Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Bài 2 - Phát triển kinh tế, văn hóa đan xen

00:00 12/10/2020

Quan hệ gắn bó mật thiết, lâu dài trên mọi góc độ đời sống giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được khẳng định trong nhiều năm nay. Dường như sự giao lưu, giao thoa văn hóa giữa nhân dân hai nước ngày càng được thắt chặt và hiểu nhau hơn. Chính vì điều đó, trong hợp tác về kinh tế phát triển Thủ đô và đất nước cũng thuận tiện hơn rất nhiều, Nhật Bản là đối tác luôn đứng đầu về số vốn đầu tư, các dự án tài trợ vào Việt Nam.

Ông Hasumi Susumu, Chủ tịch Hiệp hội hoa anh đào Nhật ( đứng giữa bên phải chống gậy) và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ( đứng giữa bên trái) chụp ảnh cùng các doanh nghiệp, giao sư, tiến sỹ, bác sỹ, chuyên gia đầu ngành và 2 Đại sứ hoa Anh đào vừa tuyển chọn năm 2019 tại lễ hội hoa Anh đào.

Đối tác tin cậy và bền vững

Trong khuôn khổ chương trình có hàng ngàn đại biểu là quan khách cao cấp, giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, giảng viên, doanh nghiệp và nhân dân Nhật Bản sang Việt Nam dự các chương trình, lễ hội. Sự kiện Hội nghị hợp tác, xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới doanh nghiệp.

Viện sỹ, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) – đơn vị phối hợp đăng cai tổ chức cho biết: Trong thời gian qua, bằng sự uy tín lẫn nhau, nhiều dự án của Nhật đầu tư vào Hà Nội, cũng như của AIC đã thu lại nhiều hiệu quả. Chính vì vậy, AIC mong muốn việc tổ chức lễ hội hoa Anh đào sẽ là dịp kết nối doanh nghiệp hai bên để hiểu biết lẫn nhau, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

UBND thành phố Hà Nội cho biết: Nhật Bản luôn giữ vị thế là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp FDI với trên 10 tỷ USD (chiếm 25,5% tổng giá trị thu hút FDI của Hà Nội) và hỗ trợ ODA với 32 dự án và tổng vốn đã cam kết gần 3 tỷ USD (chiếm 58,8% giá trị vốn ODA cam kết cho Hà Nội). Các dự án từ nguồn vốn của Nhật Bản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô như: Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài; cầu Nhật Tân; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Khu công nghiệp Thăng Long; Khu đô thị Thành phố thông minh. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư hàng nghìn dự án và đang hoạt động sản xuất kinh doanh thành công trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn 4,5 tỷ USD (chiếm 44%), công nghiệp chế biến chế tạo với 3,95 tỷ USD (chiếm 38,7%), hoạt động thương mại với 570 triệu USD (chiếm 5,6%), dịch vụ lưu trú ăn uống với 221 triệu USD (chiếm 5%) và đa dạng các lĩnh vực khác.

Riêng năm 2018, Nhật Bản đăng ký 131 dự án đầu tư mới với tổng vốn 4,7 tỷ USD, chiếm 89% số vốn đăng ký mới của toàn thành phố Hà Nội trong đó điển hình là dự án Thành phố Thông minh với 4,138 tỷ USD, 02 dự án công nghệ cao của Tập đoàn Nidec với 400 triệu USD, Dự án xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn với 90 triệu USD. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó Nhật Bản là đối tác lớn thứ ba về du lịch với trên 300 nghìn lượt khách, chiếm 36,7% khách du lịch vào Việt Nam.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Nhật Bản với Việt Nam nói chung và Nhật Bản với Hà Nội nói riêng ngày càng phát triển mạnh mẽ trong hợp tác đầu tư du lịch -nông nghiệp. Trong bối cảnh của một thị trường năng động, bên cạnh chủ trương của Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi để Hà Nội phát triển thành một Thủ đô tầm cỡ ở khu vực, thành phố Hà Nội sẽ là địa điểm đầu tư, kinh doanh, du lịch hấp dẫn, thành công cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Các bên sẽ hợp tác, chia sẻ lợi ích với những yêu cầu, đòi hỏi chặt chẽ và niềm tin cùng hướng về tương lai. Chính quyền thành phố Hà Nội cam kết tạo những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các quý nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Ông Umeda Kunio Đại sức đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Trong dịp lễ hội hoa anh đào lần này cũng diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư nên có rất nhiều người Nhật Bản sang đây tham dự lễ hội này, thông qua lễ hội này, người Nhật và các doanh nghiệp Nhật Bản cảm thấy đất nước Việt Nam rất phát triển và sẽ có nhiều dự định mong muốn được đầu tư.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC (áo đen đứng giữa) đơn vị phối hợp thực hiện chụp hình cũng 2 đại sứ hoa Anh đào và Top 15 lọt vào chung kết tuyển chọn Đại sứ hoa Anh đào.

Nhật Bản đào tạo 1.000 cán bộ quản lý Hà Nội

Dịp này, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC đã ký kết hợp tác chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật. Những lĩnh vực thế mạnh, ưu việt của Nhật Bản sẽ được áp dụng tại Hà Nội như: Ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ chữa các bệnh ung thư, hiểm nghèo cho Bệnh viện K, Học Viện quân y và Bệnh viện Quân đội 108; phối hợp phẫu thuật miễn phí cho các ca ung thư khó cho người nghèo của các giáo sư, bác sĩ giỏi Nhật Bản. Về lĩnh vực giáo dục sẽ hợp tác đào tạo 1.000 cán bộ quản lý giáo dục toàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, có 300 nhà đầu tư đến Hà Nội lần này đã có sự tính toán, nghiên cứu để đưa ra những quyết định của mình trong tương lai.

Ông OsamuItano, chuyên gia đầu ngành về ngoại khoa tiêu hóa Nhật Bản cho biết: Lần này sang Việt Nam với mục đích là sẽ mang tới những dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất của Nhật Bản tới những người bệnh tại Việt Nam, những người không có đủ điều kiện để sử dụng những dịch vụ khám chữa bệnh tốt. Mục tiêu cụ thể là tiến hành những ca mổ từ thiện cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là bệnh ung thư mà không có khả năng chữa trị. Tôi đã sang Việt Nam từ 5 năm năm trước, hàng năm vẫn sang một vài lần cảm thấy Việt Nam và Hà Nội phát triển rất mạnh mẽ. Về lĩnh vực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y của Hà Nội ngày càng được đầu tư, ngày càng phát triển nhanh và mạnh. Một trong những điều mà ông mong muốn khi hợp tác tiếp theo với Việt Nam là đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện của Việt Nam và đào tạo nâng cao năng lực cho các bác sĩ của Việt Nam thông qua các hoạt động khám chữa bệnh.

Ngược lại, các bác sĩ của Việt Nam có thể sang Nhật, tham gia các hoạt động như trực tiếp vào các ca kíp mổ. Nhật Bản có thể sang Việt Nam chỉ đạo các ca mổ để thông qua đó đào tạo các kĩ năng cho các bác sĩ của Việt Nam. Ông đánh giá các hoạt động hợp tác đào tạo từ trước tới nay đã có nhưng còn rời rạc, không có tính liên tục. Phía Việt Nam cũng có đề nghị rằng làm thế nào để xây dựng một kế hoạch dài hạn để phát triển hơn nữa trong ngành y tế và khám chữa bệnh một cách bài bản, trong đó việc đầu tiên là tiến hành đào tạo cho 1.000 nghìn bác sĩ của Việt Nam tại Nhật Bản

Ông Yukitoshi Yamamoto – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tư vấn Y tế Nhật Bản cho biết: Ông đã tiến hành khảo sát rất nhiều về môi trường đầu tư ở Việt Nam, hiện tại thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam rất mở cửa, rất tốt với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản. Vì vậy, doanh nghiệp có ý định sẽ tìm hiểu sâu hơn nữa và sẽ điều chỉnh các phương hướng kinh doanh để phù hợp với môi trường tại Việt Nam.

“Tôi thấy ở Việt Nam có 3 yếu tố phù hợp để đầu tư vào lĩnh vực y tế. Thứ nhất, cách thành lập các bệnh viện, các trung tâm khám chữa bệnh. Thứ hai, nhập khẩu và sử dụng các trang thiết bị hiện đại. Thứ ba, sử dụng nhân lực phù hợp với nhu cầu công nghệ cao hiện nay. Và tôi nghĩ rằng với môi trường đầu tư hiện tại thì chắc chắn các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp  Nhật Bản nói riêng sẽ rất phù hợp để hoạt động ở môi trường Việt Nam hiện nay” - Ông Yukitoshi Yamamoto nhấn mạnh./.

 PV