Quảng Nam: Đẩy nhanh tiến độ các dự án, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển

09:08 07/03/2022

Ngày 4/3/2022, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Công văn số 1206/UBND-KTTH gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh bất thường quyết định nội dung chủ trương đầu tư các dự án tạo động lực cho phát triển.

Qua đó nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, sớm đàm phán Hiệp định vay vốn theo đề nghị của Ngân hàng Thế giới, UBND tỉnh Quảng Nam vừa đề nghị tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh bất thường quyết định nội dung chủ trương đầu tư dự án.

Đối với dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công) nhóm B thành nhóm A, UBND tỉnh đã gửi hồ sơ trình Bộ Giao thông vận tải và Cơ quan chuyên môn thẩm định là Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông có Công văn số 397/CQLXD-DAĐT2 ngày 17/02/2022. 

Đối với dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công) nhóm B thành nhóm A
Đối với dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công) nhóm B thành nhóm A. 

Trong đó có nội dung “tổng mức đầu tư của dự án là 2.056,7 tỷ đồng theo Điểm a, Khoản 3, Điều 8 Luật Đầu tư công thì dự án thuộc nhóm A, tuy nhiên chủ trương phê duyệt là nhóm B”.

Dự án đã có trong danh mục kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn ngân sách Trung ương; kế hoạch vốn năm 2022 đã bố trí cho dự án 190,556 tỷ đồng và để thuận lợi trong thẩm định, phê duyệt dự án và khởi công năm 2022 thì cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án từ nhóm B thành nhóm A.

Tại Công văn số 9292/UBND-KTTH ngày 24/12/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam, vay vốn WB.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam có quy mô đầu tư gồm nạo vét sông Trường Giang với tổng chiều dài tuyến luồng khoảng 60km, từ Ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa); quy mô luồng đường thủy chuẩn tắc sông cấp IV với chiều rộng luồng B=30m, chiều sâu luồng H=2,3m.

Đồng thời xây dựng kè bảo vệ tại các điểm xung yếu thường xảy ra xói lở như các đoạn sông cong, hoặc khu vực địa chất yếu, đoạn sông hẹp bên cạnh khu đông dân cư sinh sống cần được bảo vệ tránh sụt lở vào mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn; xây dựng tổ hợp công trình kênh, cống, đập hỗ trợ thoát lũ khu vực Tam Kỳ. 

Những năm tới, Quảng Nam sẽ lấy quy hoạch tại khu vực ven các dòng sông để khai thác giá trị tối ưu nhất và mang tính bền vững. Mỗi con sông phải có bản sắc riêng
Những năm tới, Quảng Nam sẽ lấy quy hoạch khu vực ven các dòng sông để khai thác giá trị tối ưu nhất và mang tính bền vững. Mỗi con sông phải có bản sắc riêng góp phần phát triển du lịch xanh

Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng mới 6 cầu vượt sông Trường Giang: cầu Bình Dương, cầu Hưng Mỹ, cầu Bình Nam, cầu Tỉnh Thủy, cầu Tam Thanh (QL40B) và cầu Tam Tiến (trên tuyến N5); các cầu đáp ứng khổ tĩnh không thông thuyền sông cấp IV (BxH=30x6,0m). Xây dựng đường hai đầu cầu kết nối vào các trục đường chính ở hai phía đầu cầu.

Dự án có tổng vốn thực hiện khoảng 2.748 tỷ đồng, tương đương 118,7 triệu USD, với địa điểm thực hiện tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Giải trình ý kiến từ Bộ Tài chính, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, mục tiêu của nạo vét sông Trường Giang nhằm thông suốt tuyến vận tải thủy từ Cửa Đại đến Cửa Lở (An Hoà) góp phần phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế khu vực vùng Đông của tỉnh Quảng Nam.

Đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng trên sông cũng như phát triển các khu du lịch dọc theo tuyến sông từ Hội An xuống vịnh An Hòa; tăng cường khả năng thoát lũ, góp phần tiêu thoát úng thủy trong vùng dự án và các vùng phụ cận nhằm giảm thiệt hại về mùa màng, nâng cao năng suất và đời sống của người dân trong vùng hưởng lợi.

Như vậy, đây là hoạt động nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, với mục tiêu của công trình là cải tạo khôi phục lòng sông và vận tải đường thủy, đồng thời phát triển du lịch, đô thị, công nghiệp ở khu vực vùng Đông, góp phần giảm ngập úng, tạo động lực phát triển chung cho toàn tỉnh…

Những năm tới, Quảng Nam sẽ lấy quy hoạch tại khu vực ven các dòng sông để khai thác giá trị tối ưu nhất và mang tính bền vững. Mỗi con sông phải có bản sắc riêng và tất cả các con sông này sẽ tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh nhất về Quảng Nam xứng tầm với trung tâm trọng điểm của vùng kinh tế miền Trung.

Được biết, trong năm 2021, hàng loạt ‘’ông lớn’’ trong lĩnh vực đầu tư bất động sản đã đổ về khu vực vùng Đông của tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong đó, có thể kể đến như Tập đoàn Nova Group, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Bim Group, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Panko Hàn Quốc,…

Trọng Tâm