PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi: Nhu cầu vốn của doanh nghiệp yếu nhưng ngân hàng lại dư thừa

15:35 18/09/2023

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vốn nhưng không đáp ứng điều kiện vay, kể cả một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhưng ngân hàng lại thừa.

Thời gian qua, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn với hầu hết các động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; việc làm, thu nhập của người lao động bị cắt giảm, bảo hiểm xã hội chịu nhiều áp lực… Những tồn tại, hạn chế trên gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 cũng như giai đoạn 2021 - 2025.

Ngân hàng cần cắt giảm chi phí để có điều kiện hạ lãi suất cho vay

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, nguồn vốn nói chung và vốn tín dụng ngân hàng nói riêng đều cần phát triển thị trường vốn. Thị trường này cần có thị trường trái phiếu doanh nghiệp để các doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn.

Ảnh minh họa
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Mùi, cầu vốn của nền kinh tế và của doanh nghiệp hiện nay đang rất yếu. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện vay, kể cả một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong khi các ngân hàng đều thừa vốn.

Bà Mùi cho rằng, trước hết về pháp lý, cần tháo gỡ những vướng mắc về Luật Đất đai đã và đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần rà soát các chính sách ban hành để khắc phục những nút thắt, chồng chéo, mâu thuẫn. Đây là lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, doanh nghiệp, làm cho chính sách chậm đi vào thực tiễn, giảm niềm tin của người dân vào các chính sách của Nhà nước.

Bà Mùi cho biết thêm, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành để giải bài toán vốn cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách và biện pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng; chính sách tài khóa… để cải thiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Cũng theo vị chuyên gia này, phía doanh nghiệp cần nhanh chóng tái cấu trúc, nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng hấp thụ vốn.

Bà Mùi phân tích thêm, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí để có điều kiện hạ lãi suất cho vay; rà soát các điều kiện vay vốn, xem xét phối hợp với các hoạt động bảo lãnh để giúp doanh nghiệp có vốn phát triển kinh doanh.

Đồng quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính khẳng định, vòng quay tiền mấy năm gần đây vô cùng chậm chạp, vòng quay tiền hiện tại là 0,64 lần một năm. Chu kỳ trước thấp nhất chỉ 1,8 nên cả thị trường không có thanh khoản. Thanh khoản bị kẹt sẽ giống như nước trong bình không có nên có vặn vòi thoải mái cũng không chảy.

Ông Nghĩa cho rằng, việc giảm lãi suất, nới room tín dụng chỉ là vặn vòi trong khi nước trong bình ít nên chỉ rỉ rỉ vậy thôi. Do đó, tăng cung tiền, giảm lãi suất vẫn là tiềm năng vô cùng quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ông Nghĩa tính toán, lãi suất thực Việt Nam hiện tại là khoảng trên dưới 8% - cao nhất thế giới, lãi suất thực của Mỹ chỉ 2%, ở Đức chỉ 2%. Như vậy, dễ thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang gánh lãi suất thực 8% - cao gấp 4 lần ở Mỹ.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Hỗ trợ tiếp cận vốn cho bất động sản

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi: Thị trường bất động sản hiện gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn về pháp lý là chủ yếu. Bởi vậy, để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn này, cần phối hợp đồng bộ các giải pháp, chính sách từ nhiều phía. Cụ thể:

Về phía các tổ chức tín dụng, cần tiếp tục rà soát các văn bản hiện hành, quy trình, điều kiện cho vay, tiết giảm chi phí quản lý để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và để cho các doanh nghiệp bất động sản vay vốn trên cơ sở thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ, có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đồng thời, các tổ chức này cần tập trung vốn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Rà soát kỹ các điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và cá nhân, tổ chức mua, nhận chuyển nhượng bất động sản tiếp cận vốn khi đáp ứng đầy đủ điều kiện vay theo quy định.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng và chủ đầu tư cũng cần đánh giá lại các dự án bất động sản đang cho vay, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; đảm bảo thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng cấp tín dụng đã ký kết với doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

Các dự án hiện đang vướng mắc về thủ tục pháp lý nên chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ.

Để tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản, các tổ chức tín dụng cần xem xét cho vay đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng; thường xuyên kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, đến hạn chủ động thu nợ đầy đủ, để tăng vòng quay của vốn.

Ngoài ra, các tổ chức này cần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong cùng một dự án để có thể cho vay người mua nhà và thu nợ người bán nhà. Đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không bám sát nhu cầu thực, hoạt động kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, vốn tín dụng cần kiểm soát chặt chẽ để tránh tiếp tục đọng vốn lớn ở phân khúc này.

Các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động tái cấu trúc, rà soát các sản phẩm phù hợp với thị trường và với người mua nhà ở thực, sẵn sàng bán, nhượng lại, thậm chí chấp nhận giảm giá những dự án không phù hợp với năng lực tài chính của doanh nghiệp, không phù hợp với nhu cầu của số đông khách hàng để tìm kiếm dòng tiền vào. Chưa hết, các doanh nghiệp này cần chủ động kiểm soát tài chính để có bước đi phù hợp, nâng cao chất lượng quản trị rủi ro. 

Nghệ Nhân