Nữ tỷ phú Chu Quần Phi - Bà chủ đế chế màn hình điện thoại tỷ đô Trung Quốc

16:05 07/05/2021

Chu Quần Phi là người sáng lập ra Lens Technology, sở hữu khối bất động sản trị giá 27 triệu USD. Công ty bà có trụ sở tại Silicon Valley. Đối tác của bà là các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Tesla, Apple và Samsung. Tuy nhiên, con đường bước lên đỉnh vinh quang đó thật không dễ dàng.

Chu Quần Phi. Nguồn ảnh: Internet
Chu Quần Phi. Nguồn ảnh: Internet.

Nữ tỷ phú Chu Quần Phi sinh năm 1970, ở một làng quê nghèo tại thị xã Tương Hương, thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Bà Chu đã trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn thiếu thốn: Cha bị mù và mất một ngón tay trong một vụ tai nạn ở nhà máy, mẹ qua đời khi Chu Quần Phi mới 5 tuổi. "Tôi từng phải lo chạy từng bữa ăn và tự hỏi không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu", Chu Quần Phi nhớ lại.

Năm 1986, khi mới 16 tuổi, bà Chu đã phải nghỉ học và làm công nhân tại một nhà máy sản xuất thấu kính, màn hình. Bà vẫn tham gia lớp học buổi tối và mơ ước một ngày thực hiện được giấc mơ kinh doanh của mình.

Năm 1993, bà Chu tiết kiệm được 20.000 đô la Hong Kong (khoảng 2.500 USD) và khởi nghiệp với công ty đầu tiên cùng với các thành viên trong gia đình. Bà Chu cùng 7 người anh em họ cùng làm việc và sinh hoạt trong một ngôi nhà có 3 phòng ngủ trong suốt 4 năm.

Một thập kỷ sau đó, bà Chu đã xây dựng nên một công ty sản xuất màn hình điện thoại với 1.000 nhân công. Năm 2003, bà vẫn làm kính đồng hồ cho đến khi nhận được một cú điện thoại bất ngờ từ giám đốc điều hành Motorola. Họ hỏi liệu bà có sẵn sàng giúp họ phát triển mảng màn hình thủy tinh cho thiết bị mới Razr V3.

Vào thời điểm đó, màn hình hiển thị trên điện thoại di động đều được làm bằng nhựa. Motorola muốn có một màn hình thủy tinh có khả năng chống trầy xước và cung cấp hình ảnh sắc nét hơn cho các tin nhắn văn bản, hình ảnh và đa phương tiện.

“Tôi nhận được cuộc gọi này, và họ nói: Chỉ cần trả lời có hoặc không, nếu có, chúng tôi sẽ giúp bạn thiết lập quá trình này" bà Chu nhớ lại. “Tôi nói có”. 

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.

Ngay sau đó, đơn đặt hàng bắt đầu đổ về từ các nhà sản xuất điện thoại di động khác như HTC, Nokia và Samsung. Sau đó, vào năm 2007, Apple gia nhập thị trường với iPhone. Hãng này đã chọn Lens Technology là nhà cung cấp chính, đưa công ty của bà Chu vào vị trí thống trị ở Trung Quốc.

Thời điểm này, bà Chu quyết chi mạnh tay để đầu tư vào cơ sở mới; thuê kỹ thuật viên có tay nghề cao. Đồng nghiệp của nói rằng, đã có ít nhất là 1 lần bà Chu thế chấp căn hộ của mình để vay tiền ngân hàng. Trong 5 năm, bà Chu có nhà máy sản xuất xây dựng tại ba thành phố.

Với 75.000 lao động trải rộng trên ba cơ sở sản xuất chính chiếm diện tích khoảng 800 mẫu Anh ở Hồ Nam. Mỗi ngày, công ty nhận vận chuyển kính từ các nhà sản xuất toàn cầu như Corning tại Hoa Kỳ và Asahi Glass tại Nhật Bản. Kính được cắt, đo đạc kích thước chuẩn đến milimet, cán bóng. Sau đó, tất cả các tấm kính được ngâm trong bồn ion kali, sơn. Cuối cùng, chúng được làm sạch và tráng một lớp phim chống bẩn và chống phản chiếu.

Bà Chu thiết kế và dàn dựng gần như mỗi bước của quá trình, cách làm việc chi tiết hóa như thời thơ ấu của bà. "Cha tôi đã bị mất thị lực của mình, vì vậy nếu chúng tôi đặt một cái gì đó ở đâu đó, nó phải ở chỗ chính xác. Đó là sự chú ý đến từng chi tiết tôi đòi hỏi ở nơi làm việc”.

Lens Technology không gặp phải những rắc rối lao động như các nhà sản xuất theo hợp đồng khác như Foxconn. Phần lớn công việc kiểm tra độ chính xác mặt kính ở những góc độ khác nhau đều do phụ nữ trẻ thực hiện. Phụ nữ luôn phát hiện được những sai sót.

TH