kỷ nguyên với những thành công rực rỡ trong ngành công nghiệp ôtô.

Dù có khoảng thời gian nhà máy sản xuất của Toyota  phải chịu nhiều thiệt hại to lớn từ thất bại của Nhật Bản trong cuộc chiến với Mỹ. Chỉ trong vòng nửa năm số nhân viên từ 9500 người đã giảm xuống còn 3700 người. Nhưng quyết tâm của Kiichiro chưa một lần giảm sút, ông luôn nung nấu hi vọng sau khi chiến tranh kết thúc, ông sẽ có thể sản xuất hàng loạt những chiếc xe con thông dụng.

Thập niên 1940 chứng kiến sự tăng trưởng và mở rộng thần kỳ của Toyota khi sản lượng xe tăng đều đặn qua các năm. Đến năm 1947, Toyota đã sản xuất 100.000 chiếc. Đồng thời, Toyota lập thêm rất nhiều doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi cung ứng của mình để đảm bảo được sự độc lập trong sản xuất, không phụ thuộc vào bất kỳ bên nào.

Tháng 3 năm 1952, Kiichiro Toyoda qua đời sau khi bị xuất huyết não. Trải qua gần 30 năm làm việc, cống hiến cho sự nghiệp phát triển ô tô, Kiichiro Toyoda được xem là nhà cách mạng tiên phong trong việc phát minh, sáng chế ra động cơ mang thương hiệu Nhật Bản. Đồng thời, tầm ảnh hưởng của Toyota trong nước đã lay động, thúc đẩy những thương hiệu ô tô khác phải học hỏi, thay đổi để theo kịp thời đại cũng như tạo dựng nên một nền công nghiệp ô tô phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Năm 1957, Toyota trở thành hãng xe Nhật đầu tiên bước chân vào thị trường Mỹ với thương hiệu Toyota Crown. Thập niên 1960 cũng chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc của Toyota khi hãng xe này lần lượt chinh phục thành công thị trường Australia và châu Âu. Doanh số xuất khẩu xe của Toyota chính thức cán mốc 1 triệu xe vào năm 1970 và từ thời điểm đó, thương hiệu này đã điền tên mình vào bản đồ các hãng xe lớn của thế giới.

(Tổng hợp)