Nguyễn Thành Trung – "cha đẻ" game Việt tỷ USD Axie Infinity

09:33 31/07/2021

Nguyễn Thành Trung – nhà phát triển game Axie Infinity "gây sốt" cộng đồng thời gian gần đây khi là tựa game Việt có giá trị vốn hóa 2,7 tỷ USD (Tương đương: 62 nghìn tỷ VND).

"Con nghiện game" từ bé

Nguyễn Thành Trung sinh năm 1992, anh thừa nhận mình là "con nghiện game" từ bé. Lớn lên thường xuyên trốn học để đi chơi game. Dù vào lớp chuyên Tin với nền tảng tin học tốt hơn các bạn nhưng "Hồi ấy mình cũng ngông cuồng vì tiếp xúc với Tin học nhiều hơn bạn bè, bỏ xa bạn nên lại chơi game nhiều hơn học. Sự ngông cuồng ấy đã phải trả giá đắt." Chẳng mấy chốc, Trung bị đám bạn học chuyên vốn cũng "khủng" chẳng kém dồn sức học hành cho "hít khói". May mà kịp nhận ra, Trung vực lại việc học và vẫn giành giải Nhì Tin học Quốc gia năm lớp 12.

Nguyễn Thành Trung, CEO Axie Infinity. Nguồn: Internet
Nguyễn Thành Trung, CEO Axie Infinity. Nguồn: Internet.

Cùng với đó, đam mê lập trình hình thành trong Trung từ những ngày tự học Pascal trong sách, tự code các "bài toán" hình học rồi đem khoe bạn bè khắp nơi cứ lớn dần. Kết hợp nó 2 niềm đam mê với nhau, Trung nghĩ muốn làm cái gì đó liên quan tới game.

Được tuyển thẳng vào Đại học FPT, ngành Kỹ thuật phần mềm, đúng với sở trường bản thân, vậy mà anh chia sẻ khi ấy vẫn còn phân vân chọn trường này hay 2 trường Đại học cỡ "khủng" khác là Đại học Ngoại Thương hay Đại học Công nghệ. Lúc ấy Nguyễn Thành Trung thậm chí có phân vân xem nên theo Tin học tiếp hay chuyển hướng sang Kinh tế. "Đấy là mình có đam mê rõ ràng mà còn thế, nên các bạn trẻ bây giờ nếu có phân vân việc chọn trường ĐH hoặc là không rõ bản thân thích gì thì cũng là chuyện rất bình thường." Trung chia sẻ.

Lên đại học, Trung không bỏ sở thích chơi game nhưng lại là "gà nòi" quen thuộc trong các cuộc thi về công nghệ thông tin dành cho sinh viên. Trung từng tham gia đội tuyển thi ACM/ ICPC của trường ĐH FPT và lọt tới vòng World Final. "Những lần đi nước ngoài đầu tiên của mình đều là đi thi cho trường: Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Nga. Mình được trải nghiệm không khí ở nước Nga và cảm thấy rất thích, nhớ mãi tấm ảnh mặc áo xanh, đội mũ chụp ở Nga khi thi vòng World Final ACM/ ICPC", Trung kể. Trung còn tự học tiếng Anh qua việc học và làm việc với nhiều tài liệu chuyên ngành, đi thi thố ở các nước.

Với Trung, việc học ở trường lớp không phải là điều quan trọng nhất. Học ĐH FPT, đúng với đam mê lập trình của Trung, lại khiến anh "bỏ công sức tối thiểu, nhận kết quả vừa đủ nhưng bù lại được trải nghiệm nhiều thứ khác" trong đó có bản tính tò mò và ham cạnh tranh. "Một phần tuổi trẻ của mình ở ĐH FPT", Trung bộc bạch. Thậm chí, Trung có nghỉ học, khởi nghiệp rồi lại quay lại học tiếp hay chơi game, quậy thì môi trường này cũng chấp nhận để anh thử và sống thật với cá tính của mình.

"Mình nghĩ các bạn trẻ nên quậy một xíu để phẩm chất, tính cách riêng của mình không chìm đi. Càng va chạm với cái gọi là quy định, bạn càng phát hiện ra điểm mạnh, điểm yếu của mình." Trung bộc bạch.

Trước khi thành công với Axie, Trung từng khởi nghiệp ngay khi đang học năm thứ 2 Đại học FPT. Xin nghỉ học, tự làm, tự lập rồi lại rời khởi dự án khởi nghiệp, đã có lúc Trung cảm thấy mất định hướng. "Lúc đó, mình cảm thấy cần có thời gian lắng lại, suy nghĩ về những việc đã làm. Hơn nữa còn có trách nhiệm cần hoàn thành với bản thân và gia đình, ấy là hoàn tất việc học. Nên mình quay lại đi học." Trung quay trở lại hoàn thành chương trình học tại ĐH FPT. 

Đội ngũ phát triển Axie Infinity. Nhà sáng lập Nguyễn Thành Trung là người đứng thứ 2 từ bên phải.  Nguồn: Internet
Đội ngũ phát triển Axie Infinity. Nhà sáng lập Nguyễn Thành Trung là người đứng thứ 2 từ bên phải. Nguồn: Internet.

Khởi nghiệp thành công với game Axie Infinity "gây sốt" cộng đồng 

Một lần, vô tình đọc được bài báo có cái tít hấp dẫn về blockchain kết hợp trò chơi điện tử, Trung tò mò không hiểu một thứ công nghệ khô khan và từng khiến anh không có cảm tình như blockchain mà ứng dụng vào game nhiều tương tác sẽ thế nào. Anh quyết định chơi thử. "Như kiểu Ơ-rê-ka hay a-ha moment, mình nhận ra Blockchain hay công nghệ không xấu, quan trọng là cách thức vận dụng nó ra sao." Trung hào hứng kể lại. Từ thời điểm đó, Trung bắt tay vào làm game ứng dụng blockchain. Đó cũng là thời gian game Axie Infinity được nhen nhóm những ý tưởng đầu tiên. 

Đạt giá trị vốn hóa lên tới 2,7 USD, game Axie Infinity thành công trên phương diện game tiên phong do người Việt phát triển vươn tới mức tỷ USD. Đó là kết quả sau một hành trình dài của Trung và nhóm cộng sự, có cả những khoảng thời gian vô cùng khó khăn. "Thời điểm giữa đến cuối năm 2018, thị trường xuống đáy, sắp hết vốn, lúc ấy chỉ còn biết đóng cửa làm sản phẩm và phải đi tìm vốn từ nguồn khác nữa. Đã có lúc, mình từng nghĩ có khi chỉ còn giữ lại được 2 người trong team" Trung kể. 

Không giống các game truyền thống, nhà phát hành kiếm thu nhập bằng cách bán vật phẩm cho người chơi. Trong Axie Infinity, người chơi sở hữu các tài sản độc nhất. Nhà phát hành nhận tiền hoa hồng từ việc trao đổi, mua bán các vật phẩm này.

Tương tự CryptoKitties, game blockchain của Việt Nam cũng sử dụng công nghệ NFT để phát triển. Người chơi có thể chiến đấu, thu thập, nuôi và xây dựng một vương quốc trên đất liền cho thú cưng của mình. Các thú cưng trong game mang tính duy nhất, không thể bị sao chép, làm nhái, từ đó tạo ra giá trị riêng trên thị trường. Trong khi ở các game thông thường, vật phẩm ảo có thể được nhân bản vô số, dễ dàng bị kiểm soát bởi nhà phát hành hoặc mất giá trị khi game đóng cửa.

Trong Axie Infinity, mỗi thú cưng có thể mua và sở hữu dưới dạng NFT. Để "nuôi" những thú ảo này, người chơi sẽ phải mua hoặc làm nhiệm vụ để nhận một vật phẩm có tên SLP, viết tắt của small-love potion (lọ thuốc tình yêu nhỏ bé). Người chơi cũng có thể bán những thú nuôi ảo hoặc SLP mình đang sở hữu để đổi lấy đồng token của game có tên AXS. Các đồng này có thể giao dịch trên các sàn tiền điện tử lớn như Binance. Người dùng cũng có thể rút tiền về sau khi bán. Đây là lý do game NFT "made in Việt Nam" trở nên đặc biệt và nổi tiếng toàn cầu.

Theo Nguyễn Thành Trung, việc thay đổi về mô hình sở hữu, tương tác này mang đến tác động tích cực cho cả hai bên. Người chơi game không chỉ giải trí mà có thể đầu tư, mua bán, trao đổi các vật phẩm. Qua việc mua bán, họ sẽ tạo ra doanh thu cho nhà phát hành. Từ khoản tiền này, những người làm game lại tiếp tục đầu tư, tạo ra nhân vật, nội dung mới, thậm chí game mới dựa trên hệ thống nhân vật sẵn có. Khi có nội dung mới, người chơi lại có nhu cầu tham gia chơi game, tương tác nhiều hơn, từ đó có nhu cầu trao đổi, mua bán. "Người chơi có thể tiếp xúc với nội dung mới còn nhà phát hành sẽ có dự án dài hơi hơn với dòng game của mình. Đó là khác biệt giữa game blockchain với game truyền thống", Trung nhận định.

Tuy nhiên, những nhà phát hành game cũng thừa nhận thách thức của tựa game blockchain là người chơi phải qua quá nhiều bước mới có thể tiếp cận được game. "Vì tuổi đời game blockchain vẫn còn rất trẻ, chưa thể mang đến những sản phẩm hấp dẫn, thú vị, như thị trường truyền thống. Nhiệm vụ của bọn mình là giải quyết những khó khăn này để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận hơn", Trung nói. 

TH