Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi tôm càng xanh ở xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ

07:43 02/01/2023

Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đang được các hộ kinh doanh nơi đây tập trung canh tác trên các ruộng lúa cấy một vụ và cho hiệu quả kinh tế cao.

Người dân cẩn thận thu  những mẻ tôm càng xanh cuối vụ
Người dân cẩn thận thu những mẻ tôm càng xanh cuối vụ.

Vào những ngày cuối năm, các hộ dân nuôi tôm càng xanh tại xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê đang tập trung kéo lưới thu những mẻ tôm cuối cùng còn lại trong ao, kết thúc một vụ tôm thành công để chuẩn bị bước vào cấylúa vụ chiêm xuân.

Mục sở thị tại khu Ô Đà, xã Văn Khúc, bắt gặp những người dân nơi đây đang hăm hở kéo lưới thu về những mẻ tôm nặng trĩu. Với diện tích nuôi tôm càng xanh khoảng gần 1ha, ông Hoàng Văn Tuân hồ hởi nói: “Năm nay, gia đình cho thả khoảng 10 vạn con tôm giống để ươm, khi thả tôm thịt sang ao thì cũng khoảng 5 vạn con. Sản lượng tôm năm nay thu được cũng tương đương với so năm ngoái, với giá thành ổn định khoảng 220 nghìn đồng/1kg cũng cho thu hoạch khoảng 180 triệu đồng, trừ mọi chi phí thì gia đình thu về khoảng 100 triệu đồng. Ngoài tôm càng xanh, thì còn có các tôm nhỏ còn lại trong ao (khoảng 2 -3 tạ) cũng được thương lái thu mua để làm mắm (mắm tôm đồng) với giá 100 nghìn đồng/1kg”.

Niềm vui của hộ gia đình ông Hoàng Văn Tuân (khu Ô Đà, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê) khi thu về những giỏ tôm nặng trĩu
Niềm vui của hộ gia đình ông Hoàng Văn Tuân (khu Ô Đà, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê) khi thu về những giỏ tôm nặng trĩu.

Trong khu có khoảng 30 hộ nuôi tôm, vì đồng ruộng trũng nên các hộ dân sau khi canh tác một vụ lúa chiêm, khi sang mùa nước ngập tận dụng nuôi tôm càng xanh, cho giá trị cao hơn gấp 3 – 5 lần so với nuôi cá. Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân dồn điền đổi thửa cùng với hỗ trợ sản xuất nên người dân cũng rất thuận lợi canh tác. Ông Tuân cho biết thêm.

Cũng theo ông Tuân, nuôi tôm càng xanh khó khăn nhất là thời kỳ khi đưa tôm giống sang tôm thịt, tôm rất dễ bị chết ngạt do thiếu oxi. Đồng thời, khi thời tiết lạnh dưới 10 độ thì tôm cũng rất dễ bị chết, cách khắc phục là phải giữ mực nước sâu và dừng cho tôm ăn.

tôm càng xanh được các thương lái xuống tận nơi để thu mua
Tôm càng xanh được các thương lái xuống tận nơi để thu mua.

Ông Hoàng Văn Tuyên – Chủ tịch UBND xã Văn Khúc cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 156 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có khoảng 50 ha nuôi tôm càng xanh, 3 ha nuôi ốc loa và còn lại là nuôi cá. Thời gian bắt đầu nuôi tôm càng xanh tính cả lúc nuôi thử nghiệm đến khi nuôi trên diện tích lớn cũng được khoảng 15 năm nay. Người dân bắt đầu thả con giống trong khoảng tháng 5 và sau hơn 5 tháng sẽ cho thu hoạch. Sản lượng tôm hàng năm ước đạt khoảng 60 tấn và được thương lái đến tận nơi thu mua với giá giao động từ 220 – 230 nghìn đồng/1kg.

Những loại tôm nhỏ khác cũng được thương lai thu mua để làm mắm tôm đồng
Những loại tôm nhỏ khác cũng được thương lai thu mua để làm mắm tôm đồng.

Cùng với đó, mô mình nuôi tôm càng xanh được Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Phú Thọ hỗ trợ về kỹ thuật nuôi và đầu tư thiết bị máy quạt nước tạo oxi cho người dân. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ về con giống, thức ăn và riêng năm nay số tiền huyện đã hỗ trợ sản xuất cho người dân nuôi tôm càng xanh là 175 triệu đồng.

Hiện nay, trong xã mới chỉ có Chi hội Thủy sản do người dân tự nguyện tham gia. Trong năm 2023, địa phương sẽ phấn đấu thành lập được Hợp tác xã và đưa sản phẩm tôm càng xanh vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Phú Thọ. Ông Hoàng Văn Tuyên cho biết thêm.

Quốc Huy