Phát triển khu công nghiệp Nam Cầu Kiền gắn với hệ sinh thái xanh

00:00 12/10/2020

Mang trong mình khát khao phủ xanh khu công nghiệp (KCN) phía nam thành phố Hải Phòng, Chủ tịch HĐQT Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền Phạm Hồng Điệp nỗ lực không mệt mỏi, hướng doanh nghiệp theo hướng cộng sinh, tập trung bảo vệ môi trường gắn liền với hệ sinh thái bền vững

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền gắn với hệ sinh thái xanh

Trên tổng diện tích đất quy hoạch 263,47ha, đến nay, KCN Nam Cầu Kiền đã có đầy đủ hệ sinh thái doanh nghiệp phù hợp với định nghĩa tiêu chuẩn của KCN sinh thái thế giới. Đối với các nhà đầu tư kinh tế, hệ sinh thái xanh đem tới chi phí sản xuất thấp, tăng hiệu quả hơn bởi đã tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng những nguyên vật liệu, năng lượng, chất thải từ quy trình sản xuất này sang quy trình sản xuất khác. Các doanh nghiệp cùng nằm trong phạm vi được chia sẻ chi phí cho các dịch vụ chung, quản lý CTR, HT thông tin môi trường, đào tạo nhân lực, thúc đẩy quá trình nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ mới; làm tăng giá trị BĐS và lợi nhuận cho chủ đầu tư... Đối với môi trường, hệ sinh thái xanh giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng chất thải, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Ông Điệp cho hay: “Khi bắt đầu đền bù giải phóng mặt bằng, tôi quan sát và thấy cần phải giải bài toán thu nhập cho người nông dân bị thu hồi đất cho dự án. Làm sao cho người nông dân phải sống cộng sinh với khu công nghiệp, họ sẽ giàu lên cùng với sự phát triển công nghiệp”. Từ suy nghĩ đó, ông đã lên kế hoạch khảo sát từng hộ dân xung quanh để truyền dẫn kiến thức, thông tin, hướng dẫn cho bà con nông dân cách dùng vốn đầu tư cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ cung cấp thực phẩm cho khu công nghiệp, tăng thu nhập sống cộng sinh với khu công nghiệp cho người dân.

 Ban lãnh đạo Công ty luôn nhất quán về mục tiêu quản lý hệ thống tại KCN Nam Cầu Kiền, lấy bảo vệ môi trường là yếu tố cốt lõi trong thu hút đầu tư. Với trọng tâm của các doanh nghiệp đầu tư xoay quanh tái chế - sản xuất vật liệu tái tạo, sản xuất các linh kiện điện tử và công nghiệp cơ khí chế tạo, xử lý tái chế rác thải công nghiệp và các ngành sản xuất phụ trợ công nghiệp tiêu dùng; khu công nghiệp phải hợp lực giữa các nhà máy, móc nối với nhau tạo thành một hệ sinh thái xanh. Cốt lõi chung là “tự sản, tự tiêu”: chất thải của doanh nghiệp này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác trong “hệ sinh thái công nghiệp cộng sinh”.

Tại đây sử dụng chặt chẽ pháp lý hóa công tác quản lý môi trường, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường, song song hoạt động thiết lập quy trình giám sát ô nhiễm môi trường như lấy mẫu quan trắc nước thải hàng tháng tại hố ga thoát nước của khu công nghiệp, cập nhật liên tục các phát sinh có thể xảy ra. Tại KCN Nam Cầu Kiền luôn có xe chuyên dụng tưới cây, quét dọn và phun rửa mặt đường hàng ngày; diện tích cây xanh, mặt nước cách ly đạt 26,7%; các nhà đầu tư thực hiện đấu nối vào thu gom - xử lý nước thải tập trung, lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải; định kỳ nạo vét, vệ sinh hệ thống thu gom - thoát nước mưa, nước thải toàn bộ KCN; có hệ thống camera giám sát liên tục; hoàn tất nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung lên 1000m3/ngày đêm.

Ngoài ra, lãnh đạo khu công nghiệp còn trực tiếp vận động quần chúng nhân dân xung quanh nâng cao ý thức, vận động các nhà đầu tư tạo cảnh quan, chấp hành nghiêm các quy định về quy hoạch hạ tầng, quy hoạch ngành nghề, kiểm soát đồng bộ việc xả thải ra môi trường trên các phương diện xả thải nước, xả thải khí - bụi - tiếng ồn. Đây là một công việc rất khó song lại là quan trọng nhất. Bởi khi cộng đồng tại nơi này nhận thức được vấn đề cốt lõi của bảo vệ môi trường, hiểu vấn đề này là không của riêng ai và nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe bền vững, họ sẽ tự giúp bản thân và xã hội.

Về lựa chọn các doanh nghiệp vào KCN Nam Cầu Kiền, Chủ tịch HĐQT Phạm Hồng Điệp luôn khắt khe, yêu cầu đảm bảo đầy đủ các yếu tố về quy hoạch vùng, quy hoạch ngành xem có đáp ứng đầy đủ các đòi hỏi nghiêm ngặt về xử lý môi trường hay không? Đề ra những quy định đúng đủ để các doanh nghiệp phát triển không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn phải đảm bảo an sinh xã hội, môi trường và phát triển bền vững. Ông Điệp cho hay, mới đầu các doanh nghiệp đều đắn đo, song khi hiểu ra lợi ích của mình trong “Hệ sinh thái công nghiệp cộng sinh” họ đều tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các nguyên tắc, quy định. Với tôn chỉ “sẵn lòng chia sẻ, hợp tác”, ông mong muốn các doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng thành công khu công nghiệp sinh thái đúng nghĩa, đem lại niềm tự hào từ Hải Phòng, truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư cả nước để gặt hái bền vững những lợi ích tốt nhất toàn diện nhất về phát triển kinh tế song song bảo vệ môi trường và nâng tầm xã hội của nước nhà,

Ngọc Quyết – Việt Thanh