Ngành nông nghiệp còn 17.956 tỷ đồng vốn trung hạn chưa giải ngân

00:00 12/10/2020

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đạt được mục tiêu đề ra.

Hôm nay (19/8) tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư.

nganh nong nghiep con 17.956 ty dong von trung han chua giai ngan hinh 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đạt được mục tiêu đề ra.(Ảnh: VGP)

Giai đoạn 2016-2020 Bộ NN-PTNT được phân bổ trên 70.000 tỉ đồng, và đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các dự án hơn 69.900 tỉ đồng, đã bao gồm 10% dự phòng, với tổng số dự án được giao là 288 dự án.

Tính lũy kế đến 31/7 năm nay, tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách do Thủ tướng giao đạt 79%, vốn trái phiếu Chính phủ giao đạt 65%, vốn ODA đạt 88% theo đó lũy kế giải ngân vốn trung hạn 2016-2020 đến nay đạt 74,3% kế hoạch giao. Mặc dù vậy, số vốn còn lại 17.956 tỷ đồng (chiếm 25,7%) vốn trung hạn chưa giải ngân, trong đó gồm 10.047,4 tỷ đồng sẽ được giải ngân trong 5 tháng cuối năm nay và 7.908,6 tỷ đồng sẽ giao vốn và giải ngân trong năm 2021.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công có chiều hướng chuyển biến tích cực hơn các năm trước là nhờ Bộ đã linh hoạt rà soát, nhận diện rõ từng nhóm vấn đề và đi sâu vào từng dự án cụ thể để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công trình và giải ngân vốn.

Đặc biệt, Bộ coi trọng việc kiểm tra đánh giá đầu tư công của Bộ không chỉ là đôn đốc tiến độ mà còn có nhiều ý nghĩa, trước hết trong ngắn hạn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay và quan trọng nhất qua đây hoàn thiện các thiết chế cho giai đoạn tiếp theo.

“Đây là thời điểm đầu tiên chúng ta chuyển hình thức đầu tư từ việc năm nào biết năm đó sang chương trình đầu tư tiếp cận theo hướng bền vững là đầu tư trung hạn giai đoạn trên cơ sở căn cứ nguồn lực quốc gia, sàn nợ công, bố trí cơ cấu thế nào và hoàn thiện thiết chế kinh tế đảm bảo phát triển bền vững có chủ đích và có kiểm soát”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

Gợi ý tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, giai đoạn 2021-2025 ngành nông nghiệp sẽ có nhiều nhiệm vụ đặc biệt quan trọng có nhu cầu sử dụng vốn đầu tư rất lớn như: phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững và nhiều nhiệm vụ khác về thủy lợi, bảo vệ dự trữ nguồn nước ngọt, đầu tư nâng cấp hồ đập, gia cố bảo vệ đê điều, hệ thống hạ tầng thủy sản.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời phối hợp cùng với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn các khâu trong thủ tục đầu tư, thực hiện đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng./.