Nhìn lại dấu ấn 25 năm của tỉnh Bình Dương

17:55 20/04/2022

Bình Dương là một trong những tỉnh, thành phố phát triển kinh tế nhất phía Nam. 2022 là năm kỷ niệm 25 năm thành chia tách tỉnh Sông Bé thành lập tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương. Qua 25 năm, kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương đã phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đến nay chuyển đổi và trở thành tỉnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị mạnh mẽ.

Nhân dịp 25 năm tỉnh Bình Dương được chia tách từ tỉnh Sông Bé (1997-2022), Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng”. Hội thảo sẽ được diễn ra vào 2 ngày 19, 20/4/2022 tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh Bình Dương bằng hình thức trực tiếp theo các phiên chuyên đề và phiên toàn thể. Hội thảo sẽ là dịp để khẳng định và tôn vinh những thành tựu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ thành tựu và triển vọng”
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ thành tựu và triển vọng”.

Đồng thời, góp phần khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin cho mọi tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập hiện nay; Bên cạnh đó, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, công tác, học tập, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng” thu hút 175 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học. Trong đó có gần 80 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ theo 4 nhóm chuyên đề.

Các nhà khoa học và đại biểu thảo luận bên lề Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ thành tựu và triển vọng”  
Ảnh minh họa
Các nhà khoa học và đại biểu thảo luận bên lề Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ thành tựu và triển vọng” Ảnh minh họa.

Nhìn lại tình hình và bối cảnh lịch sử những năm cuối thập kỷ 1990 của thế kỷ trước, chúng ta thấy việc chia tách tỉnh Sông Bé, thành lập hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước là chủ trương và quyết định hợp lý, có ý nghĩa lịch sử tích cực. Là tỉnh có diện tích quá rộng với nhiều vùng có đặc trưng kinh tế xã hội rất khác nhau, trong đó, các vùng dân tộc, biên giới cần được nhà nước quan tâm đầu tư bằng những chính sách ưu đãi đặc biệt. Trong 20 năm tồn tại của tỉnh Sông Bé, do nguồn lực thấp, những chính sách ưu đãi đặc biệt đó chưa có điều kiện để thực hiện và phát huy tác dụng. Trong khi đó, những vùng có tiềm năng phát triển công nghiệp, đô thị ở phía nam của tỉnh lại không còn nguồn lực đầu tư nhằm tạo sự phát triển đột phá như những đầu tàu kinh tế… Hệ quả là trong 20 năm tồn tại, nguồn lực thấp lại phải dàn đều đầu tư, tỉnh Sông Bé không thể tạo được những chuyển biến kinh tế xã hội đáng kể dù lãnh đạo địa phương đã có nhiều nỗ lực.

Quyết định chia tách thành lập tỉnh chẳng những giúp tỉnh Bình Dương tập trung toàn lực, đột phá vươn lên thành một trong những địa phương phát triển năng động ở phía nam mà còn giúp cho các địa bàn dân tộc, biên giới của tỉnh Bình Phước được tập trung đầu tư thích đáng, phát triển nhanh trong những năm sau.

Bình Dương khó có thể nhanh chóng phát triển công nghiệp và đô thị hiện đại nếu không có quyết định lịch sử đó. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương ngay khi vừa thành lập tỉnh đã nhìn ra và triệt để phát huy những lợi thế của địa phương. Từ đó mở ra một chặng đường phát triển mới để tạo nên một Bình Dương công nghiệp và đô thị hiện nay

Những thành tựu kinh tế - xã hội đáng tự hào 

Sau 25 năm chia tách tỉnh từ tỉnh Sông bé, Bình Dương đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội rất ấn tượng - Hình thành cơ cấu kinh tế của một tỉnh công nghiệp - tất cả địa bàn nông thôn đạt tiêu chí nông thôn mới - GRDP/người thuộc địa phương cao nhất nước.

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng” về chuyên đề kinh tế - phát triển đô thị
Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng” bàn về chuyên đề kinh tế - phát triển đô thị.

Trong tham luận của TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về chủ đề kinh tế - phát triển đô thị đã chỉ ra rằng, với diện tích không lớn (khoảng 2694km2 ) và khởi đầu là một địa bàn “không có tên tuổi” trên bản đồ kinh tế của cả nước cũng như khu vực phía Nam, nhưng đến nay Bình Dương đã là địa phương có GRDP/người thuộc hàng cao nhất nước (năm 2021 đạt hơn 152 triệu đồng/người) và cũng là địa bàn có sức hút lao động mạnh mẽ từ nhiều địa phương trong cả nước. Sức hấp dẫn lao động của Bình Dương đến mức “ai cần việc làm thì rủ nhau đi Bình Dương”. Đây là chỉ báo quan trọng của một đia phương đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ.

Ông cũng khẳng định rằng, Bình Dương là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Đã có 27 trong 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 13.000 ha. Bên cạnh các doanh nghiệp trong nước, Bình Dương vẫn là “điểm đến” của nhà đầu tư nước ngoài. Số doanh nghiệp FDI đứng thứ 3 ở nước ta (Sau TP. HCM và Hà Nội), nổi bậc với mô hình VSIP- đang nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Trong cơ cấu GRDP, thì khu vực CN-XD đóng góp 68%; TM-DV: 21,3% và nông nghiệp chỉ hơn 3%. Nếu xét về cơ cấu giá trị trong cơ cấu kinh tế, thì Bình Dương đang là tỉnh công nghiệp.

Với chủ trương “giao thông đi trước một bước”. Nối kết giao thông với mạng lưới các khu công nghiệp và tổ chức đô thị đã là điển hình thành công trong phát triển kinh tế địa phương.Trong nhiều nhân tố tạo nên sự thành công của Bình Dương trong 25 năm qua, theo ông Lịch có 3 nhân tố chính:  Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, với khẩu hiệu “ trải thảm đỏ” thu hút đầu tư; thứ hai, đột phá trong mô hình phát triển các khu công nghiệp tập trung dựa vào lợi thế vị trí, địa hình và thổ nhưỡng thuận lợi; thứ ba là đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng các khu đô thị mới thông qua sử dụng công cụ của chính quyền địa phương để dẫn dắt đầu tư : đó là mô hình Công ty BECAMEX của tỉnh.

Với những nhân tố tạo nên sự thành công của Bình Dương trong ¼ thế kỷ qua sẽ giảm dần tác dụng, nếu tiếp tục phát triển dựa trên tư duy “ kinh tề tỉnh”. Để tạo nên động lực mới và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, ông Lịch cho rằng cần chuyển sang tư duy phát triển kinh tế vùng, thông qua 4 mối liên kết: (1) bố trí lực lượng sản xuất thông qua quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh (2) phối hợp xây dựng hệ thống giao thông kết nối Vùng; ( 3) đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động chung của Vùng và (4) bảo vệ môi trường chung trên phạm vi toàn vùng (nhất là lưu vực sông Đồng Nai và Sông Sài Gòn).

Đặc điểm trong văn hóa đô thị tỉnh Bình Dương

Từ sau năm 1975, người Bình Dương đã có sự chuyển biến căn bản. Theo đà gia tăng dân số, chuyển đổi dân cư, một tổng thể dân Bình Dương hiện đại đã hình thành với nhiều thành phần dân cư, đa dân tộc, đa văn hóa. Đô thị hóa như một lò nung vĩ đại và vô hình đã phân hóa và thanh lọc các thành phần dân cư sinh sống ở địa phương, chắc bóp hòa trộn tất cả các dạng từ nhận thức, tâm lý, tình cảm, đến tri thức, tư duy dần dần định hình một tầng lớp dân cư mới thích hợp với xã hội đô thị hiện đại. Người Bình Dương đã chuyển từ dân cố cựu thành thị dân hiện đại như vậy. Đó là quá trình tự nhiên và tất yếu. Tầng lớp thị dân Bình Dương dù vẫn đang hoàn thiện dần nhưng đã sớm tạo ra cho riêng mình văn hóa đô thị.

Tuy chỉ mới dần dần định hình trong hơn 10 năm gần đây nhưng văn hóa đô thị Bình Dương đã sớm biểu hiện các đặc điểm riêng.

TS. Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương trình bày bài tham luận tại Hội thảo
TS. Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương trình bày bài tham luận tại Hội thảo.

Trong bài tham luận của TS. Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương về chuyên đề con người – văn hóa – xã hội đã trình các đặc điểm của văn hóa đô thị Bình Dương bao gồm:

Thứ nhất, lối sống văn hóa đô thị của Bình Dương đã phát triển nhanh nhờ luôn gắn liền với chất lượng và trình độ hiện đại của các dịch vụ công, từ nhà ở, ăn uống, đi lại cho đến các sinh hoạt gia đình và cá nhân. Dịch vụ công tốt, văn minh, hiện đại, vì dân đã trở thành một bộ phận hữu cơ tạo nên môi trường sống, là một phần cơ bản tạo nên văn hóa đô thị, một đặc trưng của văn hóa đô thị Bình Dương.

Thứ hai, giao thông và truyền thông hiện đại cùng với các tiêu chí đô thị thông minh vừa là hạ tầng, vừa là lực đẩy để văn hoá đô thị Bình Dương phát triển ngày càng tiên tiến.

Thứ ba, văn hóa đô thị Bình Dương là một thực thể có tính cơ động và biến đổi cao theo hướng tiếp nhận những thành tựu của văn minh khu vực và thế giới

Thứ tư, hệ thống quản lý xã hội của đô thị Bình Dương chủ yếu dựa trên nền tảng pháp luật do vậy trong văn hoá đô thị Bình Dương, các giá trị và chuẩn mực văn hoá luôn quy chiếu theo phong cách trọng luật và bao dung. Văn hóa đô thị Bình Dương đề cao tính kỷ cương. Pháp luật trở thành yếu tố cơ bản, quan trọng điều tiết các hoạt động, các mối quan hệ trong cộng đồng đô thị, từ đó hình thành tính trọng luật trong văn hoá đô thị Bình Dương.

Thứ năm, văn hóa đô thị Bình Dương có tính đa dạng và phân hóa cao. Đó là sự đa dạng và phân hoá toàn diện cả về hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống…đến tinh thần, tư tưởng. Trước hết, đó là sự đa phương hóa, đa dạng hóa các sinh hoạt văn hóa. Những sở thích của thị dân Bình Dương đã dần dần trở nên vô cùng đa dạng, phong phú, thể hiện nhiều chiều cạnh đời sống tinh thần của họ. Mặt khác, họ còn có nhiều quan hệ, giao tiếp xã hội ẩn danh, ngẫu nhiên và giao tiếp công cộng cũng như các quan hệ xã hội tại nơi làm việc, qua các loại hình dịch vụ, thông qua ứng dụng công nghệ cao…c

Thứ sáu, văn hóa đô thị Bình Dương góp phần hội tụ và tỏa sáng các loại hình văn hóa dân tộc. Trong sự phức hợp giữa các loại hình, tình hình chung là: văn hoá đại chúng lan toả phổ quát nhất là trên phương diện hành vi, lối sống; văn hoá dân gian, truyền thống phần nào được bảo tồn và phát triển; công nghiệp văn hoá chỉ mới bước đầu hình thành.

Với những đặc trưng đó, trong 10 năm từ 2010-2020, văn hoá đô thị Bình Dương hình thành theo một cơ cấu đa dạng bao gồm các nhóm văn hoá và các tiểu văn hoá.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã khẳng định một chân lý: Nước nhà thịnh hay suy, vững chắc hay lâm nguy đều bắt nguồn từ tiềm lực quốc phòng mạnh hay yếu và “lòng dân” có chung sức, đồng lòng hay ly tán, không theo. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ta nói chung và Đảng bộ tỉnh Bình Dương nói riêng luôn xác định, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” là vấn đề có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ liên quan trực tiếp đến lợi ích cốt lõi của quốc gia - dân tộc, sinh mệnh và sự sống còn của Đảng, Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương vững mạnh.

Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã luôn quan tâm đến vấn đề này. Bài học sâu sắc nhất mà Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã rút ra từ thực tiễn là phải tăng cường tiềm lực quốc phòng, huy động, tập hợp được sức mạnh của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Thực tiễn đã cho thấy, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã thực hiện đúng đắn đường lối, quan điểm của Đảng về Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “Thế trận lòng dân”.

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng” bàn về chuyên đề Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng” bàn về chuyên đề Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại.

Trong bài tham luận của Đại tá, TS. Bùi Thanh Cao -  Trưởng ban Nghiên cứu Văn hóa học quân sự Viện Khoa học và xã hội nhân văn - Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng về chuyên đề Quốc phòng – An ninh – Đối ngoại, ông đã đưa ra một số giải pháp tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân ở tỉnh Bình Dương. Cụ thể là:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

Thứ hai, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò quản lý chính quyền đối với tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ tư, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh vững mạnh, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

Thứ năm, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch.

Trong tương lai, Bình Dương sẽ tiếp tục phải duy trì được những thành tựu, đồng thời củng cố nguồn nhân lực, củng cố năng lực quản trị địa phương một cách khoa học, đưa Bình Dương vượt qua được thách thức về bẫy thu nhập trung bình đang hiển hiện, trở thành vùng đất phát triển, thịnh vượng, vì sự ấm no và hạnh phúc của người dân.

Hoàng Thu