Bình Định: Những "bông hồng thép" trong khu cách li tập trung

08:03 30/08/2021

“Chị nuôi” chẳng phải cái tên xa lạ gì với các sĩ quan, các chiến sĩ trong khu Doanh trại quân đội Phù Cát nói riêng hay những doanh trại quân đội khác nói chung. Nhưng với tôi, với những người cách li đã mang trong người vi rút corona hay có khả năng sẽ nhiễm, họ thực sự là những bông hồng thép.

Những bông hồng thép được gọi “Chị nuôi”

Thiếu tá Huỳnh Khắc Nhân, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Bộ binh 739 nói với tôi, nếu viết về tấm gương, em nên viết 2 chị này. Chị nuôi Nguyễn Thị Điểm và Đỗ Thị Kim Yến. Vì họ là những bông hồng thép.

Câu nói của anh Nhân khiến tôi tò mò và tìm cách xin số của 2 chị. “Chị nuôi” Điểm và “chị nuôi” Yến là tên gọi thân thương mà chiến sĩ trong khu doanh trai vẫn hay gọi. 

Chị nuôi Nguyễn Thị Điểm (bìa trái) và Đỗ Thị Kim Yến (bìa phải) đang làm cơm cho bà con khu cách li
Chị nuôi Nguyễn Thị Điểm và Đỗ Thị Kim Yến (bìa phải) đang làm cơm cho bà con khu cách li. 

Tiếng gọi ấy chan chứa tình đồng đội, tình chị em, nó thể hiện sự gắn bó, gần gũi mà tôi tin rằng chỉ có trong quân đội họ mới có tình cảm thiêng liêng ấy. Vì sao họ lại có được thứ tình cảm này, vì hơn ai hết họ hiểu rằng, vì nhiệm vụ họ phải xa gia đình hàng tháng, thậm chí hàng năm, thì đơn vị, những người trong đơn vị dần dà trở thành ngôi nhà, trở thành gia đình.

Có lẽ các chị quá bận rộn với công việc, tôi gọi điện đến lần thứ 3 mới có người bắt máy. Nghe tôi trao đổi về việc phỏng vấn, chị nuôi Điểm cười nói: “Thôi thôi em à, chị có làm gì đâu mà viết. Nhiệm vụ được giao, là quân nhân là phải cố gắng hết sức mình. Ở đây ai cũng như vậy hết em à !”

Chị nuôi Nguyễn Thị Điểm, 45 tuổi, Ban hậu cần, cấp bậc Thượng úy đã công tác gần 17 năm vui vẻ nói qua điện thoại: “Nhận nhiệm vụ phục vụ cho người cách li, chị và mọi người đã xác định tư tưởng đây là nhiệm vụ tương đối nguy hiểm, nên luôn thực hiện tốt phương châm của Bộ Y tế đưa ra là 5K. Nguồn thực phẩm ở đây được hợp đồng trước với những đơn vị cung cấp thực phẩm cho bộ đội nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng hóa được khử trùng ngay tại cổng, rồi mới đưa vào doanh trại, tuy mất thời gian nhưng đảm bảo an toàn vẫn là điều quan trọng nhất cần tuân thủ nghiêm ngặt.” 

Các chiến sĩ trong doanh trại huyện Phù Cát đang làm cơm cho bà con khu cách li
Các chiến sĩ trong doanh trại huyện Phù Cát đang làm cơm cho bà con khu cách li. 

Chị Điểm cho biết, cao điểm nhất có ngày nấu đến 192 phần cơm cho người cách li, thêm cán bộ phục vụ là 40 người, vậy một ngày các chị phục vụ cho khoảng 230 suất ăn. Ngày ba buổi đều dặn, sáng lúc 6 giờ, trưa lúc 11 giờ và chiều tối lúc 17 giờ. Công việc cứ xoay vần như vậy, hết lo buổi sáng đến lo buổi trưa, chiều, chẳng khi nào nghỉ tay, ngoài ban đêm sau khi mọi người đã cơm nước đủ đầy.

Nuôi quân rồi lại… nuôi dân

 “3 giờ đã dậy để chuẩn bị nấu ăn sáng, để đến 6 giờ sáng bộ phận giao thức ăn sáng cho người cách li đến lấy. Bọn chị thay đổi thực đơn luôn cho bà con đỡ ngán, bao gồm bún, bánh hỏi, xôi thịt, cháo thịt, cháo trứng lộn... Vừa xong buổi sáng, là quay sang làm cơm trưa để 10 giờ phải có cơm cho bà con rồi. Xong xuôi, là lại lo đến thực phẩm buổi chiều, 12 giờ 30 nghỉ ngơi một chút, 13 giờ chiều lại lo cho buổi tối, dọn dẹp xong thì 18 giờ tối. Nghe thì dễ vậy, nhưng nấu ăn cho cả trăm người không phải việc đơn giản đâu nghen em”, chị nuôi Yến hài hước. 

Mỗi phần cơm chuẩn bị cho bà con là chan chứa tình đồng hương, tình người ấm áp
“Chị nuôi” Điểm và “chị nuôi” Yến là tên gọi thân thương mà chiến sĩ trong khu doanh trai vẫn hay gọi. Mỗi phần cơm chuẩn bị cho bà con là chan chứa tình đồng hương, tình người ấm áp.

Chị Đỗ Thị Kim Yến, sinh năm 1972, thuộc Ban hậu cần Trung đoàn Bộ binh 739, cấp bậc Thiếu tá. Nuôi quân 25 năm, chị Yến chẳng còn lạ lẫm với những công việc như thế này. Tuy nhiên, lần này không phải là nuôi bộ đội mà là nuôi người cách li. Nguy hiểm và áp lực dữ lắm chứ không phải chuyện đùa.

“Khó khăn nhất là bà con về đây cách li ở nhiều vùng miền khác nhau, mức sống khác nhau nên nhu cầu ăn uống khác nhau nhiều lắm. Người ăn cay, người không. Người ăn mặn, người ăn nhạt. Người ăn hành, người không. Đặc biệt, đợt cách li này nhiều người có bầu nên ăn uống cũng khác người thường lắm. Tuy nhiên bộ phận nuôi quân vẫn cố gắng điều chỉnh phù hợp với mức ăn và nhu cầu ăn uống của bà con. Có thể không đáp ứng hoàn toàn tốt 100%, nhưng vì tình cảm, vì trách nhiêm chúng tôi cố gắng đáp ứng tốt nhất trong khả năng.”, chị Yến tâm sự.

Nhớ lại kỉ niệm với đoàn công nhân về từ Nhật Bản, có 37 người. Chị Yến vui vẻ kể lại: “Họ kì lắm nha em, có người không ăn cá, không ăn đậu miếng, có người không ăn măng, nhưng ở riết 21 ngày họ nói mấy món đó ăn ngon đó chứ. Bà con Sài Gòn về thì ăn uống dễ hơn, thỉnh thoảng, có người ăn chay thì nấu riêng một chút, không có gì đáng ngại.”

Ai về Bình Đinh mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền. Trong ảnh, chị Yến và chị Điểm đang xới nồi cơm 200 phần cho bà con khu cách li
Ai về Bình Đinh mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền. Trong ảnh, chị Yến  và chị Điểm đang xới nồi cơm 200 phần cho bà con khu cách li. 

Qua điện thoại, giọng 2 chị đầy quả cảm, nhưng khi tôi hỏi bao lâu rồi chưa về nhà, chị Yến không giấu được xúc động: “Cấm trại hơn 2 tháng nay nên chị cũng không về nhà. Đất nước, tỉnh mình như thế này, chị chỉ nguyện phục vụ hết mình bà con, phục vụ cho nước nhà. Chồng chị cũng không nói gì, anh ủng hộ việc chị làm vì dân vì nước. Chỉ buồn vì bà con mình còn đang kẹt ở Sài Gòn, cũng cầu mong bà con cố gắng vượt qua cơn đại dịch.”

Nghe những lời này của chị Yến và chị Điểm, lòng tôi thấy ấm áp hơn, tôi thấy tình người lan tỏa trong tim mình. Các chị đẹp lắm! Tôi và bà con trong khu cách li sẽ nhớ mãi tình cảm của các chị đã gửi gắm qua từng phần cơm, từng bát cháo, và đặc biệt nhớ mãi tiếng gọi của các anh bộ đội mỗi buổi sáng chiều: “Bà con ra lấy cơm đi”. Tiếng gọi ấy thật thân thương, thật hiền lành, thật bình an. Xin cảm ơn!

Đỗ Mỹ Dung