Từ phong cách, trang phục, thần thái đến cả ngôn ngữ biểu cảm của nghệ sĩ không có một khe dù là nhỏ nhất để người đàn ông U60 hiện diện. Tôi đã có một buổi trò chuyện rất thú vị với nghệ sĩ.

PV: Chào anh, sự thành công rất sớm và lâu bền của anh ở những chương trình như “Tuổi thần tiên”, liveshow “Con cò bé bé”, gameshow “Chuyện nhỏ”,… Dường như format về đề tài thiếu nhi là một trong những chương trình đóng sống cho sự thành công của anh trên con đường nghệ thuật. Đến nay khi ở tuổi 60, anh vẫn có một sức hút mãnh liệt với lứa tuổi thần tiên. Bằng sự đồng điệu, cảm xúc như thế nào để anh yêu trẻ em đến mức hóa thân như vậy?

Nghệ sĩ Thanh Bạch: Qua những chương trình làm với trẻ em, nên tôi luôn nhìn cuộc đời, nhìn vạn vật bằng cái nhìn rất đơn giản, nhẹ bỗng bay bổng đầy thăng hoa. Tôi nghĩ rằng, người lớn nhìn thấy nhiều điều nên học từ trẻ em. Thực tế, sự sáng tạo của đứa trẻ lớn hơn nhiều lần so với suy nghĩ của người lớn. Chỉ cần mình ra ý tưởng là con trẻ sẽ tưởng tượng được ngay tức khắc và chúng thể hiện rất tốt bằng tài năng khiến chúng ta bất ngờ.

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ không bắt ép con theo học cái mình không muốn, thích vẽ cứ vẽ, thích ca cứ ca, thích đàn cứ đàn. Sau đó, tôi theo học tại Liên Xô. Bên đó, người ta xây dựng nghệ sĩ trên cơ sở thế mạnh của người nghệ sĩ đó và phát huy thêm tiềm năng ở những lĩnh vực khác. Phương pháp sư phạm của họ là làm bật ra những cá tính, tố chất ẩn sâu trong con người của sinh viên mà bản thân cũng chưa hề biết. Họ giáo dục theo đủ cách, từ kỷ luật, kỹ thuật cho đến nghệ thuật. Rốt cục nếu mình thấy mình là con nhộng thì mình chỉ đẹp theo kiểu con nhộng. Nhưng khi tốt nghiệp thì trong vòng ba năm sau, tôi đã lột xác thành một con bướm tung bay trên bầu trời nghệ thuật. Tôi được trang bị tất cả các bộ môn nghệ thuật cơ bản, từ đàn ca đến múa, xiếc nghệ thuật, khiếu hài hước. Khi tôi ra nghề chỉ cần bước chân ra sân khấu, tôi có thể làm đa dạng từ chú hề xiếc, đến nói chuyện khiến khán giả cười. Đó là nền giáo dục mà tôi đã được thụ hưởng. Nghệ thuật có tác dụng làm lành mạnh hóa tâm hồn, khi ai yêu nghệ thuật, người đó sẽ yêu đời hơn, đẹp đẽ hơn, dễ thương hơn.

Format về đề tài thiếu nhi là một trong những chương trình
Format về đề tài thiếu nhi là một trong những chương trình "đóng sống" cho sự thành công của anh.

PV: Tôi rất thích “bé Bạch” trong con người nghệ sĩ Thanh Bạch. Tôi yêu những kỹ thuật sân khấu của anh từ xoay hông, lắc vai, những biểu cảm trên khuôn mặt kết hợp với ngôn ngữ hình thể. Qua “bé Bạch”, những nhân vật hình tượng của tuổi thần tiên như Tom&Jerry, Tinkerbell, Harry Potter,… đã được tái hiện vô cùng cuốn hút. Điều này đã tạo ra sức hút ma lực của “bé Bạch”. Vậy cảm nhận của tôi có giống với những trải nhiệm của “bé Bạch” trong thực tế hay không?

Nghệ sĩ Thanh Bạch: Cảm xúc của bạn cũng giống như rất nhiều người khác. Bây giờ tôi luôn có những hạnh phúc bất ngờ ở bất kỳ nơi nào, các cô cậu thanh niên 20, 30 tuổi gặp tôi đều nắm tay tôi và nói: “Chú Bạch chính là tuổi thơ của con”. Chỉ cần một câu thế thôi mình được nguyên một quá trình hình thành tuổi thơ của các bé. Khi tôi hỏi các thanh niên và biết rằng chúng đã là những kỹ sư, bác sĩ, nhà quản lý,… gặp lại thần tượng rất thích hồi nhỏ của chúng và bày tỏ cảm xúc. Điều này làm tôi rất bồi hồi.

Không có tiền bạc nào có thể mua được niềm vui đơn giản khi nghe những câu nói như thế. Cũng giống như tôi ngày xưa thần tượng những nghệ sĩ trên TV, trên poster, đến lúc mình vào nghề được gặp cả chị Ngọc Giàu, cô Phượng Nhi, cô Phương Dung, cô Giao Linh,… Tất cả họ đều là tuổi thơ của mình. Mà những người nghệ sĩ đó cứ hát cho đời nhưng họ đâu có biết mình là ai. Còn đây với tôi, khi những thanh thiếu niên gặp tôi mà vui đến nỗi bật ra những lời không có ngại. Điều đó giống như cảm xúc tràn đầy, nhiều khi mình cũng không biết. Lúc đó bỗng dưng mình nhìn người lạ hoắc lại hóa trở nên quen thuộc thân thương trong tích tắc.

Những kỹ thuật sân khấu làm nên sức hấp dẫn của nghệ sĩ Thanh Bạch.
Những kỹ thuật sân khấu làm nên sức hấp dẫn của nghệ sĩ Thanh Bạch..

PV: Vậy trong gia đình, anh làm bạn với cháu nội như thế nào?

Nghệ sĩ Thanh Bạch: Hiện tại, tôi và cháu đang mỗi người ở một quận không gần với nhau. Tôi làm nguyên một câu chuyện mỗi khi cháu gọi điện thoại FaceTime. Tôi nói rằng bây giờ con cưỡi ngựa đi, khi cưỡi ngựa được một lúc nó đói bụng rồi thì lấy cỏ cho ngựa ăn rồi cho ngựa uống nước, rồi xem con ngựa đã khỏe chưa thì con hãy lên cưỡi tiếp nhưng con hãy cho một bé nữa đi cùng để thêm vui. Tức là nguyên một câu chuyện đó mình vẽ ra kịch bản cho nó chơi. Rồi khi nó gặp con ngựa thật, khi nó gặp tình huống thật thì đứa trẻ sẽ tìm hiểu và kể lại được: “Ủa tại sao con ngựa nó không nghe lời nè, con ngựa hư không chịu ăn cỏ nè, con cưỡi nó không chịu đi nè. Bây giờ nó sẽ bị ốm, bị bệnh thôi. Vậy bây giờ phải làm sao?”. Tức là tư duy liên tục, dạy mà chơi, học mà chơi, cứ như thế đứa trẻ đó đâu thấy nặng nề việc học mà chỉ thấy vui thôi. Tôi thay đổi các thể loại liên tục. Rồi sau đó tôi dạy cháu về những con cá Koi. Con cá Koi có những màu gì, cháu rất thích. Mỗi ngày tôi đều dạy lại những bài học bổ ích cho cháu dù là ở bất cứ đâu, bằng những câu chuyện và năng lượng của mình nhằm khơi gợi lại sự tưởng tượng của cháu, giúp bé sau này có thể trở thành người yêu nghệ thuật hoặc dù có làm ở bất cứ lĩnh vực nào thì đời sống tinh thần cũng rất phong phú. Mỗi lần nó muốn nhảy điệu gì, nó điện cho ông nội, tôi đều khuyến khích bé hãy nhảy đi, hãy xoay đi, hay lắc lư theo điệu nhạc mà con muốn đi, và khi thế cháu sẽ rất sáng tạo. Mỗi khi cháu gặp ông nội, cháu vui, cháu thăng hoa cứ như được gặp lấy thiên thần. Còn tôi cảm nhận như mình thực sự là bạn của cháu.

PV: Trong một quá trình dài tiếp xúc với lứa tuổi thần tiên, đồng nghĩa với việc anh đã thâm nhập rất sâu vào môi trường giáo dục. Vậy anh mong muốn điều gì cho việc giáo dục trẻ ngày nay?

Nghệ sĩ Thanh Bạch: Xã hội chúng ta cần những năng lượng mới, nhất là thế hệ trẻ, để khuyến khích, động viên. Các nhà lãnh đạo đất nước cần đưa ra những hình thức nghệ thuật mới và muốn mang tới lợi ích cho xã hội thì điều đó cần phải có một chiến lược quốc gia. Tôi thích con người cá biệt, thậm chí là những học sinh cá biệt, trong nó là những tố chất của tài năng. Những gì bất bình thường không giống người khác, là bởi trong bản thân đứa trẻ đã chứa đựng tài năng vượt tầm. Tôi nghĩ gia đình, nhà trường và xã hội cần tôn trọng cái tôi vốn có của các con, hãy để cho con em chúng ta hạnh phúc ngay trong sở thích, tố chất của các con. Người nghệ sĩ như tôi chỉ đóng góp một phần nào khơi dậy, cổ vũ để phát triển tài năng của con trẻ thông qua các chương trình nghệ thuật thiếu nhi. Các con sẽ là nguồn lực, nguyên khí của quốc gia sau này. Nhân tài cần được chăm sóc từ trong trứng nước. Khi các con là thiên tài thì cả thế giới được hưởng lợi, chứ không chỉ gia đình. Đầu tư cho các con nhiều hơn nữa kể cả về thể chất lẫn tinh thần là mong muốn của tôi và tôi vẫn sẽ tiếp tục viết nữa, viết mãi ước mơ tuổi thơ cho đến khi tôi còn làm việc.

PV: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!

Hữu Phước (thực hiện)