Nhìn lại ba bước ngoặt chuyển đổi số của SME khu vực Đông Nam Á đối phó với đại dịch

16:11 17/12/2021

Làm việc tại nhà, mua sắm trực tuyến, kinh doanh xuyên biên giới là ba thay đổi lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung nhằm duy trì tồn tại và vươn lên trong bối cảnh bình thường mới hậu đại dịch.

Ảnh minh họa
SME tại ASEAN vượt "bão" Covid-19 với ba lần chuyển đổi sâu rộng. (Ảnh: internet) 

Cú sốc đại dịch khiến cuộc sống của con người gắn bó hơn với internet và các dịch vụ trực tuyến. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở ASEAN, sự nhanh nhẹn, khả năng thích ứng với điều kiện bình thường mới là yếu tố kiên quyết để vượt "bão" Covid-19. Những công ty không nhận thức được thực tế này không nằm ngoài nguy cơ bị tụt hậu, đặc biệt là trong nền kinh tế kỹ thuật số. 

Trước năm 2020, người tiêu dùng đã tiếp xúc với hoạt động giao dịch trực tuyến nhưng không đạt được khối lượng lớn như hiện tại. Tiêu thụ hàng hóa qua đường online tăng đáng kể vào năm ngoái do nhu cầu không ngừng tăng cao. Thậm chí ngay cả khi đại dịch có dấu hiệu suy yếu, rất ít người lựa chọn trở về với cách làm cũ. Bước vào giai đoạn coi Covid-19 là căn bệnh đặc hữu, kỹ thuật số hóa cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm bắt nhiều cơ hội hơn để thúc đẩy phát triển trong kỷ nguyên mới. 

Làm việc thông minh hơn tại nhà

Làm việc từ xa hiện là phương thức được ưa chuộng. Trên thực tế, một cuộc khảo sát gần đây của Công ty EY cho thấy, chỉ 15% số nhân lực tại Đông Nam Á muốn làm việc toàn thời gian tại văn phòng. Không có gì ngạc nhiên khi 29% hy vọng hoàn cảnh cho phép làm việc từ xa, 23% muốn sắp xếp công việc kết hợp. Điều quan trọng là cải thiện hiệu quả và độ tin cậy từ trải nghiệm làm việc từ xa thông qua sử dụng các giải pháp kỹ thuật số. Nghiên cứu chuyển đổi SME ASEAN 2020 của UOB, Accenture và Dun & Bradstreet cho thấy, 64% DNVVN trên toàn khu vực coi công nghệ là ưu tiên đầu tư hàng đầu trong bối cảnh đại dịch. 

Bộ công cụ kỹ thuật số như UOB BizSmart tích hợp các giải pháp kinh doanh dựa trên đám mây, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động số hóa hiệu quả. Trong thời gian diễn ra đại dịch, UOB đã chứng kiến ​​mức tăng 29% trong cộng đồng SMR tích cực sử dụng bộ giải pháp BizSmart từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 8 năm 2021. Nhờ vậy, doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan theo thời gian thực về quy trình kinh doanh từ quản lý nguồn lực và tiền lương cho đến mua sắm cũng như tài chính của công ty trong tầm tay. Đội ngũ nhân viên cũng có thể áp dụng phương thức tương tự để hoàn thành công việc hàng ngày một cách hiệu quả. Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng, SME đầu tư phát triển năng lực kỹ thuật số sẽ có lợi thế điều hướng môi trường kinh doanh ngày càng "ảo". 

Mua sắm trực tuyến

Các đợt đóng cửa dài ngày thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến và giao đồ ăn. Thị trường ASEAN với dân số 660 triệu người đã ghi nhận thêm khoảng 124 nghìn người tiêu dùng trực tuyến mới mỗi ngày. Một nghiên cứu của Facebook và Bain & Company chỉ ra ít nhất 44% tổng số người tiêu dùng kỹ thuật số chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm tươi sống và các mặt hàng chủ lực khác. Khi nhiều người chuyển hẳn sang mua sắm online, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ thay đổi thị hiếu người tiêu dùng. 

Lấy ví dụ cửa hàng bán hoa trên mạng Carpo Fleuriste cải thiện hiệu quả kinh doanh bằng cách "chuyển nhà" từ Whatsapp và nền tảng mạng xã hội khác sang Shopmatic. Sở dĩ có sự thay đổi này là vì cửa hàng thường xuyên bỏ lỡ các khoản thanh toán và rất khó để rà soát lại khi lượng đơn đặt hàng quá nhiều. Với Shopmatic, một nền tảng thương mại điện tử, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi mọi dòng tiền ra vào.

Nắm bắt cơ hội kinh doanh xuyên biên giới hậu Covid-19

Nổi lên từ đại dịch và chuyển sang một môi trường đặc hữu của Covid-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu biết về kỹ thuật số có khả năng đa dạng hóa nguồn doanh thu thông qua các dịch vụ trực tuyến và ngoại tuyến, đồng thời tăng cường sức phục hồi trong dài hạn. Trong khi ASEAN tiếp tục chống chọi với tác động của Covid-19, một số lợi thế của khu vực gồm dân số trẻ, sức mua tăng, chi tiêu mạnh cho cơ sở hạ tầng giúp đảm bảo tiềm năng tăng trưởng lâu dài. 

Trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát trong dự án ASEAN 2020, một phần ba công ty được hỏi cho biết, họ sẽ mở rộng sang các thị trường mới khi đại dịch kết thúc. Top 3 thị trường hấp dẫn hàng đầu khu vực là Singapore (64%), Malaysia (51%) và Thái Lan (50%). Tính đến thời điểm này, ASEAN vẫn là một điểm sáng. Khả năng kết nối internet và sức mua của người tiêu dùng trong khu vực sẽ tiếp tục tăng dẫn đến nền kinh tế kỹ thuật số phát triển. Số hóa làm mờ ranh giới địa lý và vật lý, SME cần hoàn thiện công cụ và chuẩn bị cho phục hồi cũng như nắm bắt các cơ hội xuyên biên giới. 

Song song với chuyển đổi số, tầng lớp trung lưu trong khu vực ngày càng tăng ở ASEAN đồng nghĩa với mở ra cơ hội mới, bối cảnh mới, tăng trưởng doanh thu lớn hơn cho các doanh nghiệp có khả năng linh hoạt hoạt động hiệu quả. 

TL