Phải chăng Nhật Bản đang tụt hậu trong cuộc đua phát triển thuốc mới toàn cầu?

15:53 20/12/2021

Thâm hụt thương mại dược phẩm của Nhật Bản có khả năng lên tới 3 nghìn tỷ yên (26,45 tỷ đô la Mỹ) lần đầu tiên vào năm 2021 khi quốc gia này không còn khả năng giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế trong kỷ nguyên của sản phẩm sinh học.

Nhật Bản thiếu nguồn lực kinh tế đầu tư nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới
Nhật Bản thiếu nguồn lực kinh tế đầu tư nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới. (Ảnh: Takaki Kashiwabara) 

Hiện tượng thâm hụt bắt đầu mở rộng khoảng 15 năm trước và theo dữ liệu từ bộ Tài chính Nhật Bản công bố con số đã vượt quá 2 nghìn tỷ yên trong sáu năm liên tiếp. Tình hình ngày càng báo động khi thâm hụt lên tới 2,3 nghìn tỷ yên năm 2020, tương đương 2,5 nghìn tỷ yên đối với lĩnh vực thương mại thiết bị truyền thông, bao gồm cả điện thoại thông minh. Thâm hụt thuốc sinh học thậm chí “ăn” vào thặng dư thương mại ô tô và linh kiện điện tử vốn là những “trụ cột” chống đỡ nền kinh tế Nhật Bản nói chung.

Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, nhập khẩu vắc xin Covid-19 đã làm tăng thêm thâm hụt ngành dược phẩm. Khoản lỗ có khả năng vượt quá 3 nghìn tỷ yên năm nay, do nhập khẩu vắc xin tăng hơn 10 lần trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10 hàng năm. Trọng tâm của cuộc cạnh tranh phát triển thuốc mới chuyển dịch từ tổng hợp các phương án có sẵn sang khám phá các loại thuốc sinh học. Tuy nhiên khả năng cho ra đời sản phẩm của các nhà sản xuất thuốc Nhật Bản trở nên yếu dần do không theo kịp thay đổi công nghệ.

Thâm hụt thương mại dược phẩm của Nhật Bản ngày càng cao
Thâm hụt thương mại dược phẩm của Nhật Bản ngày càng cao. (Ảnh: Bộ Tài chính Nhật Bản) 

Nhật Bản từng là quốc gia phát triển thuốc hàng đầu sánh ngang với Hoa Kỳ và châu Âu. Cụ thể, trong số 20 loại thuốc bán chạy nhất thế giới năm 2000 có một vài “ứng cử viên” nặng kí do các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển như thuốc điều trị chứng tăng mỡ máu (công ty Daiichi Sankyo) cùng một số loại khác. Nhưng chỉ mới năm ngoái, chất ức chế hệ thống miễn dịch hỗ trợ điều trị bệnh ung thu Opdivo của Ono Pharmaceutical là loại thuốc duy nhất do Nhật Bản sản xuất có mặt trong danh sách top các dược phẩm toàn cầu.

Phải nói rằng xứ sở Hoa Anh Đào rất giỏi trong việc biến đổi các hợp chất hóa học có trong thực vật và động vật để tổng hợp các loại thuốc phân tử nhỏ. Giới nghiên cứu nhiều lần đạt thành tựu cải tiến trong triển khai thuốc mới, thậm chí có đến 8 nhà khoa học đoạt giải Nobel hóa học. Tuy nhiên, kể từ đầu thế kỷ 21, xu hướng phát triển chủ đạo đã không còn là thuốc phân tử mà thay vào đó là dược sinh học, hay nói cách khác là thuốc kháng thể có hiệu quả cao hơn, giúp điều trị các bệnh như ung thư và rối loạn miễn dịch.

Nhìn chung, thuốc sinh học có phạm vi và tác động rộng hơn nhưng đổi lại đòi hỏi công nghệ tiên tiến. Rõ ràng rằng chi tiêu cho nghiên cứu tại các doanh nghiệp Nhật Bản ít hơn so với đối thủ đến từ Mỹ và châu Âu. Xếp hạng hiệu quả của các chương trình R&D cho sản xuất thuốc của QUICK-FactSet cho thấy mức chi phí trong 5 năm qua khiến thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao tại Nhật Bản đều thua kém quốc tế. Gilead Sciences của Hoa Kỳ, nhà phát triển loại thuốc điều trị virus coronavirus remdesivir, đã tăng thu nhập lên hơn 8 lần trong 5 năm qua, công ty dược phẩm sinh học của Mỹ AbbVie và Biogen đã tăng hơn 5 lần. Ngược lại, công ty Nhật Bản tụt hậu cả về thu nhập và hiệu quả.

Các đối thủ đến từ Mỹ, châu Âu bỏ xa Nhật Bản
Các đối thủ đến từ Mỹ, châu Âu bỏ xa Nhật Bản. (Ảnh: QUICK-FactSet) 

Hơn thế nữa, ở Hoa Kỳ và châu Âu, các doanh nghiệp mới được hưởng lợi từ nền tảng nghiên cứu học thuật vững chắc, được thành lập dựa trên hợp tác giữa các trường đại học tên tuổi với tổ chức chính phủ. Sau khi thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc do startup phát triển, nhiều “gã khổng lồ” dược phẩm trong nước sẽ mua lại sản phẩm để ứng dụng thực tế. Đây cũng là một hình thức đầu tư mới cho cộng đồng khởi nghiệp.

Tại Nhật Bản, khan hiếm nhà đầu tư dạng trên khiến việc nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp đóng vai trò cầu nối là rất khó khăn. Thị trường thuốc ở Nhật Bản lên tới 10,3 nghìn tỷ yên vào năm 2020 nhưng thâm hụt thương mại dược phẩm và y tế sẽ tiếp tục tăng nếu thuốc sinh học thực sự trở thành “át chủ bài” mới của thị trường và buộc nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu giá cao. Ngoài ra, chậm chễ cấp phép vắc xin điều trị vi rút Corona của chính phủ Nhật Bản đã để lộ ra các kẽ hở như một số vấn đề về ủy quyền sử dụng khẩn cấp của Mỹ, sử dụng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng,... dẫn tới chịu ràng buộc vắc xin nhập khẩu do hạn chế phát triển vắc xin riêng. Các chuyên gia nhận định rằng xứ sở Hoa Anh Đào cần củng cố tiềm lực tài chính của các nhà sản xuất thuốc thông qua hình thức hợp nhất song song thiết lập cơ chế tạo điều kiện phát triển các loại thuốc mới. Nếu không làm được hai điều trên, hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia có thể bị lung lay.

TL