Người dân Trung Quốc ưu tiên chọn du lịch nội địa trong kỳ nghỉ 'Tuần lễ vàng'

22:39 01/10/2023

Dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Fliggy của Trung Quốc cho thấy, quy mô du lịch nội địa trong ngày đầu tiên của dịp Tuần lễ vàng năm nay (29/9) đã vượt xa so với cùng kỳ năm 2019.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Truyền thông Trung Quốc mới đây dẫn nguồn tin từ Bộ Văn hóa và Du lịch nước này cho biết, dự kiến trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày (từ 29/9 đến 6/10) nhân dịp Tết Trung thu và Quốc khánh năm nay, du lịch nội địa của Trung Quốc ​​sẽ đạt 896 triệu lượt người, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu du lịch nội địa đạt 782,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 107 tỷ USD), tăng 138% so với cùng kỳ năm trước.  

Tuần lễ vàng năm nay kéo dài 8 ngày liên tiếp khi Ngày Quốc khánh 1/10 trùng với Tết Trung thu. Thông thường, đây là dịp mà hoạt động du lịch và bán lẻ sẽ tăng mạnh, và có những dấu hiệu tích cực khi đà phục hồi kinh tế chậm lại trong những tháng gần đây.

Lĩnh vực du lịch ở các nước khác đang hy vọng đón du khách từ Trung Quốc có thể sẽ thất vọng, khi đa phần các chuyến du lịch được cho là ở trong nước.

Du lịch văn hóa ở khu vực Đồng bằng sông Dương Tử và Đồng bằng Châu Giang với các thành phố du lịch nổi tiếng như Thượng Hải, Tô Châu tăng mạnh, số đơn đặt hàng khách sạn và vé máy bay đã tăng ít nhất gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Fliggy của Trung Quốc cho thấy, quy mô du lịch nội địa trong ngày đầu tiên của dịp Tuần lễ vàng năm nay (29/9) đã vượt xa so với cùng kỳ năm 2019. Vé máy bay và khách sạn đều tăng 2 con số trở lên so với năm 2019.

Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc cũng cho biết, ngành đường sắt nước này đã vận chuyển 20,098 triệu lượt hành khách vào ngày 29/9, lần đầu tiên trong lịch sử vượt 20 triệu lượt người trong một ngày. Ngày 30/9, lượng vận chuyển ước tính cũng đạt khoảng 17,6 triệu hành khách.

Theo nền tảng du lịch Fliggy của Alibaba, đơn đặt hàng cho các chuyến đi tăng 600% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày, gần 100 buổi hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật sẽ diễn ra tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Phật Sơn và các thành phố lớn khác nhằm thúc đẩy du lịch nội địa. Fliggy cho biết lượng đặt phòng khách sạn tại các thành phố lớn trong kỳ nghỉ lễ tăng 500% so với năm ngoái.

Li Yu, 25 tuổi, một người mê nhạc rock, đã mua vé trước một tháng để dự lễ hội âm nhạc được tổ chức tại thị trấn Cảnh Đức (Giang Tây). "Đây là lần đầu tiên tôi đến Giang Tây", cô nói. Ngoài việc tham dự lễ hội âm nhạc địa phương, cô có kế hoạch đến thăm hội chợ nghệ thuật gốm sứ và bảo tàng gốm sứ Cảnh Đức.

Hai ngày trước kỳ nghỉ, Zhang Yuji, làm việc ở Thượng Hải, đã đến thành phố ven biển Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc cùng bạn. Ngay khi đến đó, Zhang đã đi thẳng tới thị trấn Cangma, một trong những điểm quay bộ phim đình đám Phong thần 1: Tam bộ khúc (Creation of The Gods I: Kingdom of Storms).

Ước tính lượng khách du lịch đến thị trấn đạt 100.000 người trong kỳ nghỉ lễ. Theo báo cáo do Viện nghiên cứu Ctrip, lượng đặt chỗ đến Thanh Đảo tăng 473% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự bùng nổ của du lịch nội địa trong "Tuần lễ vàng" là cơ hội để kinh tế Trung Quốc phục hồi. Tại Diên Cát, thành phố nhỏ ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, Li Xiangying, người điều hành một quán cà phê gần Đại học Yanbian, cho biết bán được khoảng 1.000 cốc cà phê với doanh thu 20.000 nhân dân tệ (tương đương 65 triệu đồng) một ngày. Dự đoán lượng khách hàng tăng lên đáng kể, quán ban đầu có 6 nhân viên này đã tuyển thêm hai người trước kỳ nghỉ.

Pan Weiwen, chủ sở hữu Songji, nhà hàng lẩu nổi tiếng ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, cho biết gần đây nhà hàng nhận được rất nhiều cuộc gọi đặt chỗ. Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, khách đến ăn trưa từ 10h. "Nhiều người mang cả hành lý đến bởi 80% thực khách buổi trưa là những người từ nơi khác tới. Họ vừa xuống xe khách, tàu hoặc máy bay", theo Pan. Tại một chi nhánh của nhà hàng ở Quảng Châu, một số khách hàng phải chờ đến 13h vì không có chỗ ngồi.

"Có cả trăm nhóm khách (mỗi nhóm 3-4 người) tới ăn trưa. Một trong những chi nhánh của chúng tôi đã phục vụ hơn 1.200 bàn trong ngày thứ sáu", Zhang Jianwei, một quản lý, cho biết.

Viện Du lịch Trung Quốc, cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa - Du lịch, ước tính sẽ có hơn 100 triệu chuyến đi mỗi ngày trong Tuần lễ vàng. Ngoài ra, theo ứng dụng Umetrip, số lượng chuyến bay hằng ngày dự kiến cao hơn 20% so với dịp lễ năm 2019.

Theo Reuters, diễn biến trên có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nước nhưng khiến các công ty lữ hành không khỏi thất vọng bởi họ kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường du lịch nước ngoài thời hậu đại dịch COVID-19. 

Trước đó, dịp lễ này thường chứng kiến nhiều người trung lưu Trung Quốc đi chơi nước ngoài bên cạnh hàng triệu người chọn về quê.

Theo ông Boon Sian Chai, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch thị trường quốc tế của Trip.com (nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc), dữ liệu cho thấy du lịch nội địa đang hồi phục nhưng thị trường du lịch nước ngoài hiện chỉ bằng 60% so với trước đại dịch. 

Chi phí được xem là nguyên nhân chính bởi giá vé trung bình của chuyến bay Trung Quốc ra nước ngoài cao hơn 30% so với trước đại dịch, một phần do các hãng hàng không chưa nối lại lịch bay hoàn toàn

Sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc vẫn còn mong manh giữa lúc thị trường việc làm suy yếu và thu nhập thấp đang ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. 

Thu Hà (t/h)