Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho rằng, RCEP là minh chứng cho thấy rõ quyết tâm của mỗi quốc gia thành viên trong việc tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy thương mại tự do. Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của Khu vực và giúp nền kinh tế các nước thành viên như Việt Nam và Nhật Bản phát triển thịnh vượng.

MINH CHỨNG CỦA SỰ QUYẾT TÂM

Nhật Bản, Việt Nam, RCEP và mục tiêu thịnh vượng

Sự kiện Ký kết Hiệp định RCEP được đón nhận và nhận định thế nào tại Nhật Bản?

Sau 8 năm đàm phán, ngày 15/11/2020, 15 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chính thức ký kết RCEP. Khi được thực thi, RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô dân số 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và quy mô GDP 27.000 tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu. Có thể nói RCEP là minh chứng cho thấy rõ quyết tâm của mỗi quốc gia thành viên trong việc tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy thương mại tự do.

Với Nhật Bản, việc ký kết RCEP được coi là một thắng lợi lớn trong chính sách thương mại. RCEP góp phần củng cố vai trò và vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế với tư cách là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, hình thành nên một trật tự kinh tế quốc tế tự do và mở, như chủ trương đã được cựu Thủ tướng Shinzo Abe nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Osaka ngày 28/6/2019, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy tự do thương mại và duy trì hệ thống thương mại đa phương. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở không ít quốc gia và trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ.

Nhật Bản, Việt Nam, RCEP và mục tiêu thịnh vượng
Chính giới và chuyên gia kinh tế Nhật Bản đều hoan nghênh và đánh giá cao việc ký kết RCEP, tin tưởng RCEP sẽ tạo cơ hội mới cho các nhà sản xuất và nông dân Nhật Bản, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu của Nhật Bản sang châu Á, là “cú hích” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ nỗ lực để nhanh chóng đưa RCEP đi vào hiệu lực.

THÚC ĐẨY MẠNH MẼ CHUỖI CUNG ỨNG

Tầm quan trọng của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế mạnh như Nhật Bản?

Hiệp định RCEP được ký kết vào thời điểm đại dịch Covid-19 gây cú sốc lớn đối với kinh tế thế giới, ảnh hưởng rất lớn đến thương mại, đầu tư, gây đổ vỡ chuỗi cung ứng. Do vậy, có thể khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của Hiệp định đối với việc tạo thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng thương mại đa phương, đầu tư và tăng cường khả năng hồi phục chuỗi cung ứng trong nỗ lực phục hồi của tất cả các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản. RCEP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của khu vực và giúp nền kinh tế các nước thành viên phát triển thịnh vượng.

Nhật Bản, Việt Nam, RCEP và mục tiêu thịnh vượng

Khi chính thức có hiệu lực, doanh nghiệp các nước thành viên, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, cũng như thị trường xuất khẩu được mở rộng. Doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận nguồn nguyên vật liệu của nhau để phục vụ nhu cầu xuất khẩu của mình trong khi đáp ứng nguyên tắc xuất xứ nội khối để có thể tận dụng biểu thuế quan ưu đãi.

Với Nhật Bản, việc tham gia RCEP và thực hiện cắt giảm thuế đối với nhiều mặt hàng trước hết sẽ giúp Nhật Bản tiếp tục theo đuổi chính sách hội nhập, tự do thương mại thông qua đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, tăng cường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng do các công ty Nhật Bản thiết lập ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Hiện Nhật Bản là một trong các quốc gia có quy mô đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn nhất trên thế giới, 14 đối tác của Nhật Bản trong RCEP đang chiếm tới 46% tổng lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản.

Thứ hai, RCEP sẽ là bước tiến quan trọng, mở ra triển vọng nối lại đàm phán, tiến tới ký kết FTA khu vực Đông Bắc Á giữa ba nước Trung-Nhật-Hàn. Khác với các nước ASEAN, trước khi RCEP được ký kết, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đàm phán để thành lập FTA nhưng cho đến nay vẫn không đạt được kết quả khả quan. RCEP là hiệp định thương mại tự do đa phương đầu tiên mà Nhật Bản tham gia cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc, hai đối tác thương mại lớn thứ nhất và thứ ba của Nhật.

Thứ ba, RCEP giúp Nhật Bản phát huy tối đa thế mạnh trong xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp. Việc cắt giảm khoảng 90% các loại thuế sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản khi nhập khẩu hàng hóa công nghiệp để mở rộng đầu tư ở Việt Nam, thực hiện chủ trương “đa dạng nguồn cung” mà Nhật Bản đang theo đuổi.

Thứ tư, việc giảm thuế khi nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp vào Nhật Bản cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Nhật Bản đầu tư thiết bị, công nghệ vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản-thực phẩm ở Việt Nam để phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản.

Nhật Bản, Việt Nam, RCEP và mục tiêu thịnh vượng

Đại sứ Vũ Hồng Nam (thứ hai từ phải) thăm và làm việc với lãnh đạo tập đoàn AEON tháng 6/2020. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản)

Với nền kinh tế nhỏ như Việt Nam thì RCEP có ý nghĩa như thế nào?

Với Việt Nam, việc tham gia Hiệp định RCEP mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường sức mạnh và tính cạnh tranh nền kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Trong đó, việc Việt Nam tham gia ký kết RCEP ngay trong năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN là thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, nỗ lực xây dựng cấu trúc thương mại mới, bền vững hơn tại khu vực, hỗ trợ phục hồi kinh tế khu vực đang chịu ảnh hưởng của Covid-19.

Thứ hai, Hiệp định RCEP mở ra thị trường rộng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, là động lực giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thứ ba, Hiệp định RCEP tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu ngược lại thị trường Nhật và xuất khẩu trực tiếp sang các nước khác.

CƠ HỘI KÈM THÁCH THỨC

Những cơ hội hợp tác khi RCEP chính thức đi vào triển khai?

RCEP là Hiệp định thương mại đa phương mới nhất có sự tham gia của cả Việt Nam và Nhật Bản. Cùng với các Hiệp định mà hai nước đã ký kết và tham gia trước đó (Hiệp định đối tác kinh tế song phương Việt Nam-Nhật Bản và cùng tham gia các FTA đa phương ASEAN-Nhật Bản và CPTPP), việc tham gia RCEP sẽ mang đến cả cơ hội hợp tác và thách thức đối với thương mại và đầu tư song phương Việt-Nhật.

Nhật Bản, Việt Nam, RCEP và mục tiêu thịnh vượng

Trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 gây ra những xáo trộn chưa từng có đối với chuỗi cung ứng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất-nhập khẩu, Hiệp định RCEP khi chính thức có hiệu lực sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam, góp phần triển khai xây dựng nền sản xuất theo định hướng xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ các công ty chuyển dịch các cơ sở sản xuất đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, của Chính phủ Nhật Bản gần đây nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng càng khiến Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa đối với các công ty Nhật Bản.

Tuy nhiên, song song với các cơ hội, RCEP cũng sẽ đặt ra các khó khăn và thách thức đối với Việt Nam?

Sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sẽ gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đối tác trong khu vực có cơ cấu sản phẩm tương đồng với Việt Nam, trong khi năng lực cạnh tranh cao hơn. Để vượt qua thách thức này, doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức chú trọng nâng cao chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm của mình. Ngoài ra, việc đầu vào sản xuất phụ thuộc một số nguồn nhập khẩu nhất định, những hạn chế trong việc cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực và mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam cũng là những thách thức mà doanh nghiệp Việt cần tập trung khắc phục để có thể tận dụng tối đa cơ hội do RCEP mang lại.

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn thứ 2 và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, dành hơn 2,2 tỷ USD để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển dịch/mở rộng đầu tư trở lại Nhật hoặc dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam càng trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Trong 10 năm trở lại đây, FDI của Nhật Bản đã tăng mạnh, tổng vốn đầu tư đến nay đạt trên 60,2 tỷ USD với hơn 4.600 dự án còn hiệu lực. Hiện có gần 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Á và dòng vốn FDI từ Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Thương mại hai nước mang đậm tính bổ trợ và công bằng. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương chỉ giảm nhẹ, đạt 35,9 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020. Với tổng giá trị nhập khẩu của mỗi bên ngang nhau, hai nước đã xây dựng một hình mẫu bạn hàng bình đẳng, cùng có lợi.

Nhật Bản, Việt Nam, RCEP và mục tiêu thịnh vượng

Trên cơ sở các kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế tích lũy được trong thời gian qua, cùng với nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, cùng với sự nhanh nhẹn, năng động của các doanh nghiệp Việt, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta có thể tận dụng tốt các cơ hội do RCEP mang lại, góp phần đưa Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

CHỌN VIỆT NAM LÀ ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN

Cùng với những kỳ vọng lớn về RCEP, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã khẳng định sẽ chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lý do doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam?

Hiện nay, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư sau ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong 11 tháng đầu năm 2020, bất chấp khó khăn do Covid-19, FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn đạt trên 2,1 tỷ USD với 251 dự án cấp mới. Qua hai lần công bố danh sách các công ty Nhật Bản được xét duyệt nhận hỗ trợ của Chính phủ để chuyển dịch sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia được lựa chọn đầu tư và mở rộng đầu tư nhiều nhất. Đặc biệt, trong số 30 doanh nghiệp đầu tiên được xét duyệt nhận hỗ trợ, có tới một nửa số doanh nghiệp trong danh sách đã chọn điểm đến là Việt Nam.

Thời gian qua, tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang mong muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong trao đổi, các doanh nghiệp đều đánh giá rất cao thành tích của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh. Theo kết quả khảo sát của JETRO, cứ ba công ty Nhật Bản được hỏi thì có một công ty quan tâm đến Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, tiêu chí an toàn dịch bệnh tại Việt Nam chỉ là một trong các yếu tố góp phần đưa đến các quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Nhật.

Các yếu tố khác của Việt Nam được nhà đầu tư Nhật đánh giá cao là tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, quy mô thị trường nội địa, giá nhân công hợp lý, nguồn nhân lực có trình độ và khả năng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đi các nước thứ ba.

Ngoài ra, nhiều công ty lớn của Nhật Bản từ lâu đã xây dựng chính sách “Trung Quốc + 1” với mục đích đa dạng hóa nguồn cung nhằm giảm sự phụ quá lớn chuỗi cung ứng ở một nước và đại dịch Covid-19 bùng phát đã góp phần đẩy nhanh quá trình này và khu vực được nhắm tới là Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là điểm đến hấp dẫn.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng chỉ ra một số điểm mà Việt Nam cần tập trung giải quyết để tăng sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài là chi phí nhân công ngày càng tăng, những quan ngại của nhà đầu từ về thủ tục hành chính, chính sách thuế, hệ thống pháp luật, cũng như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, năng lực cạnh tranh thấp và khó khăn trong thu hút nhân tài có trình độ quản lý.

TIẾP TỤC CÙNG GẶT HÁI THÀNH CÔNG

Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, đã bước sang một giai đoạn phát triển mới về chất và đi vào chiều sâu. Chặng đường hợp tác tiếp theo có thể hình dung như thế nào?

Có thể nói quan hệ Việt Nam-Nhật Bản hiện đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp và toàn diện nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây gần nửa thế kỷ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hợp tác hai bên còn nhiều dư địa để đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, lao động, giáo dục, khoa học công nghệ, hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa-nhân dân…

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai nhiều hoạt động theo kế hoạch của hai nước, song đà hợp tác song phương không vì thế mà bị ảnh hưởng. Thậm chí, trong khó khăn, chúng ta càng trân quý sự giúp đỡ chí tình từ những người bạn thân thiết, hỗ trợ nhau ứng phó dịch bệnh và vượt qua khủng hoảng.

Nhật Bản, Việt Nam, RCEP và mục tiêu thịnh vượng

Đại sứ Vũ Hồng Nam gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản tại ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản.

Việc ký kết RCEP là một thành công lớn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước. Trong trao đổi với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thời gian qua, tôi nhận thấy các bạn rất quan tâm, đồng thời có sự chuẩn bị và nghiên cứu kỹ lưỡng để đón đầu các cơ hội do RCEP mang lại.

Tôi cũng được biết doanh nghiệp các nước khác như Singapore, Malaysia… cũng đang rất chủ động trong việc nghiên cứu, tận dụng các cơ hội từ RCEP. Do đó, điều quan trọng hiện nay đối với các doanh nghiệp của ta là cần nghiên cứu kỹ Hiệp định, từ đó chủ động triển khai các bước đi hợp lý nhằm khai thác tối đa các cơ hội mà RCEP sẽ mang lại khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như thu hút FDI từ Nhật Bản đầu tư sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu không chỉ sang Nhật, mà còn sang nhiều thị trường khác.

Trong năm 2021, tôi hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiềm chế để hai nước chúng ta có thể thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác song phương, nối lại giao thương đi lại bình thường cho công dân và doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy trao đổi thương mại, đặc biệt là mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, hoa quả của hai nước, quảng bá tiềm năng đầu tư, du lịch của Việt Nam, gia tăng số lượng lao động, thực tập sinh, sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản.

Hai nước chúng ta đã cùng nhau vượt qua năm 2020 nhiều biến cố với những thành tựu đáng tự hào, tôi tin tưởng rằng, hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong năm 2021, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi nước, của khu vực và thế giới.

Theo baoquocte