Nghệ An sẽ xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

00:00 12/10/2020

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã khẳng định như trên khi phát biểu tại Hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030". Hội thảo đã thu hút nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tham dự…

Từ những đề xuất mang tính chiến lược…

Tham dự Hội thảo này, các chuyên gia đã trình bày 10 tham luận mang tính phân tích khoa học từ lý luận đến thực tiễn trong việc định hướng lựa chọn các cây, con chủ lực cho tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời đề xuất những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Toàn cảnh hội nghị

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương đề xuất: "Nghệ An cần lựa chọn 7 sản phẩm chủ lực: Cây ăn quả (dứa, cam, quýt), chè, cây dược liệu, bò sữa, thủy sản, nước mắm Vạn Phần, các sản phẩm chế biến từ gỗ".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: “Tỉnh sẽ xây dựng cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp”.

“Nghệ An cần rà soát quy hoạch quỹ đất lâu dài cho từng cây, con, từng sản phẩm chính và mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, diện tích đất đồi núi dốc để trồng cây nguyên liệu đã xác định. Đặc biệt, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu và tổ chức tốt thị trường trong, ngoài nước” – ông Trung kiến nghị.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ NN& PTNT, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam nhất trí đưa cây lấy gỗ, cây dược liệu vào cây trồng chủ lực. Đối với chăn nuôi, cần chọn trâu, bò thịt và bò sữa. Bên cạnh đó còn có lợn, gia cầm, thủy sản...

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

"Để tạo nền tảng, Nghệ An đã đi trước về khâu giống và công nghệ, có sự dẫn dắt của các doanh nghiệp. Vì vậy, Nghệ An hiện cần tiếp tục xây dựng và thực hiện các chính sách thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời,  cần rà soát lại chính sách tổ chức tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, không chỉ ở khâu chế biến, bảo quản mà ngay cả khâu xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá sản phẩm" - ông Hùng nhấn mạnh.

Kỹ sư Doãn Trí Tuệ (Hội Giống cây trồng Nghệ An) đề xuất: “Giai đoạn tới Nghệ An chỉ nên lựa chọn và giữ lại 7 cây, 4 con chủ lực. Về cây gồm lúa, ngô, lạc, mía, chè công nghiệp, cam và cây dược liệu. Về con, tập trung đầu tư phát triển trâu, bò (bao gồm cả bò sữa), lợn, gia cầm”.

Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An cho rằng: Tiêu chí lựa chọn tập trung ưu tiên 2 vấn đề: Lợi thế so sánh và cơ hội thị trường. Mỗi sản phẩm cần xác định rõ thị trường chiến lược để có giải pháp xúc tiến thương mại, chiến lược sản phẩm phù hợp. Ngành nông nghiệp cần phân tích chuỗi giá trị từng đối tượng sản phẩm để từ đó tham mưu xây dựng chiến lược tác động khoa học, kỹ thuật hay chính sách hỗ trợ… nhằm tập trung ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực và hỗ trợ các doanh nghiệp nòng cốt đầu tư vào một số khâu của sản xuất sản phẩm chủ lực.

Ngành nông nghiệp Nghệ An đề xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030 với 11 sản phẩm, nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm cây lương thực (lúa, ngô); nhóm cây rau, củ, quả và cây dược liệu; nhóm cây nguyên liệu cho nhà máy chế biến (mía, chè); nhóm cây ăn quả (cam, quýt, chuối, bưởi, dứa); nhóm cây nguyên liệu gỗ; thịt trâu; nhóm thịt bò và bò sữa; lợn, gia cầm; tôm nuôi; cá nước ngọt. 

…Đến xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp

Được biết, bên cạnh những kết quả đạt được, trong việc phát triển các sản phẩm cây, con chủ lực của tỉnh Nghệ An còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết được những tiềm năng, lợi thế về đất đai, cây trồng, vật nuôi và sức lao động hiện có. Dự kiến 10/21 chỉ tiêu của Đề án không đạt hoặc khó đạt mục tiêu đề ra. Chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tạo đột phá từ khâu sản xuất đến chế biến, đặc biệt là chế biến sâu trong lĩnh vực nông nghiệp. Chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây, con chủ lực tuy đã có nhưng chưa nhiều, chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An vẫn đang tiêu thụ dạng thô, thị trường thiếu ổn định, nên hiệu quả sản xuất còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao…

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận đã phân tích, đánh giá kết quả đạt được trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn qua. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong phát triển của ngành NN&PTNT. Đồng thời, các tham luận đã phân tích về tiềm năng, lợi thế và đánh giá thách thức, khó khăn để chỉ ra cơ sở lý luận và thực tiễn, mục tiêu, yêu cầu và tư vấn góp ý, khuyến nghị cho tỉnh Nghệ An trong lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp cây, con chủ lực, nhằm tập trung ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: “Nhằm phát triển ngành NN&PTNT của tỉnh theo hướng an toàn, ổn định và bền vững, Lãnh đạo tỉnh xin tiếp thu các ý kiến tư vấn, tham vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nhân. Hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Nghệ An. Hội thảo đã đưa ra các giải pháp, định hướng và cơ hội phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (để xác định các cây, con chủ lực) của tỉnh Nghệ An. Qua đó, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân”. 

“Để xác định được các cây, con chủ lực cần phải xây dựng bộ tiêu chí trong việc lựa chọn các sản phẩm chủ lực. Cây, con chủ lực phải là sản phẩm có tỷ trọng lớn và là động lực thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp. Trong phát triển các sản phẩm chủ lực cần phải xây dựng chuỗi sản phẩm gắn với chuỗi cung ứng và gắn với các doanh nghiệp. Trong đó phải coi doanh nghiệp là động lực để phát triển, đồng thời phải áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất” – ông Trung nhấn mạnh.

Với mục tiêu đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Tỉnh sẽ làm tốt công tác xây dựng các quy hoạch chung của tỉnh, của các vùng, các địa phương. Bên cạnh đó, tập trung cho công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, xây dựng các cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… Đối với lĩnh vực đầu tư, tỉnh sẽ rà soát lại nguồn ngân sách, từ đó tạo cơ chế hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các cây, con chủ lực. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp, để hoàn thiện và tham mưu cho tỉnh xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển cây, con chủ lực giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.    

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi và môi trường thông thoáng để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: Công ty CP sữa TH; Công ty CP sữa Vinamilk; Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch Quốc tế...

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giai đoạn 2014-2019 đạt 4,8%. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, sản lượng lương thực cây có hạt trên 1,2 triệu tấn, hoàn thành mục tiêu đề án đề ra. Đến nay, thu nhập bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 85 triệu đồng/năm. Nhiều diện tích sản xuất cây, con chủ lực đạt doanh thu 300 - 500 triệu đồng/năm. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: Vùng nguyên liệu chè; vùng mía nguyên liệu; vùng thủy sản; vùng chăn nuôi bò sữa tập trung; vùng sản suất rau, củ, quả,…

Trong đó, nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, chiếm được vị thế quan trọng trên thị trường.

 Văn Cương