Nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu

00:00 12/10/2020

Nền kinh tế toàn cầu đang trong ngày u ám nhất do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Giá dầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục khi lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại được áp dụng ở nhiều quốc gia, các thị trường chứng khoán ngày càng ảm đạm.

Tổ chức Lao động thế giới cảnh báo, 25 triệu người đang đứng trước nguy cơ mất việc làm. Trong bối cảnh này, nhiều quốc gia và định chế tài chính tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố nâng gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp thêm 2 tỷ USD lên 14 tỷ USD nhằm giúp các quốc gia và doanh nghiệp. Theo đó, gói hỗ trợ này sẽ cải thiện năng lực cho các quốc gia trong việc ứng phó với những vấn đề y tế công cộng, hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp và người lao động để giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng vừa công bố gói giải cứu trị giá 6,5 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cần cấp thiết của các nước thành viên đang phát triển (DMC) trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Tại Lục địa già, Hội đồng quản trị Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã có cuộc họp bất thường để đưa ra những biện pháp ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19. Theo đó, ECB sẽ tung ra chương trình mua trái phiếu trị giá lên tới 750 tỷ euro đến hết năm 2020. Ngày 21-3, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã phê chuẩn một đề xuất của Pháp để bảo đảm khoản viện trợ quốc gia lên tới 300 tỷ euro.  

Là quốc gia có số ca mắc Covid-19 đứng thứ ba thế giới, Mỹ không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch. Sau dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD, Tổng thống Donald Trump vừa ký dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 17-3 cũng tuyên bố sẽ bơm thêm 500 tỷ USD gần như không lãi suất vào các thị trường tài chính.

Tại Mexico, Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Mexico (Banxico) tuyên bố đưa ra thị trường 2 tỷ USD, nhằm vực dậy đồng nội tệ peso, vốn đã mất giá tới 31% so với đồng USD. Cũng trong khu vực châu Mỹ, Brazil công bố gói kích thích trị giá 147 tỷ real (gần 30 tỷ USD) trong chi tiêu khẩn cấp để ngăn chặn tác động của dịch bệnh đang lan rộng.

Đức hiện là nước có số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nhiều thứ ba ở châu Âu, sau Italia và Tây Ban Nha. Để chống lại ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đức đang chuẩn bị tung gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 356 tỷ euro. Gói hỗ trợ kinh tế này bao gồm một khoản tài chính của Chính phủ trị giá 156 tỷ euro, 100 tỷ euro cho một quỹ ổn định kinh tế để có thể mua lại cổ phần ở các công ty và 100 tỷ euro khác được ủy quyền cho Ngân hàng tái thiết Đức hỗ trợ các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Ở khu vực châu Á, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật ngân sách bổ sung trị giá 11.700 tỷ won (9,44 tỷ USD). Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết đề xuất về ngân sách bổ sung của Chính phủ "mới chỉ là bước khởi đầu" trong việc ứng phó với những hậu quả từ dịch Covid-19. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng vừa quyết định mở rộng chương trình mua tài sản, đồng thời tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp gặp vấn đề về thanh khoản. Ngày 23-3, Thái Lan đã đưa ra một quỹ hỗ trợ thanh khoản trị giá 70-100 tỷ baht (2,2-3,2 tỷ USD)... Nhiều quốc gia khác cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ nền kinh tế, giảm lãi suất ngân hàng.

Có thể thấy, thế giới đang chao đảo khi phải đối mặt cùng lúc hai vấn đề lớn là khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh. Việc các quốc gia liên tục đưa ra các gói hỗ trợ tài chính được giới phân tích nhìn nhận là sự nỗ lực vượt bậc để thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang hiện hữu.

Thùy Dương