Người lính tình nguyện và hành trình đi tìm công lý cho đồng đội

11:26 25/01/2023

Một buổi chiều cuối năm, đón tôi là một người đàn ông dáng cao tầm thước, gương mặt cương nghị nhưng có lẽ ấn tượng nhất là cặp mắt sáng như biết nói của anh, nụ cười thân thiện rất riêng của một con người lạc quan, yêu đời, thắp lên cho bao người tia hy vọng. Đó chính là người lính tình nguyện chiến trường Campuchia năm xưa- Nguyễn Công Trung, Trung đội trưởng thông tin của D59 Đoàn 7705, Mặt trận 479.

Người lính tình nguyện và tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Khi chỉ mới 17 tuổi, trong thời kỳ chiến tranh xung đột biên giới Tây Nam vẫn còn đang ác liệt, cậu học trò khoác trên người chiếc áo học sinh đã lập tức tình nguyện lên đường nhập ngũ. Kể chuyện với tôi, anh nói: “Nhiều năm đã trôi qua nhưng những ngày tháng tại chiến trường Campuchia là ký ức khó có thể phai mờ. Đã có rất nhiều trận đánh, nhìn thấy sự hy sinh của đồng đội, không làm sao quên được những năm tháng ở chiến trường K, nơi tôi và đồng đội một thời gian khổ, không làm sao kể hết được. Máu thịt tôi và đồng đội đã đổ ra không vô nghĩa, góp phần đem lại sự yên bình cho nhân dân đất nước bạn…”

43 năm đã trôi qua, kể từ ngày nhân dân Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot (07.01.1979 – 07.01.2022), 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24.6.1967-24.6.2022) nhưng đọng lại trong ký ức của những cựu chiến binh Việt Nam là một tinh thần hữu nghị đoàn kết đặc biệt, tạo nên sức mạnh của cả hai dân tộc Việt Nam – Campuchia cho đến tận bây giờ. Người lính tình nguyện năm xưa nay đã là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Trưởng Đoàn thiện nguyện Hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam.  

Ông Nguyễn Công Trung và bà Men Sam An - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia tại sự kiện
Ông Nguyễn Công Trung và bà Men Sam An - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia tại sự kiện "Kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia" diễn ra vào ngày 6/11/2022 tại Bình Phước.

“Chính tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia đã tôi luyện cho chúng tôi suốt trong những năm chiến đấu đánh đổ chế độ Pol Pot diệt chủng. Đó cũng là nền tảng vững chắc để cho tôi tiếp tục phát huy, cống hiến trong thời bình như hôm nay...” - cựu quân nhân Nguyễn Công Trung nói - “ Sống trong lòng dân nước bạn nên càng khăng khít 2 chữ nghĩa tình. Khi phục viên, hun đúc trong tôi lớn nhất là tinh thần hữu nghị, đoàn kết của 2 dân tộc thời bình nên tôi tích cực tham gia vào Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia để tiếp tục có cơ hội đóng góp, chia sẻ trí lực, vật lực nhằm vun đắp hơn nữa cho tình hữu nghị tốt đẹp, thiêng liêng đó”. 

Điều đó được thể hiện khi anh nhận đỡ đầu giúp đỡ 2 cháu Aing Kimhing và Vannak Dine là sinh viên Campuchia du học tại trường Đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm chương trình ươm mầm hữu nghị, người cựu quân nhân tình nguyện đã chia sẻ: “ Chính vì tình cảm thiêng liêng đó, khi phục viên rời quân ngũ tôi luôn hồi tưởng, yêu quý đất nước Campuchia, bởi nơi đó luôn lưu giữ trong tôi những ánh mắt gửi gắm tình yêu thương của những người mẹ Khơmer, những bờ vai gầy còm đứng ngóng chờ của những trẻ em khi tôi hành quân về cứ…”.      

Nguyễn Công Trung (thứ 2, từ trái qua) - Uỷ viên BCH Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam -Campuchia nhận Bằng khen từ bà Men Sam An - Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị CPC-VN và bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị VN-CPC, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm
Ông Nguyễn Công Trung (thứ 2, từ trái qua) cùng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác "Ươm mầm hữu nghị", nhận Bằng khen từ bà Men Sam An - Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị CPC-VN và bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị VN-CPC, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm "Ươm mầm hữu nghị".

“Hàng ngàn sinh viên Campuchia sang học tập tại các trường đại học của Việt Nam, trong đó nhiều em, nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn. Việc ý nghĩa mà tôi tâm đắc nhất là vợ chồng tôi xung phong hưởng ứng sự phát động của Ban Thường trực Hội để nhận đỡ đầu giúp đỡ cho cháu Aing Kimhing và Vannak Dine nhằm hỗ trợ tình cảm, tinh thần cho các cháu khi xa nhà bằng tình thương chăm sóc, động viên, làm sao giúp cho hai cháu ấm áp tình cảm gia đình như đang sống tại bên nhà. Và bằng những việc làm cụ thể này, tôi muốn góp phần giáo dục truyền thống hữu nghị của hai dân tộc cho giới trẻ bằng tấm gương tình nguyện hy sinh xương máu, bằng dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam, Campuchia” - Anh xúc động nói.

Hành trình đi tìm công lý cho đồng đội

Trở về từ chiến trường với hai bàn tay trắng, anh Trung lại tiếp tục vừa học vừa mưu sinh để tương lai tươi sáng. Năm 1989, anh nhận được mảnh đất thừa kế của cha mẹ ở xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Dẫu khó khăn nhưng anh khiến nhiều người ngỡ ngàng khi quyết định hiến tặng 7.400 m² để xây trường Tiểu học Vinh Kim C (1.437 m²), phần còn lại chia cho 4 hộ thương binh, bệnh binh nghèo.

Từ đó đến nay, cũng là ngần ấy năm anh xả thân vào công tác xã hội, từ thiện. Lúc thì đưa hài cốt liệt sĩ từ Tây Ninh, An Giang, Bình Dương về Bắc. Khi đi thăm mẹ Việt Nam anh hùng ở Trà Vinh, Long An, Vũng Tàu, lúc đi phát xe đạp, tặng quần áo, tập vở cho học sinh nghèo ở các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc…Cứ hễ nghe đồng đội mình gặp khó khăn thì anh lại tìm cách giúp đỡ với tư cách Trưởng Đoàn thiện nguyện Hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam. 

Ông Nguyễn Công Trung nằm viện nhưng vẫn cố gắng tính toán các con số trong 7 hồ sơ được bồi thường do bị tù oan để tranh thủ cho người bị oan được bồi thường nhanh chóng
Ông Nguyễn Công Trung nằm viện nhưng vẫn cố gắng tính toán các con số trong 7 hồ sơ được bồi thường do bị tù oan để tranh thủ cho người bị oan được bồi thường nhanh chóng.

Rất nhiều câu chuyện về anh Trung mà tôi nghĩ một người bình thường khó có thể làm được. Hình ảnh của một người lính cụ Hồ thời chiến tranh được thể hiện trong thời bình là nhiều năm anh đi tìm công lý cho đồng đội như trường hợp gia đình chú Nguyễn Minh Quang - nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, 93 tuổi, có mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vợ là thương binh, trong khi tách thửa cho con cất nhà đã bị UBND quận Gò Vấp cập nhật sai trừ mất 445,6 m2 đất trong 14 năm không hề biết và anh đã đại diện gia đình khiếu nại đòi lại đất thành công. Không thể không kể đến vụ án đình đám “40 năm oan sai được bồi thường 7,4 tỷ đồng” xảy ra trong gia đình 8 người thì hết 6 người là cựu chiến binh. Câu chuyện rúng động xảy ra trong đêm 26/07/1979, từ một tin báo có vụ cướp vàng xảy ra tại Nhà máy xay xát lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, nay là TX.Trảng Bàng (Tây Ninh). 08 người trong “đại gia đình” bỗng nhiên bị bắt. Tất cả bị tra khảo, ép buộc phải nhận tội và bị tù oan hơn 3 năm 9 tháng 14 ngày cho đến năm 1983 mới được tha. Tuy nhiên, chỉ riêng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) do khi bị bắt đang là quân nhân tình nguyện Campuchia về phép thăm nhà nên được quyết định đình chỉ điều tra. 07 người còn lại do không có quyết định đình chỉ điều tra nên vẫn mang thân phận bị can suốt 40 năm qua dù đã đi gõ cửa nhiều nơi để được minh oan. Bài viết: Vụ án “Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất” trên Báo Thanh Niên dài kỳ cùng với anh Trung đã hỗ trợ thành công cho các nạn nhân. Kết quả, ngày 31/10/2019, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức buổi xin lỗi công khai 07 nạn nhân, chấm dứt nỗi oan sai dài đằng đẵng 40 năm trời. 

Ông Nguyễn Công Trung và các người bị tù oan tại buổi Lễ xin lỗi ở Tây Ninh.
Ông Nguyễn Công Trung (thứ 2 từ phải qua) và các người bị tù oan tại buổi lễ xin lỗi ở Tây Ninh.

Cũng trong năm 2019, anh nghe được câu chuyện của đồng đội trên chiến trường K. là ông Dương Văn Nghề (ngụ Q.10, TP.HCM) mắc bệnh ung thư, phải nuôi mẹ già bại liệt bị lừa mất căn nhà hơn 10 năm trước sang tên 2 đời chủ và đang thế chấp ngân hàng. Qua một thời gian theo đuổi công lý, anh Trung đã giúp lấy lại được căn nhà cho mẹ con của ông Nghề. Gần đây nhất, anh cũng hỗ trợ pháp lý thành công cho cụ Võ Thị Thu, 80 tuổi - Lão thành cách mạng đòi lại được căn nhà bị chiếm dụng trái phép ở Q.3, TP.HCM. Đây chỉ là một trong số các câu chuyện về những gì mà anh đã làm cho đồng đội, cho những cựu chiến binh, những gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng… Không thể kể hết những hy sinh thầm lặng của anh và người vợ lặng lẽ theo chồng suốt bao năm qua. Thậm chí có những lúc vợ chồng anh cầm cố cả nhà cửa để giúp đồng đội trong lúc khó khăn, những lần nhập viện cấp cứu vì lao lực quá độ… 

TS. Lê Hồng Liêm (bên trái) - Phó Chủ tịch Thường trực phía Nam Hội Hữu nghị Việt Nam -Campuchia, Trưởng Ban Liên lạc Cựu Cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam, trao tặng Giấy khen đến Anh Nguyễn Công Trung có đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ trẻ em bị mồ côi do dịch Covid-19.
TS. Lê Hồng Liêm (bên trái) - Phó Chủ tịch Thường trực phía Nam Hội Hữu nghị Việt Nam -Campuchia, Trưởng ban Liên lạc Cựu Cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam, trao tặng Giấy khen đến anh Nguyễn Công Trung có đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ trẻ em bị mồ côi do dịch Covid-19.

Nói về anh, TS. Lê Hồng Liêm - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã nhận xét: “ Anh Nguyễn Công Trung là một cựu quân nhân tình nguyện luôn miệt mài, tận tụy với việc chăm sóc tình đồng đội, những người đã giúp bạn Campuchia khi về chẳng may gặp hoạn nạn, thậm chí bị oan ức, anh đã bỏ tiền tài, bỏ công sức để đấu tranh đòi lại công lý và đã có kết quả. Anh cũng là người quan tâm, đào tạo lớp trẻ, nhất là các em lưu học sinh Campuchia. Đại dịch Covid - 19 đã khiến gần 2.000 trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh bị mồ côi và anh cũng lại tiếp tục nhận đỡ đầu 01 cháu cho đến khi học hết cấp 3…” 

Ông Nguyễn Công Trung, phát biểu tham luận tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai phương hướng hoạt động năm 2023 của Trung ương Hội HN VN-CPC và BLL Cựu Cán bộ Đoàn TNVN khu vực phía Nam
Ông Nguyễn Công Trung, trình bày tham luận tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai phương hướng hoạt động năm 2023 của Trung ương Hội HN VN-CPC và BLL Cựu Cán bộ Đoàn TNVN khu vực phía Nam.
Ông Nguyễn Công Trung và Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát - Nguyên Chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tại Buổi ra mắt Ban vận động thành lập CLB Trái tim người lính miền Tây
Ông Nguyễn Công Trung và Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát - nguyên Chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tại buổi ra mắt Ban vận động thành lập CLB Trái tim người lính miền Tây.

Được biết, hiện nay cựu quân nhân tình nguyện Nguyễn Công Trung đang là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Trưởng Đoàn thiện nguyện Hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam, Chủ tịch CLB Trái tim người lính miền Tây, thành viên CLB Doanh nghiệp VN - CPC, Phó Chủ nhiệm CLB Doanh nhân tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Mật Ong Võ Kiệt và là Phó Giám đốc Tài chính - Đối ngoại Công ty CP xây dựng Việt Đăng.

Uyển Nhi - PL