Thủ tướng chỉ đạo quyết tâm phát huy đà tăng trưởng ngay từ đầu năm

10:50 03/03/2021

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 2/2021, phải tạo đà tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm 2021, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp, trước tình hình kinh tế - xã hội có bước chuyển biến và tăng trưởng tích cực trong 2 tháng đầu năm 2021, dù tình hình dịch covid diễn biến phức tạp. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%. Tuy nhiên, CPI tháng 2/2021 tăng 1,5% so với tháng trước, đây là mức cao nhất của chỉ số giá tháng hai trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12/2020.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 2/2021
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 2/2021.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, Covid-19 đợt 3 đã vào vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nhưng với chỉ đạo quyết liệt, đến nay căn bản kiểm soát được dịch bệnh. Cùng đó Chính phủ đã quyết định xuất ngân sách nhập vaccine.

“Tinh thần là có vaccine vẫn thực hiện 5K”. Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cần kịp thời hơn nữa tiêm vaccine cho các đối tượng đã có nghị quyết, đặc biệt là với người nghèo và những đối tượng dễ bị lây nhiễm. “Cần quyết liệt hơn, không thể chậm trễ” là tinh thần được Thủ tướng yêu cầu trong việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19.

Về kinh tế xã hội, điều Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh là với sự điều hành chủ động, quyết liệt, sáng tạo, kịp thời nên đã đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, tín dụng tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, đạt hai con số, xuất siêu 1,3 tỷ USD. Nông nghiệp được mùa, được giá.

Cùng với đó các chỉ tiêu vĩ mô đều tốt hơn con số đã báo cáo trước Quốc hội, đặc biệt nợ công, thu chi ngân sách, dự trữ và các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt chúng ta đã thắng lợi về thực hiện mục tiêu kép.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng nêu lên ba định hướng cần tập trung thực hiện. Một là, tiếp tục phòng chống Covid-19 ở Việt Nam “với tinh thần vaccine+5K”. Ngân sách bảo đảm tiêm vaccine tối đa, trong đó chú trọng người nghèo, đối tượng dễ lây nhiễm. Tiếp tục khoanh ổ dịch để cả nước không còn vùng lây nhiễm.

Hai là, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm mục tiêu 6 tháng đầu năm và cả năm 2021 một cách tốt nhất. Thậm chí như Thủ tướng yêu cầu, “phải có kết quả tốt nhất ngay từ quý I”. “Các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 06 ngày 19/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ ba là, ngay từ quý I/2021, cả hệ thống chính trị cần tổ chức quán triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng chỉ đạo, cần rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó. Nuôi dưỡng động lực phát triển kinh tế và tạo nguồn thu lâu dài là chủ trương về chính sách tài khóa và tiền tệ. Đặc biệt phát huy thế mạnh các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh trọng điểm khác ở miền Đông Nam bộ.

PV