Người tiêu dùng cẩn trọng khi mua bánh trung thu không rõ thông tin nhãn mác

15:55 18/09/2021

Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, nên năm nay, thị trường truyền thống vắng bóng những quầy bánh trung thu trên các ngõ phố. Thay vào đó, trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) hay các ứng dụng giao hàng trực tuyến, bánh Trung thu đang được rao bán khá rầm rộ.

Bên cạnh những thương hiệu uy tín lâu năm trên thị trường, hiện nay, trên một số website, mạng xã hội, các loại bánh “handmade” (tự làm) được rao bán phổ biến với rất nhiều lời giới thiệu hấp dẫn, như không có chất bảo quản, hương vị truyền thống, an toàn... với giá thành rẻ, chỉ 15.000-50.000 đồng/chiếc. Do việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng này chỉ mang tính thời vụ, nên vấn đề bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm là điều đáng lo ngại. 

Bánh Trung Thu đa dạng mẫu mã, chủng loại và giá tiền trên chợ online. (Ảnh chụp màn hình)
Bánh Trung Thu đa dạng mẫu mã, chủng loại và giá tiền trên chợ online. (Ảnh chụp màn hình).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, người tiêu dùng cần cảnh giác với những loại bánh với giá quá rẻ, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bởi, với giá thành rẻ thì chắc chắn nguyên liệu dùng để sản xuất bánh cũng phải rẻ. Đối với bánh Trung thu, nếu nhà sản xuất sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cấp phép, thì sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, nếu ăn phải bánh sử dụng màu công nghiệp, không có trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép, thì rất nguy hiểm cho sức khỏe. Chưa kể, với đặc thù bánh Trung thu rất dễ bị ẩm, mốc nên nhà sản xuất sẽ bổ sung thêm chất bảo quản. Việc sử dụng chất bảo quản nếu vượt quá phạm vi cho phép cũng gây ra những hậu quả không nhỏ với sức khỏe người tiêu dùng.

Những chiếc bánh không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, những loại bánh này khiến cho thị trường bánh trung thu rơi vào cảnh “vàng thau lẫn lộn”, những cơ sở làm ăn chân chính bị ảnh hưởng và người tiêu dùng mất niềm tin.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị, các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội phải chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, lồng ghép với tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

“Nội dung tuyên truyền tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hướng dẫn họ thực hiện nghiêm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất...”, ông Nguyễn Thanh Phong lưu ý.

Đối với người tiêu dùng, theo ông Nguyễn Thanh Phong, cần hướng dẫn họ việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Người tiêu dùng chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, người tiêu dùng cần phải kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến.

PV tổng hợp