Phấn đấu nâng kim ngạch thương mại Việt Nam-UAE lên 10 tỷ USD

14:42 12/09/2022

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

Ảnh minh họa

Việt Nam-UAE hướng tới thương mại song phương 10 tỷ USD.

Sau 8 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE đạt 3,3 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Hiện tại, 2 nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 10 tỷ USD trong thời gian tới.

Là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Trung Đông - châu Phi, nhất là về thương mại, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. UAE là một trong những nhà đầu tư lớn của khu vực vùng Vịnh tại Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng và du lịch. Ngoài ra, hai nước còn nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, lao động, năng lượng, y tế, du lịch, giáo dục.

UAE hiện là nước có độ mở về kinh tế lớn trong khu vực vùng Vịnh. Hàng hóa mà Việt Nam xuất khẩu sang UAE chủ yếu là mặt hàng nông sản, thủy sản, hoa quả tươi, thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng, điện thoại di động, máy móc thiết bị phụ tùng, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ. Các thủ tục kinh doanh được đơn giản hóa ở mức tối đa, thậm chí ở một số khu vực thương mại tự do, thủ tục thành lập công ty chỉ trong vòng 1 ngày.

Với hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics hiện đại, Dubai hiện là cửa ngõ rất thuận lợi để đưa hàng xuất khẩu đi tiêu thụ ở các nước khác. Hiện tại, có tới 80% hàng Việt Nam đã được xuất sang Dubai để nối chuyến sang các quốc gia khác trong khu vực.

Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, Việt Nam đang xuất siêu sang UAE nhưng đây là thị trường mở nên có nhiều đối thủ cạnh tranh. Các nhà nhập khẩu luôn ép giá đối với các nhà xuất khẩu để có được mức giá thấp nhất. Cùng đó, đây là nước hồi giáo nên các sản phẩm thực phẩm và đồ uống và nhiều sản phẩm khác cần có chứng nhận Halal…

Thế nhưng, tình trạng lừa đảo tại UAE xảy ra rất phổ biến. Do đó, trước khi tiến hành hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp cần phải xác minh rõ đối tác. Khi đã hợp tác, cần chú ý đàm phán phương thức thanh toán đảm bảo an toàn nhất như mở thư tín dụng. Không nên áp dụng phương thức thanh toán chuyển tiền bằng điện hoặc các phương thức thanh toán mà có nhiều rủi ro.

Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại UAE đề xuất thời gian tới cần tăng cường việc tổ chức các diễn đàn thương mại và đầu tư có quy mô và sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu của hai bên.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ thị hiếu cũng như những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo và văn hóa tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn đặc thù về bao bì sản phẩm và quảng cáo. Cần nắm vững luật pháp, quy định của sở tại, văn hóa và tập tục của cộng đồng doanh nhân là những người nước ngoài, đang làm ăn tại UAE. Tăng cường kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp đối tác của UAE, mở mới hoặc hợp tác khai thác các tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp giữa Việt Nam và Dubai.

Tại UAE thuế quan được sửa đổi liên tục, vì vậy các doanh nghiệp nên kiểm tra lại những nội dung này trước khi xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp không giao dịch với đối tác mà yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển trước phí môi giới, phí luật sư hay phí chấp thuận hợp đồng để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

P.V