"Ông Việt kiều té giếng" Nguyễn Thanh Mỹ: Từ ước mơ, khát vọng rồi hành động, giờ đây tôi tìm thấy hạnh phúc ở quê nhà

14:34 10/05/2021

TS. Nguyễn Thanh Mỹ, nguyên Chủ tịch Mỹ Lan Group, từng làm việc cho những công ty điện toán và in ấn hàng đầu thế giới như IBM, Sun Chemicals và Kodak Polychome Graphics. Công ty American Dye Source (ADS) do ông sáng lập năm 1997 tại Canada, đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành in, phát quang, điện tử hữu cơ…

 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ. Nguồn ảnh: Internet
Ông Nguyễn Thanh Mỹ. Nguồn ảnh: Internet.

"Ông Việt kiều té giếng"

Ông Nguyễn Thanh Mỹ sinh ra và lớn lên ở làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành - Trà Vinh. Ông Mỹ là con cả trong một gia đình nghèo có 5 anh em. Tuổi thơ của ông là chuỗi ngày cơ cực ở vùng quê nghèo nhất nước, mưu sinh bằng cách rong ruổi khắp các nẻo đường để bán cà rem và bánh mì, thời gian còn lại thì đi học lỏm. Năm 1978, ông tốt nghiệp Trường đại học Phú Thọ (bây giờ là Đại học Bách khoa TP.HCM), nhưng gia cảnh vẫn nghèo.

Năm 1979, ông Nguyễn Thanh Mỹ sang sinh sống tại Canada. Tại xứ người, để kiếm sống, tự nuôi mình trong suốt 12 năm trời, ông Mỹ phải làm đủ nghề: rửa chén, làm bếp, bồi bàn...Nhưng ngoài giờ làm, ông vẫn quyết đi học tại Trường đại học Concordia ở Montreal.

Ông được nhận một lúc hai học bổng (NSERC và FCAR), bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về “Chất xúc tác dị thể” và tiến sĩ về “Hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang” thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học năng lượng vật liệu Canada. Sau đó, ông được nhận vào làm ở một số công ty điện toán và in ấn như IBM, Sun Chemical và Kodak Polychrome Graphics. Ông sở hữu 200 bằng phát minh khoa học. Số tiền ông cho thuê bản quyền công nghệ bản kẽm nhiệt CTP lên đến hàng triệu USD mỗi năm.

Năm 1997, ông từ chối mức lương 100.000 USD/năm tại Kodak và thành lập Công ty ADS tại Montreal, nghiên cứu và sản xuất vật liệu hữu cơ dùng trong in ấn, phát quang, tạo hình 3 chiều, màng biến đổi năng lượng mặt trời… Đây cũng là bước đệm cho Tập đoàn Mỹ Lan bây giờ.

Trong một lần về thăm quê hương cùng con gái vào năm 2004, ông nhận thấy vùng đất Trà Vinh vẫn còn nghèo, nhưng lại giàu tiềm năng phát triển và tự hỏi, tại sao không về quê để đóng góp cho nơi chôn rau cắt rốn của mình. Ông bắt tay đầu tư và xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan với số vốn gần 250.000 USD, chuyên sản xuất bản in offset CTP, máy và mực in phun công nghiệp, màng chất dẻo đa lớp cản khí cao - những sản phẩm đòi hỏi chuyên môn và tay nghề cao.

Biết ý định trở lại của ông, một số bạn bè trong và ngoài nước nhắn hỏi “có điên không”. Có người gọi là ông “Việt kiều té giếng”. Ông cũng lo và nghi ngờ về khả năng và kiến thức của người dân quê mình. Ông còn nghi ngờ về văn hóa và các chính sách của Nhà nước liên quan đến đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam thời điểm ấy.

Hành trình khởi nghiệp không bao giờ dừng lại

Vượt qua rất nhiều khó khăn về nhân sự, hạ tầng yếu kém, giờ đây ông Việt kiều té giếng đã thành công. Nổi bật trên vùng đất Trà Vinh hiện nay là nhà máy “xanh” Mỹ Lan do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ sáng lập ra. Gọi đó là nhà máy “xanh” vì cây xanh bao phủ không khác gì khu miệt vườn. Trong nhà máy ấy, công nhân được tận hưởng những bữa cơm ngon lành trong khu bếp như trong khách sạn.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.

Ông Mỹ đã thực hiện được ước mơ mà ông đã nói lên vào năm 1982, khi đang là một bồi bàn kiêm phụ bếp 27 tuổi tại nhà hàng ở Canada: "Ngày nào đó tôi về quê, xây dựng hãng xưởng, giúp người trong quê trong làng có công ăn việc làm, có cuộc sống tốt hơn”.

Sau hơn 10 năm hoạt động, mặc dù Tập Đoàn Mỹ Lan không to lớn như Vingroup hay có doanh thu vài chục nghìn tỷ đồng như Masan, nhưng ông đã tạo được công ăn việc làm cho hơn 800 người dân ở quê hương mình. Bản in offset CTP của Mỹ Lan chiếm hơn 50% thị phần trong nước, được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Tập đoàn Mỹ Lan hiện có nhiều đối tác ở Hoa Kỳ, Canada, Singapore, Nhật Bản, với bốn công ty thành viên gồm công ty hóa chất Mỹ Lan, công ty sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan, công ty quang điện tử và công ty American Dye Source ở Canada với hơn 500 nhân viên ở độ tuổi dưới 27.

Mỹ Lan hiện tăng trưởng ở mức ba con số, được các chuyên gia trên thế giới đánh giá cao về công nghệ và sử dụng rộng rãi.

Sau gần 20 năm miệt mài xây dựng Mỹ Lan Group như một “thung lũng quang điện tử” công nghệ cao bậc nhất tại một tỉnh còn nghèo của Việt Nam, cuối 2015, ông trao hết quyền quản lý Mỹ Lan cho bà Bùi Thị Nhàn, vợ ông, để về cù lao Long Trị khởi nghiệp lần thứ ba khi đã 60 tuổi.

Động lực lớn nhất thôi thúc ông khởi nghiệp chính là: “Mỗi ngày, điều tôi không thể chịu được là dù sống trên vựa đồ ăn, tôm cá đầy sông, lúa gạo đầy ắp, nhưng nông dân vẫn nghèo, mình vẫn ăn đồ ăn bẩn".

Ông nhận thấy, tại Việt Nam, cả 5 phân khúc của chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm: vật tư đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ, đều đang bị làm sai. Với suy nghĩ “phải làm cho đúng cái đang bị sai”, ông thành lập 3 công ty mới, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp: RYNAN Smart fertilizers (sản xuất phân bón thông minh); RYNAN Technologies (thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước…); RYNAN Agrifoods ( Thương mại điện tử).

Ba năm qua nghiên cứu, tìm hiểu Israel, Mỹ về cách làm phân bón tan chậm có kiểm soát, đội ngũ nghiên cứu của Rynan đã tạo ra loại phân bón thông minh. Ông đã đầu tư 7 triệu USD vào sản xuất phân bón “phân bón thông minh” và “phân bón tan chậm có kiểm soát” giúp năng suất lúa tăng hơn 10%, người nông dân sẽ tăng thu nhập gần 20%, giảm phát thải khí nhà kính hơn 50% từ phân bón. Hiện nay, nhà máy này đạt 20.000 tấn/năm và tham vọng của ông là có 50 nhà máy để sản xuất được 10 triệu tấn phân với doanh thu khoảng 1 tỷ USD.

Cả 3 công ty trên đều được đặt cơ sở tại Trà Vinh và sẽ được IPO vào năm 2025. Đội ngũ hàng trăm bạn trẻ của Công ty đều nghiên cứu và làm việc tại thung lũng Silicon thu nhỏ ngay tại nhà riêng của ông.

"Từ ước mơ, khát vọng rồi hành động, giờ đây tôi tìm thấy hạnh phúc ở quê nhà. Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc của con người khi thực hiện được ước mơ của mình và giúp người khác thực hiện được ước mơ của họ.

Mỹ Lan hiện có gần 800 nhân viên, hầu hết là người trong quê trong làng của tôi. Và nếu các bạn hỏi nhân viên Mỹ Lan, ai là chủ của những công ty Mỹ Lan, họ sẽ không trả lời là “Chú Mỹ” vì chú chết, chú không mang theo. Sống thì mình tạo dựng nhưng chết thì mình để lại hết cho đời", ông Mỹ chia sẻ.

TH