Nguyên nhân chính khiến ngành xuất khẩu tôm sụt giảm

11:14 01/08/2022

Nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đang có dấu hiệu sụt giảm trong thời gian qua là nguồn cung nguyên liệu hạn chế cùng với nhu cầu của thị trường đang chậm lại.

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, xuất khẩu tôm đã ghi nhận tăng trưởng âm (giảm 1%) sau khi liên tục tăng trưởng dương 2 con số trong 5 tháng trước đó. Thậm chí, sang tháng 7/2022, thị trường còn tiếp tục khó hơn khi nhu cầu nhập khẩu của đối tác đang chững lại và doanh nghiệp thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Cũng theo VASEP, nguyên nhân thiếu tôm nguyên liệu là do từ tháng 6 đến hết tháng 9 là khoảng thời gian mưa bão nhiều ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Longnên việc chăm sóc tôm nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là bệnh EHP (nhiễm vi bào tử trùng) hiện vẫn chưa có giải pháp phòng trị hiệu quả, nên từ đầu tháng 5 đến nay đã có một số trang trại, hộ nuôi tôm nhỏ lẻ tạm ngừng thả giống vì lo sợ thiệt hại.

Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, trước mắt, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP - khuyến nghị, các địa phương cần can thiệp kịp thời nhằm không để dịch bệnh lây lan cũng như có một số biện pháp hỗ trợ người nuôi để họ yên tâm nuôi thả. Còn về lâu về dài, mỗi doanh nghiệp đều phải có sự chủ động riêng nhằm cân đối được cung- cầu nguyên liệu cho chính mình. 

Ảnh minh họa
Nguồn cung nguyên liệu hạn chế cùng với nhu cầu của thị trường đang chậm lại là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu tôm sụt giảm (Ảnh minh họa).

Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Camimex Group (Cà Mau) - chia sẻ, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là khan hiếm nguyên liệu. Cùng chung lo lắng, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) - cho biết: Hiện các nhà máy chế biến tôm đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Dù doanh nghiệp có khoảng 2.000 ha vùng nuôi tôm, tập trung ở Huế và Bến Tre nhưng chỉ đáp ứng 30 - 40% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy, phần còn lại doanh nghiệp phải nhập của người dân và các vùng nuôi liên kết.

Được biết, hầu hết doanh nghiệp tôm đều đang chủ động khoảng 40% nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu và nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu. Đơn cử Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta ngoài hơn 300 ha đất nuôi tôm hiện hữu thì gần đây đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để mở rộng thêm 203ha đất nuôi tôm và dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm nay, giai đoạn 2 hoàn thành trước tháng 6/2023. Trong khi đó, Tập đoàn Minh Phú đang đầu tư hệ thống đường nước biển Kiên Giang với số vốn hơn 2.800 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án này là góp phần phát triển bền vững lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp, nhất là nuôi tôm công nghệ cao vùng Tứ giác Long Xuyên.

Riêng đối với việc một số thị trường suy giảm cầu, VASEP đã khuyến cáo doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế thuế quan ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… để qua đó tăng xuất khẩu sang Australia, Canada, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Anh… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng, đầu mối nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

PV (t/h)