Quẹt trái, lướt phải: Cúng dường thời 4.0

11:08 27/02/2021

Các chuyên gia kinh tế ở Viện Kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, kinh tế tâm linh tại Việt Nam có quy mô rất lớn, giá trị lên đến 50.000 – 100.000 tỷ đồng mỗi năm nhưng chưa được coi là nền kinh tế chính thức.

Đi chùa online

Chỉ cần gõ chữ “chùa online" hiện đang có 75.500 kết quả tìm kiếm. Các giao diện chùa online hiện cũng khá bắt mắt và chỉn chu.

Theo nhiều ý kiến chia sẻ trong trang "vieng chua online", họ đều rất ủng hộ mô hình này. Đa số ý kiến đều cho rằng, lần đầu tiên ghé thăm “chùa ảo” họ đều có cảm giác gần gũi thân quen bởi không gian được bài trí y như thật. Từ ban chính diện với hình ảnh quen thuộc 5 pho tượng lớn tọa trên đài sen trong khung cảnh được chính điện cổ kính cho đến bài vị, lư hương bằng đồng được trạm trổ hoa văn tinh xảo cùng những ngọn nến lấp lánh...

Ảnh:

Giao diện chính của Website chuaonline. Ảnh: chuaonline.com

Tất cả đều toát lên vẻ tôn kính trang nghiêm, khiến bất cứ ai ghé thăm cũng đều kính cẩn mỗi khi chiêm bái. Khách thập phương ghé thăm chùa được chào đón với những âm thanh đặc trưng của tiếng chuông chùa, bài niệm Phật, tụng kinh cũng được cài đặt sẵn khiến không gian càng tăng thêm phần tôn nghiêm.

Khác với chùa thật ngoài đời, lượng người truy cập viếng thăm chùa thường tranh thủ vào giờ nghỉ, đặc biệt vào những ngày tuần (rằm hoặc mồng 1) lượng khách ghé thăm tăng chóng mặt. Hầu hết dân văn phòng, công sở do quá bận rộn công việc, gia đình đều chọn cách đi chùa tiết kiệm thời gian này.

Theo chị Hồng Minh, một Phật tử ở Q.11, TP.HCM chia sẻ: "Ghé thăm ngôi chùa online chính là "cứu cánh" cho những Phật tử có quỹ thời gian eo hẹp nên không có điều kiện đến chùa thường xuyên mà vẫn thể hiện được lòng thành kính tới đức Phật".

Theo chị Minh, chùa có giao diện khá giống thực tế, từ việc di chuyển lần lượt từng ban thờ đến nghi lễ thắp hương, đọc kinh...đều chỉ bằng những thao tác kích chuột đã phần nào giúp các Phật tử có quỹ thời gian eo hẹp vẫn có cơ hội để lên chùa chiêm bái trước ban Tam bảo. 

Cúng dường online

Việc cúng dường được chỉ đạo diễn ra giáp Tết Nguyên đán. Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện: Những ngày gần Rằm tháng Giêng, nhiều chùa có chương trình cầu an. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua mạng xã hội của mình đã mở một cổng đăng ký cầu an online và đã tiếp nhận được đăng ký của đông đảo mọi người. Việc tiếp nhận này được gửi tới một số chùa".

Để tránh tình trạng gian lận, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có văn bản thông báo cho các Ban trị sự và thống nhất chọn ví Momo và mở tài khoản ở ngân hàng nào đó. Có một tài khoản đúng của chùa và chặn các tài khoản khác. 

Ảnh:

Hòm công đức ảo của một ngôi chùa đang gây xôn xao trên mạng xã hội gần đây. Ảnh: PLO.

Bên cạnh những hình thức online, vừa qua trên mạng xã hội còn xuất hiện hình ảnh một ngôi chùa cho phép người tu hành "quét mã QR" để làm công đức. Theo đó, tấm biển được thiết kế khá chỉn chu, cập nhật luôn cả phần mã code của một ứng dụng tài chính kèm dòng chữ: "Năm mới, lễ chùa thêm công đức, cúng dường Tam Bảo tất bình an”.

Với chiếc hòm đặc biệt này, các Phật tử có lẽ chỉ cần "quẹt trái, lướt phải" là có thể cúng dường, lại có luôn giấy chứng nhận công đức điện tử. Hầu hết các ý kiến bình luận đều tỏ ra đồng tình với hình thức này vì tiện, đỡ chen lấn lại có cả giấy chứng nhận…

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, trước mắt dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên Giáo hội sẽ thử nghiệm trong 3 tháng lễ hội của Xuân Tân Sửu. Sau đó, Giáo hội sẽ họp tổng kết, đánh giá ưu, nhược điểm phát sinh, hệ quả, hậu quả vướng mắc,... từ đó có quyết định triển khai tiếp hay không?...

Nền kinh tế tâm linh quy mô 100.000 tỷ chưa được quản lý

Cầu an, cúng dường online là một giải pháp hợp lý giúp nhà chùa chống thất thu trong đại dịch. Nhưng về phía ngân sách nhà nước, chưa có giải pháp nào triệt để để chống thất thu đối với nền kinh tế tâm linh có quy mô khổng lồ này.

Các chuyên gia kinh tế ở Viện Kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, kinh tế tâm linh tại Việt Nam có quy mô rất lớn, giá trị lên đến 50.000 – 100.000 tỷ đồng mỗi năm nhưng chưa được coi là nền kinh tế chính thức. Và đến nay, ngành Thống kê và các ngành liên quan vẫn chưa có nghiên cứu, định lượng giá trị tài chính của lĩnh vực này.

Các hoạt động, sản phẩm dịch vụ kinh tế tâm linh ở Việt Nam rất đa dạng. Từ kinh doanh đồ lễ, viết sớ, cúng bái thuê, đưa đón vận chuyển khách hành hương tâm linh, thu tiền công đức. Các dịch vụ này diễn ra rất nhộn nhịp tại các đền, phủ, chùa. Đặc biệt, một dịch vụ gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, đó là dâng sao giải hạn (hay được gọi bằng cụm từ đầy tính nhân văn, nhiều ý nghĩa là "cầu an đầu năm").

Ngoài ra, nhiều hoạt động kinh tế tâm linh chưa được thừa nhận chính thức trong luật pháp, nhưng cũng không bị nhà nước cấm. Riêng đối với Phật giáo, họ không thừa nhận kinh tế tâm linh, với quan điểm: Phật giáo không làm kinh doanh, không tham gia các hoạt động kinh tế.

Các chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến nghị, Chính phủ nên đánh thuế hoạt động tâm linh, coi đây là một trong những giải pháp tăng thu ngân sách trong bối cảnh chiến lược thuế hiện tại đang đi đến cuối giai đoạn. Theo VEPR, tính sơ sơ thu thuế 10%, thì có thể tăng thu cho ngân sách Nhà nước thêm 5.000 -10.000 tỷ đồng/năm.

Ông Lê Đình Thăng, một cán bộ uy tín trong Kiểm toán Nhà nước cho rằng, về nguyên tắc, nguồn lực tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là một loại quỹ công cần có sự kiểm soát. Ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nguồn quỹ công này được kiểm soát rất tốt và thông thường họ thông qua cơ chế kiểm toán để nhằm mục đích kiểm soát, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong việc sử dụng. Tuy nhiên, ở nước ta, việc kiểm soát nguồn quỹ công từ các cơ sở thờ tự, đền chùa còn là một lỗ hổng pháp lý. Mặc dù Hiến pháp đã quy định rõ về việc kiểm toán tài chính công và tài sản công là nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, Luật kiểm toán nhà nước lại không quy định cụ thể các loại quỹ công ở cơ sở thờ tự là nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước. Điều này khiến hiện nay ở một số đền chùa, các thủ đền hoặc sư trụ trì đang mặc nhiên coi tiền công đức là công sức huy động của mình. 

Hiện nay, Bộ Tài chính vẫn đang trong quá trình xin ý kiến dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

 PV (t/h)