Nữ doanh nhân gốc Việt nổi tiếng ở xứ Triệu Voi

11:49 19/04/2021

Bà Leuang Litdang là Chủ tịch Dao Heuang Tập đoàn Dao Heuang – một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn bậc nhất đất Lào. Tập đoàn Dao Heuang hoạt động kinh doanh mở rộng trên nhiều lĩnh vực trồng và chế biến cà phê, kinh doanh cửa hàng miễn thuế, hàng tiêu dùng,… trong đó nổi tiếng nhất là cà phê.

Bà Leuang Litdang. Nguồn ảnh: Internet
Bà Leuang Litdang. Nguồn ảnh: Internet.

Bà Leuang Litdang (tên tiếng Việt là Lê Thị Lượng) sinh ra và lớn lên tại Pakse, tỉnh Champasak, Lào. Bà sinh năm 1949, là chị cả của một gia đình có 9 anh chị em. Cha mẹ bà đều là người Việt Nam. xuất thân từ một gia đình lao động, chưa từng học qua các trường lớp chuyên về kinh doanh, nhưng bà Leuang Litdang có một điều may mắn là được ba, mẹ tạo điều kiện cho đọc rất nhiều sách từ khi còn nhỏ.

Bà Leuang kể, hồi nhỏ, ba, mẹ đã rèn cho bà thói quen đọc sách, đọc rất nhiều, đủ các thể loại và toàn sách Việt Nam. Vì thế, sách Việt như một người bạn gắn bó với bà trong suốt chặng đường tuổi ấu thơ cho đến khi trưởng thành và đến tận ngày nay. “Đọc sách với tôi đã trở thành thói quen. Ngay cả khi bận bịu với nhịp sống kinh doanh, nhưng mỗi khi đi đâu thấy có sách, là tôi lại tranh thủ đọc”, bà Leuang bộc bạch.

Cái tên Dao Heuang - Đào Hương xuất phát từ tên con gái bà Lượng, tên Hương. Đào Hương tiếng Việt có nghĩa là Sao Sáng, đổi sang tiếng Lào bà cũng giữ luôn ý nghĩa. Bà ước mơ dẫn dắt doanh nghiệp này trở thành một ngôi sao sáng trên thương trường Lào và Đông Nam Á.

Hành trình vươn tới thành công của bà Leuang Litdang là một câu chuyện dài gắn với nhiều biến cố và nỗ lực. Cha mẹ bà Leuang là người gốc Huế, do cuộc sống khó khăn nên sang Lào tìm kế sinh nhai. Năm 1949, bà được sinh ra tại Pakse, tỉnh Champasak, Lào. Sau đó, bố mẹ bà tiếp tục hạ sinh thêm 8 người con.

Gia đình nghèo, là chị cả của đàn em thơ, từ nhỏ bà đã lăn lộn làm thuê đủ mọi nghề. Lớn lên một chút, bà đi gánh nước, giặt ủi áo quần thuê. Bà cũng phải ra chợ Pakse buôn bán để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em.

Buôn bán từ nhỏ, bà nhạy bén trước các cơ hội kinh doanh. Những năm 1976 – 1980, bà con người Việt sang Lào làm ăn nhiều, bà mở một quầy tạp hoá phục vụ họ, thu nhập cũng ổn định hơn.

Khi có gia đình riêng, bà nghĩ an phận cùng chồng là bác sĩ lo cho các con ăn học, nhưng rồi bà không dứt được nghiệp kinh doanh khi vẫn phải giúp đỡ cho các em.

Bà Lượng thổ lộ, vào năm ấy gia đình bà gặp sự cố trong làm ăn, bà muốn tạm nghỉ ngơi. Cùng thời gian đó, nhà nước Lào khuyến khích làm nông nghiệp, nhất là trồng cà phê để xuất khẩu. Bà nghĩ đi làm vườn cà phê để hưởng ứng chủ trương nhà nước, bản thân thư giãn, xa lánh những điều thị phi, biết thêm về nông nghiệp cũng hay.

Nói là làm cho vui, nhưng bà cũng muốn công sức bỏ ra phải thu lại được tương xứng. Bà về Việt Nam, lên vùng Tây Nguyên học cách người ta trồng cà phê, bỏ ra 3 triệu USD thuê nhân công có kinh nghiệm trồng cà phê từ Việt Nam sang cùng với người dân địa phương trồng 150ha cà phê.

Không may, vụ thu hoạch đầu tiên gặp đợt sương muối nên cà phê héo úa chết gần hết. Song, cũng nhờ lần đó, bà nhận ra đất đai ở Champasak phù hợp với cà phê arabica. Không nản, bà cho trồng lại và mở rộng ra đến 250ha cà phê arabica.

Sau mười năm, Tập đoàn Dao Heuang của nữ doanh nhân gốc Việt này đã trở thành doanh nghiệp trồng, thu mua và xuất khẩu cà phê lớn nhất Lào.

Hiện Dao Heuang Group đã có vườn cà phê tại huyện Pakxong (tỉnh Champasak) với diện tích 280 ha, năng suất thu hoạch hơn 560 tấn/năm, với giá trị khoảng 10 tỷ LAK (tương đương 26 tỷ VND). Dao Heuang có nhà máy sản xuất chế biến cà phê hiện đại nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD, công suất 8.000 tấn sản phẩm/năm.

TH