Trải lòng về những gì đã qua, không ai có thể hình dung người phụ nữ rất bình dị ấy lại có một tinh thần thép và lòng quyết tâm không gì ngăn nổi, đặc biệt là kinh nghiệm trong tổ chức cơ sở khám chữa bệnh và xử lý khủng hoảng trong đại dịch.

 

 

Thưa bà, xây dựng 8 bệnh viện dã chiến chỉ trong vòng 14 ngày không phải là điều dễ dàng đối với bất cứ công ty xây dựng tầm cỡ nào, nhất là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Bà và đồng nghiệp đã gặp những khó khăn gì trong quá trình triển khai và nhân tố nào đã giúp bà hiện thực hóa điều này?

Bà Vũ Ngọc Hương: Khi được Sở Xây dựng – TP.HCM giao nhiệm vụ, tôi chỉ có một suy nghĩ là: Phải làm được.

Không ai biết là có bao nhiêu việc cần phải làm, bao nhiêu đầu mối phải xử lý. Bởi mình thấy thương thành phố. Thương nên mình phải làm bằng được.

Cứ như vậy, thi công trong 2 ngày thì xong 1 bệnh viện, có bệnh viện chưa tới 2 ngày. Nếu tại thời điểm khác, việc sửa chữa phải cần ít nhất 2 tháng. Do vậy thiếu thốn là điều tất yếu và phải chấp nhận. Vào những ngày đầu vận hành bệnh viện, ống dẫn thải bị vỡ do quá tải. Người của tôi ở dưới vẫn sửa, còn bên trên người bệnh vẫn dùng. Hỏi có mệt mỏi không, có áp lực không, đương nhiên là có. Nhưng đó không phải lý do “rằng, thì, là mà” để chúng tôi trình bày hay dừng lại.

Bên cạnh đó, có hai áp lực lớn mà chúng tôi phải đối mặt: Một là, thành phố bắt đầu giãn cách, nhân lực và vật lực đều trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Hai là, tâm lý hoảng sợ của nhân viên.

 

 

Tôi vẫn còn nhớ khi F0 đầu tiên bất ngờ nhập viện vào ngày 7/7, gần 200 nhân viên đang làm việc tại bệnh viện dã chiến số 6 lập tức bỏ về.

Và nỗi sợ ấy đã trở thành sự thật. Tới thời điểm hiện tại, 20% nhân viên trong công ty đã nhiễm COVID-19. Nhưng không giống như ngày đầu tiên, không một ai bỏ vị trí làm việc.

Đó không phải là một yếu tố bất ngờ hay ngẫu nhiên mà là một quá trình không hề dễ dàng. Phải làm sao để người của mình hiểu rõ trách nhiệm và tinh thần phụng sự đất nước. Trở thành F0 không phải là điều đáng sợ (bởi có nhiễm cũng sẽ được chữa trị). Điều đáng sợ là không có việc làm và không phụng sự được đất nước.

Nhưng chỉ là ý chí thôi là không đủ, chống dịch phải có khoa học.

 

 

Yếu tố khoa học mà bà đề cập ở đây cụ thể là gì và được áp dụng như thế nào trong các kịch bản, quy trình và mô hình vận hành tại các bệnh viện này thưa bà?

Bà Vũ Ngọc Hương: Ngay từ khi xây dựng bệnh viện, chúng tôi bắt đầu xây dựng quy trình và các kịch bản ứng phó.

Cụ thể, trong trường hợp nếu công ty có nhân viên nhiễm bệnh thì ban giám đốc lập tức thực hiện các quy trình đã có, phân nhóm nhân viên đã nhiễm thành các khu tập trung: Nhóm đã tiêm vaccine – chưa tiêm vaccine, nhóm tuổi (40 – 50 tuổi, 50 – 60 tuổi và trên 60 tuổi), nhóm có bệnh nền hay không có bệnh nền, lây nhiễm từ cộng đồng, gia đình hay lây nhiễm độc lập,…

 

 

"Em nghỉ sốt một hôm thôi, mai khỏe em đi làm" - nhân viên họ tự nói với tôi như vậy. Xác định là: “Ai F0 cứ F0, ai làm việc cứ làm việc”. Nếu bệnh không diễn biến nặng, nhân viên tự điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế như F0 điều trị tại nhà và tiếp tục làm việc tại chỗ. Ngược lại, nếu bệnh nhân có chuyển biến xấu sẽ được đưa vào các bệnh viện dã chiến. Nhưng chăm sóc sức khỏe y tế cho riêng cá nhân F0 thôi là chưa đủ, phải có cả chính sách, kịch bản chăm sóc trên phương diện kinh tế, xã hội và y tế cho thân nhân F0. Như vậy nguồn nhân lực mới không bị đứt gãy, mới bền vững.

Đây là một ví dụ điển hình về tính khoa học trong việc xây dựng các kịch bản ứng phó.

Sự khoa học trong các kịch bản, quy trình có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi với đặc tính lây nhiễm, sai sót sẽ là mạng người.

 

 

Như tôi được biết, hiện tại bà vẫn chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ về vật chất từ thành phố. Liệu có phải bà đang làm công việc này với mục đích từ thiện và hỗ trợ xã hội không?

Bà Vũ Ngọc Hương: Không ai có đủ tiền để làm từ thiện mãi được. Các chiến dịch chống dịch, các bệnh viện dã chiến đang tiêu hao một nguồn lực khổng lồ (về cả nhân lực và vật chất). Trong giai đoạn đầu, chúng ta có thể dồn các nguồn lực chính của xã hội để chống dịch, nhưng sau đó thì không.

Nguồn lực nào nếu không được tái sản xuất thì cũng sẽ cạn kệt. Muốn chống được dịch, phải sống chung với dịch, phải sản xuất.

Dòng tiền có thể đến sau, nhưng tôi xây dựng bệnh viện dã chiến vì tôi cũng có lợi. Cái lợi ở đây không đơn thuần chỉ là lợi ích cá nhân. Xây dựng bệnh viện dã chiến giúp tôi tạo công ăn việc làm và nuôi sống hơn 300 nhân viên mà không cần đến tiền hỗ trợ của nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền đã bớt đi hàng trăm phần gánh nặng. Cụm doanh nghiệp khỏe mạnh (bao gồm ban giám đốc, nhân viên và cả gia đình nhân viên được chăm sóc tốt trên cả ba phương diện tâm lý – kinh tế – y tế) là một mô hình mà tôi rất tâm đắc.

 

 

Bạn tưởng tượng, nếu hàng chục ngàn doanh nghiệp ngoài kia cũng làm điều tương tự thì các mảnh ghép xã hội tự động sẽ được kéo lại gần nhau. Một khi xã hội được lấp đầy bằng những khối vững chắc và an toàn, sức chống chịu với đại dịch đương nhiên sẽ tốt hơn.

Làm từ thiện cũng phải tính toán tới dòng tiền, có kế hoạch chứ không thể tùy hứng. Theo quan sát của tôi, các hoạt động từ thiện tại TP.HCM trong thời điểm đầu dịch bệnh bùng phát là một ví dụ sinh động. Thời điểm đầu, nhà nhà, người người làm từ thiện, các nguồn lực đến từ các nguồn ngẫu nhiên và không ổn định dẫn đến tình trạng cung quá cầu hay thứ thiếu vẫn thiếu, thứ thừa vẫn thừa. Nhưng khi dịch kéo dài, nguồn tiền cạn dần, cung lại không đủ cầu.

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chính là dòng tiền bền vững nhất để làm từ thiện.

 

 

Bà nhấn mạnh khá nhiều về hoạt động sản xuất và vai trò tạo ra nguồn lực vật chất của doanh nghiệp trong công cuộc chống dịch. Vậy bà nhìn nhận vai trò của nhà nước, chính quyền trong cán cân này như thế nào thưa bà?

Bà Vũ Ngọc Hương: Nhà nước có một vai trò độc tôn mà không một tổ chức cá nhân nào có thể làm thay được. Trong bối cảnh đại dịch, vai trò này càng đặc biệt hơn nữa.

Tôi cho rằng nếu vai trò của doanh nghiệp là sản xuất, tạo ra nguồn lực thì vai trò của nhà nước là điều phối nguồn lực ấy. Các hoạt động sản xuất, mô hình chống dịch của doanh nghiệp không nên và không bao giờ nên thoát ly khỏi sự kiểm soát của nhà nước. Kiểm soát ở đây phải được hiểu theo nghĩa tích cực. Bởi chỉ khi có sự kiểm soát của nhà nước, các hoạt động này mới tránh được tính tự phát, mang tính thống nhất và đồng bộ. Nhà nước có thể phát hiện khuyết điểm, bổ sung những thiếu sót trong công cuộc chống dịch của cả xã hội trên góc nhìn vĩ mô.

Để chống dịch thành công, chính phủ phải làm việc cùng doanh nghiệp và cả xã hội. Trước hết, tôi quan niệm rằng, chống dịch là trách nhiệm của từng cá nhân, từng gia đình, từng doanh nghiệp chứ không phải của riêng chính phủ. Vì đó là tính mạng, lợi ích sát sườn với họ. Do đó, chúng ta cần xã hội hóa các nguồn lực chống dịch thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Bởi thứ nhất, nguồn lực của nhà nước là có hạn. Thứ hai, với quy mô gần 100 triệu dân, không một cơ chế thực thi chính sách nào có thể tiếp cận tới người mà không có độ lỡ nhịp. Hãy để việc này cho doanh nghiệp và các đoàn thể. Đây là mối quan hệ hai chiều.

 

 

Để kiểm soát và điều phối tốt việc xã hội hóa nguồn lực trong phòng chống dịch, nhà nước cần tạo ra các công cụ quản lý cũng như kênh thông tin để nắm bắt, trao đổi và làm cùng doanh nghiệp.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về một mạng lưới vận động, xã hội hóa nguồn lực chống dịch được tổ chức như những phiên đấu giá. Nhà nước chủ động thu thập thông tin từ các bệnh viện, xã hội biến các nhu cầu, nguồn lực còn thiếu này thành “vật đấu giá”, đưa lên “sàn giao dịch online” một cách công khai, minh bạch. Sau đó các doanh nghiệp, các mạnh thường quân “đấu giá” và nhận thầu. Nếu làm được như vậy sẽ không còn hiện tượng trùng lấn, lãng phí, các nguồn lực còn thiếu được trực tiếp lấp đầy trong thời gian rất ngắn. Việc này cũng rất phù hợp với định hướng chính phủ số của Việt Nam.

 

 

Từ kinh nghiệm thực tế, theo bà, để chống chịu với sự cố tương tự TP.HCM cần chuẩn bị những gì? Bài học xương máu nào có thể rút ra cho thành phố nói riêng và cả nước nói chung?

Bà Vũ Ngọc Hương: Muốn tồn tại phải sống chung với dịch. COVID-19 chắc chắn không phải là dịch bệnh cuối cùng mà con người phải đối mặt. Và cũng giống như bệnh tả, cúm mùa, cúm Tây Ban Nha,… rồi một ngày con người sẽ chấp nhận COVID-19 như bệnh… cảm mạo.

Để chống chịu với dịch bệnh hay những biến cố tương tự, chúng ta cần lên những kịch bản ứng phó khoa học như tôi đã nói ở trên. Kịch bản ở đây phải bao gồm cả kịch bản kinh tế, kịch bản xã hội và kịch bản y tế.  Bên cạnh đó, cần xây dựng một xã hội vững chắc với trụ cột là những cụm doanh nghiệp khỏe mạnh.

 

 

Từ trải nghiệm thực tế, tôi cho rằng muốn vượt qua đại dịch, phải sống chung với dịch. Các địa phương cần phổ thông hóa các phương pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, các phương pháp điều trị F0 tại nhà, hoàn thành chiến dịch tiêm chủng toàn dân và tái sản xuất, tái kinh doanh. Trước hết, theo tôi, có 4 đầu việc cụ thể cần triển khai để đạt được mục tiêu này:

Thứ nhất, xây dựng các kho dữ liệu lớn (big data) để lưu trữ thông tin bệnh nhân, phác đồ điều trị và thiết lập hệ thống khai báo F0 trực tuyến, xây dựng một cổng thông tin tương tác toàn dân duy nhất với giao diện đơn giản và dễ dùng.

 

 

Thứ hai, trợ giá các bộ xét nghiệm (kit test) COVID-19 nhanh để bất kỳ ai cũng có thể mua và dùng được. Thay vì tổ chức xét nghiệm đại trà như hiện nay, chúng ta nên hướng dẫn và để người dân tự làm xét nghiệm tại nhà. Trong trường bệnh nhân có kết quả dương tính, yêu cầu bệnh nhân chủ động khai báo trên cổng thông tin tương tác toàn dân đã xây dựng.

Đây là giai đoạn mà kho dữ liệu lớn thể hiện sự hiệu quả. Khi có các dữ liệu mà bệnh nhân khai báo (tái nhiễm hay mới mắc lần đầu, có mắc bệnh nền hay không, tình trạng sức khỏe ra sao, đã tiêm vaccine hay chưa), trí tuệ nhân tạo (hay bác sỹ AI) có thể gợi ý những phác đồ điều trị tại nhà phù hợp.

Trong trường hợp, bệnh nhân có diễn biến nặng mới tiến hành nhập viện. Về cơ bản việc này giống chủ trương F0 điều trị tại nhà của thành phố. Nhưng yếu tố khác biệt mà tôi muốn nhấn mạnh là công nghệ.

Thứ ba, chuẩn hóa và trợ giá khẩu trang. Khẩu trang là chìa khóa trong phòng ngừa lây nhiễm COVID-19. Chính bản thân tôi đã từng có trải nghiệm mua phải khẩu trang "dỏm" khi vận hành bệnh viện. Cứ như vậy hàng ngàn chiếc khẩu trang được các mạnh thường quân mua về phải bỏ đi. Vậy thì làm sao người dân lao động có thể mua đúng khẩu trang để bảo vệ chính mình được?

Thứ tư, nội địa hóa vaccine. Tiêm chủng vaccine toàn dân là một trong những chiến lược mũi nhọn để giảm thiểu tình trạng lây lan và tỷ lệ tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên vaccine nhập ngoại không phải là nguồn cung ổn định và lâu dài.

 

Điều hành doanh nghiệp hay đất nước trong đại dịch giống như trong lái thuyền trong bão. Không ai có thể ngăn cơn bão đừng tới. Cách duy nhất là phải lái và tìm cách lái tốt nhất để tồn tại.

COVID-19 là một “cơ hội bắt buộc” mà mọi quốc gia đều phải tiếp nhận. Tôi dùng từ “cơ hội” bởi đây là dịch bệnh điều kiện buộc chúng ta phải thích ứng và tiến bộ, đào thải những suy nghĩ, cách làm đã lạc hậu. Cùng với mất mát, dịch bệnh cũng là cơ hội để con người sắp xếp lại chính cấu trúc nội tại của mình, là cơ hội để tái thiết xã hội, thay đổi cách thức tổ chức và vận hành các mối quan hệ xã hội, kinh tế và kinh doanh. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng đất nước có thể sống được, hồi phục được, thậm chí là chữa lành sau dịch bệnh.

PV: Trân trọng cảm ơn bà vì buổi trò chuyện thú vị này. Chúc bà có thật nhiều sức khỏe.

Theo VOV