Quảng Bình: Gắn trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn

09:40 09/07/2021

UBND tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao các Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Bình do đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

 

  Ảnh toàn cảnh hội nghị.

Năm 2020, Chỉ số PAR INDEX của Quảng Bình đạt 82,33 điểm, xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố, giảm 14 bậc so với năm 2019; Chỉ số SIPAS đạt 78,88%, xếp thứ 60/63 tỉnh thành phố, giảm 19 bậc so với năm 2019; Chỉ số PAPI đạt 44,7 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố, giảm 01 bậc so với năm 2019; Chỉ số PCI đạt 62,3 điểm, tiếp tục xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố. Để đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực trong xây dựng môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch; một số tiêu chí, chỉ số như công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính; các chỉ số về chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động; thiết chế quản lý trong bộ Chỉ số PCI tăng hạng.

Tuy nhiên, bên cạnh các chỉ số tăng hạng thì vẫn còn nhiều chỉ số giảm mạnh so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc xếp thứ hạng của các bộ chỉ số có sự biến động khá lớn qua các năm do rất nhiều nguyên nhân cả về chủ quan và khách quan. Trong đó, có nguyên nhân do một số sở, ban, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, chưa phát huy hết trách nhiệm và chưa thống nhất cao trong việc chỉ đạo, điều hành để hoàn thiện, nâng cao các chỉ số cơ bản; vẫn còn xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc chậm trễ, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp...

Để cải thiện các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tập trung thảo luận; đồng thời chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên nhân dẫn đến giảm hạng các chỉ số và đề xuất giải pháp khắc phục, cải thiện tiêu chí, chỉ số thành phần nhằm nâng cao thứ hạng các bộ chỉ số đã đề ra…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Để cải thiện các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục bám sát các mục tiêu và triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động số 03-Ctr/TU của Tỉnh ủy Quảng Bình về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời bàn giải pháp thiết thực, tập trung vào các tiêu chí, chỉ số thành phần để nâng cao thứ hạng trong năm tới, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí cũng nhấn mạnh để nâng cao được các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp; rà soát thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực ngành, địa phương quản lý đã được Trung ương, UBND tỉnh giao triển khai; tập trung khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém trong việc công khai thủ tục hồ sơ, kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành cần tăng cường công tác phối hợp để giải quyết hồ sơ đồng bộ, kịp thời, khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hẹn; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác cải cách thủ tục hành chính; rà soát, khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm đã đầu tư tránh lãng phí; thường xuyên khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị để kịp thời tiếp thu các ý kiến góp ý, điều chỉnh, cải thiện, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân; phấn đấu đưa chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đến hết năm 2021 đạt trên 80%; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành; kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tập trung tuyên tuyền sâu rộng để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về bản chất, tầm quan trọng và ý nghĩa của các bộ chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc thực thi công vụ, đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cải thiện các bộ chỉ số trong thời gian tới.

Trọng Lãnh