Phát triển An sinh xã hội trong thời đại 4.0

00:00 12/10/2020

Việc xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội tất yếu phải có những thay đổi cải cách nhất định, theo các nguyên tắc cơ bản

Chia sẻ tại Hội nghị ASSA 36 được tổ chức tại Brunei, ông Markus Ruck, chuyên gia về An sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế - ILO nhận định: Đáp ứng các yêu cầu trên, việc xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội tất yếu phải có những thay đổi cải cách nhất định, theo các nguyên tắc cơ bản như: Mở rộng các quyền lợi hưởng và đảm bảo người dân có thể dễ dàng tham gia và được hưởng quyền lợi; bảo đảm nguyên tắc đóng – hưởng một cách tương đối; tính linh hoạt chuyển đổi, phù hợp với thị trường việc làm thường xuyên có biến động; bình đẳng giới; tính minh bạch và khả năng quản trị tốt. Theo khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế - ILO được đưa ra từ năm 2012, việc thiết lập sàn An sinh xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi hoạch định chiến lược phát triển diện bao phủ theo cả chiều rộng và chiều sâu. ILO cũng nhấn mạnh việc kết hợp một cách đồng bộ, hiệu quả chính sách An sinh xã hội với các chính sách khác; kết hợp quản lý dân cư và quản lý việc làm trong quản lý An sinh xã hội để đạt được hiệu quả tối ưu.

 

Thiết lập quy định nhằm bảo đảm mức thu nhập tối thiểu
Chuyên gia về An sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế - ILO nêu bình luận: Thực tế, ngay cả với những đặc điểm vốn có của kinh tế thị trường, việc làm của mỗi người lao động - dù là ở quốc gia có kinh tế phát triển, cũng khó được đảm bảo. Trong bối cảnh hiện nay, trước sức ép của xu hướng tự động hóa bằng công nghệ, tính bền vững của việc làm nhìn chung càng thấp hơn, tác động tiêu cực đến thu nhập của người lao động.Thực trạng này dẫn đến ý tưởng thiết lập quy định nhằm bảo đảm mức thu nhập tối thiểu đối với mỗi người lao động. 
Dù vậy, cũng có hai luồng quan điểm trái chiều về vấn đề này. Một mặt, những người ủng hộ cho rằng, việc thiết lập mức thu nhập tối thiểu sẽ đảm bảo cuộc sống cơ bản cho mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, là công cụ quan trọng để giảm nghèo và cũng giảm phần nào tính phức tạp trong các chính sách và tổ chức thực hiện An sinh xã hội. 
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về quy định này. Hiệu quả giảm nghèo đến đâu còn là vấn đề chưa được khẳng định; trong khi đó dễ dẫn đến nguy cơ người lao động có xu hướng lạm dụng các chính sách hỗ trợ - vốn được xây dựng để bảo đảm đạt thu nhập tối thiểu cho người dân. Bên cạnh đó, khả năng huy động nguồn kinh phí đủ lớn để hỗ trợ đạt thu nhập tối thiểu cho người dân cũng là vấn đề với ngân sách các quốc gia. Đáng lo ngại hơn là các quy luật của thị trường lao động có thể sẽ bị phá vỡ, lý do cũng có thể xuất phát từ tâm lý trông chờ vào nguồn hỗ trợ thu nhập từ phía người lao động. 
Thực tế hiện nay, một số quốc gia đã thực hiện việc bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân dưới các hình thức khác nhau hoặc cho từng nhóm nhỏ, yếu thế trong cộng đồng. Ví dụ như trợ cấp tuổi già, trợ cấp trẻ em…; các chính sách này có thể không mới nhưng nhìn chung đang có xu hướng mở rộng cả về diện hỗ trợ và mức hỗ trợ. Nguồn kinh phí không hẳn là hoàn toàn từ ngân sách nhà nước, có sự kết hợp linh hoạt giữa nguyên tắc đóng – hưởng và hỗ trợ; đây cũng là giải pháp quan trọng để xây dựng một hệ thống an sinh xã hội có tính toàn diện, bao phủ tương đối rộng khắp các nhóm đối tượng cần thiết. 
Vẫn còn không ít câu hỏi về các vấn đề liên quan đến thiết lập mức thu nhập tối thiểu đang được đặt ra. Dù vậy, từ những tranh luận này có thể khẳng định sự cần thiết phải thiết lập những công cụ nhằm bảo đảm an sinh cơ bản cho con người; sàn an sinh xã hội, quyền được bảo đảm an sinh xã hội là những thuật ngữ được nhắc tới nhiều trước những biến động khôn lường về kinh tế, việc làm.

Điều chỉnh cách tính thuế
Trước sự thay đổi nhanh chóng về quan hệ lao động, xu hướng tự động hóa, ILO cũng đưa ra những khuyến nghị về vấn đề điều chỉnh cách tính thuế cũng đang được nhiều quốc gia tính đến. Đây là yêu cầu tất yếu để đảm bảo duy trì nguồn thu từ đó có kinh phí hỗ trợ thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân. Một số vấn đề đang được đặt ra như: tính thuế với robot làm việc thay con người hoặc với các công nghệ mang tính tự động hóa; tính thuế dựa trên lượng khí thải độc hại với môi trường… Việc thực hiện các quy định này cũng không hẳn dễ dàng, hiệu quả đem lại vẫn còn là một dấu hỏi trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn quốc gia có ưu đãi về thuế để xây dựng nhà máy, tương tự như với việc lựa chọn quốc gia có nhân công giá rẻ như trước kia. 
Bức tranh toàn cảnh về việc làm cùng những dự báo tương lai về an sinh xã hội nhìn chung khá phức tạp. Khó có một khuyến nghị nào chính xác tuyệt đối cho mỗi quốc gia. Tuy nhiên, điểm chung có thể nhận thấy là cần thiết phải nâng cao hiệu quả chính sách an sinh xã hội để bảo vệ tích cực hơn cho người lao động trong một thị trường lao động ngày càng có nhiều biến động; hiệu quả được là phải mở rộng cả chiều rộng – diện bao phủ và chiều sâu: các chế độ hưởng bảo đảm an sinh bền vững cho người lao động./.

 P.V