Roby Tan: Bỏ đại học mở shop online, trở thành chủ của hai công ty trị giá hàng triệu USD

10:35 29/06/2021

Roby Tan xuất thân trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Tuy nhiên ông lại không thích theo lĩnh vực kinh doanh cà phê và định hướng của bố mẹ mà lại muốn tham gia vào thị trường viễn thông công nghệ. Hiện Tan là nhà sáng lập của hai công ty lớn đó là Mitra Komunikasi Nusantara Tbk PT (MKNT) và Kioson đều hoạt động trong lĩnh vực công nghệ viễn thông.

Roby Tan không xuất thân trong một gia đình khá giả. Cuộc sống của ông khởi đầu ở Makasa – một thị trấn ở phía Đông Sulawesi – nơi gia đình ông kinh doanh một cửa hàng nhỏ bán cà phê và đinh hương.

Bố mẹ Tan đã cho ông tới thủ đô Jakarta theo học tại Đại học Tarumanagare nhưng ông không hứng thú cho lắm. Vì vậy Tan giấu bố mẹ và bỏ học sau 1 tháng để bước chân vào con đường kinh doanh. Lúc đầu, ông bán các thiết bị và phụ kiện máy tính cả online lẫn trực tiếp. Tan tiếp tục duy trì cửa hàng tuy nhỏ nhưng có lợi nhuận của mình trong vòng 10 năm trước khi bán cho cho em trai vào năm 2002 để theo đuổi cơ hội mới trong lĩnh vực điện tử viễn thông. 

Roby Tan. Nguồn ảnh: Internet
Roby Tan. Nguồn ảnh: Internet.

Tan tham gia vào mảng viễn thông bởi anh nhận thấy một cơ hội: Quy mô thị trường khoảng 200 triệu người dùng gặp phải những khó khăn khi sử dụng Pulsa – loại thẻ nạp điện thoại tại Indonesia.  “Pulsa cần thiết như gạo vậy. Người Indonesia nào cũng cần”, Tan nói.

Tan thừa nhận rằng khi bước chân vào lĩnh vực này năm 2003, ông là một “tay mơ” và hoàn toàn không có hình dung rõ ràng về việc mình có thể đóng góp gì cho ngành công nghiệp. Kết quả là ông chỉ bán thẻ điện thoại trong năm đầu khởi nghiệp khi tìm hiểu về thị trường và những thách thức của nó.

Cùng năm đó, Indonesia có 13 công ty viễn thông và mỗi đơn vị trong số này lại phát hành loại thẻ nạp điện thoại riêng của họ. Thẻ điện thoại được bán thông qua những loại thẻ cứng được in rất nhiều mệnh giá khác nhau: 1 USD, 2 USD, 5 USD, 10 USD…

Tất cả các tấm thẻ này được sản xuất tại Jakarta và chuyển tới 98 thành phố trên khắp cả nước. Để đảm bảo luôn có sẵn hàng, các nhà phân phối luôn cần vốn lớn để mua các mệnh giá khác nhau từ 13 nhà mạng. Và dù có tiền, việc thiếu nguồn cung vẫn thường xuyên diễn ra.

Tan cùng các cộng sự đã nảy ra ý tưởng về một giải pháp hết sức đơn giản. Họ chi 1.300 USD mua 100 thẻ điện thoại các mệnh giá khác nhau từ tất cả những nhà mạng trên cả nước, cào lấy mã thẻ và ghi lại vào một bảng tính.

Sau đó, họ xây dựng một server để các nhà phân phối có thể gửi tin nhắn văn bản cho họ để yêu cầu mua mã thẻ. Server sẽ tự động gửi mã sau khi nhà phân phối đã chuyển tiền cho MKNT.

Sử dụng hệ thống công nghệ này và có ưu thế là người tiên phong trên thị trường, đội ngũ của Tan khoảng 10 người đã tuyển dụng 4.000 đại lý cấp 1 trên khắp các thành phố ở Indonesia. Trong vòng 1 năm, họ đã có hơn 60.000 đại lý lớn nhỏ.

Vậy hệ thống này hoạt động như thế nào? Một đại lý bán thẻ điện thoại 1 USD ở mức giá 1,2 USD cho người dùng và phần lợi nhuận này được chia sẻ cho chính họ, đại lý cấp dưới và MKNT. Tan cũng nhấn mạnh rằng anh vui vì không chỉ MKNT làm tốt mà nó có thể giúp nhiều người chủ những cửa hàng nhỏ và thậm chí người phục vụ bãi xe có thu nhập đáng kể.

“Tôi nhớ một trong những đại lý cấp dưới trên đường rombong rokok đã kiếm được 1 USD mỗi ngày. Ông chủ đã tham gia từ rất sớm và tuyển dụng những đại lý dưới mình nữa. Trong vòng vài năm, ông ấy đã có thể mua nhà, xe và lập gia đình”.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các doanh nhân, Tan nói: “5 người đi cùng bạn sẽ cho thấy bạn là ai, bạn nghĩ gì và cuối cùng bạn sẽ đạt được thành tựu nào. Vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn đang có những người bạn tốt quanh mình. Niềm tin và sự thận trọng cũng sẽ cho bạn những quyết định đúng đắn, giúp bạn sẵn sàng cho những thách thức mỗi ngày. Và hãy luôn tích cực”.

TH