Nhu cầu thực phẩm tăng mạnh, Việt Nam tích cực mở rộng thị trường

23:50 08/05/2022

Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 5/2022, Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung mặt hàng nông sản tại các địa phương.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - Nguyễn Quốc Toản cho biết: Theo dự báo, nhu cầu lương thực, thực phẩm trên thế giới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ bắt tay vào triển khai cập nhật hệ thống phần mềm dữ liệu cung cầu nông sản từ địa phương; tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất trọng điểm và tại các cửa khẩu chính, nhất là với Trung Quốc.

Nhu cầu thực phẩm tăng mạnh, Việt Nam tích cực mở rộng thị trường
Nhu cầu thực phẩm tăng mạnh, Việt Nam tích cực mở rộng thị trường.

Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 5/2022, Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung mặt hàng nông sản tại các địa phương. Tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (đặc biệt tại các cửa khẩu).

Bộ NN&PTNT cũng thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc. Chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc thuộc chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.

Cùng với đàm phán để xuất khẩu chôm chôm, chanh, bưởi từ Việt Nam sang New Zealand, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ ngành, tham tán chuẩn bị nội dung làm việc song phương với Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Đồng thời, xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…

"Kết quả xuất nhập khẩu trong những tháng vừa qua của năm 2022 đem lại nhiều tín hiệu tích cực, không chỉ cho DN mà còn của cả nền kinh tế. Mặc dù vậy, tình hình thế giới vẫn nhiều biến động, giá cả nhiều loại nguyên nhiên vật liệu có khả năng còn tăng cao… Những yếu tố này được nhận định sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Chính vì vậy, tôi cho rằng, việc tìm ra bước đi và cách thức quản trị rủi ro là việc cần phải tính tới. Ngoài ra, sự hợp tác giữa các DN, hợp tác xã, người nông dân và các tổ chức, hiệp hội ngành hàng cũng cần phải được thắt chặt hơn nữa để cùng nhau vượt qua những thách thức của thị trường…" - Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công thương (Bộ Công Thương)

PV