Ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện lớn nhất Việt Nam

09:27 07/12/2022

11 tháng 2022, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2021. Với kết quả trên, nhóm hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 11 tháng năm 2022.

Công nghiệp điện tử chính là mặt hàng xuất khẩu mạnh ra thị trường nước ngoài trong những năm gần đây của Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn bất ổn định về chính trị thế giới cũng như dịch bệnh Covid-19 phức tạp thì Việt Nam chính là sự lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp nước ngoài. 

Ảnh: Dây chuyền sản xuất điện thoại
Ảnh: Dây chuyền sản xuất điện thoại.

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ mới đây đã đưa ra nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á. Theo CSIS, các chính sách của Việt Nam đang định vị để đưa quốc gia này trở thành một trung tâm khu vực về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn...

Theo quy hoạch công nghiệp điện tử của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng của ngành trong giai đoạn này là 23,8%/năm; tầm nhìn đến năm 2030 đạt 19-21%/năm...

Theo quy hoạch trên, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành điện tử Việt Nam tập trung phát triển linh kiện điện – điện tử cơ bản, các loại bản mạch in điện tử, mạch vi điện tử cho điện thoại di động, thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị văn phòng, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp ôtô (thiết bị điện, chiếu sáng, điều khiển...).

Trong giai đoạn năm 2020 – 2025 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế...

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện... Tại Việt Nam, hiện đã có mặt hầu hết các tên tuổi lớn hàng đầu thế giới về điện tử và công nghệ như: Samsung, Intel, LG, Foxconn, Canon, Panasonic, Electronics, Nokia, Meiko, Apple, Microsoft, Qualcomm…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện chỉ đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong suốt giai đoạn 2011 đến 2021, nhóm hàng điện thoại và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng cao. Bình quân cả giai đoạn 2011-2021 tăng 34%.

Trong thời gian 4 năm từ 2010 đến 2013, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện tăng 9,2 lần, đưa nhóm hàng này chính thức trở thành nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất và duy trì vị trí này liên tục từ 2013 đến nay. Năm 2013, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 21,3 tỷ USD, chính thức vượt qua mặt hàng dệt may (giá trị xuất khẩu đạt 17,9 tỷ USD) để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đến năm 2021, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 nhưng nhóm hàng này vẫn đạt tốc độ tăng cao và ổn định vững chắc, giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 57,5 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

11 tháng năm 2022 số liệu theo Tổng cục Thống kê, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2021. Với kết quả trên, nhóm hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 11 tháng năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu hàng điện thoại và linh kiện của các thị trường chủ yếu đều đạt tốc độ tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 10,8%. 

Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch VAFIE, đối với lĩnh vực công nghiệp điện tử, khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất xuất khẩu (hầu hết ở mức 0%) khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường của nước tham gia ký kết FTA với Việt Nam, đặc biệt là thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN... Với các linh kiện, bộ phận mua của các nước tham gia FTA với Việt Nam cũng được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, và xem là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam khi xác định nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu.

Có thể thấy, ngành điện tử và linh kiện ở Việt Nam dù mới hình thành nhưng tăng trưởng rất mạnh mẽ. Việt Nam đã vươn lên nhóm các nước xuất khẩu hàng điện tử chủ chốt, từ mức thứ 47 trong năm 2001 lên vị trí thứ 11 trong năm 2020. Việc các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng các dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử và thu hút thêm các nhà đầu tư mới cho thị trường nước nhà trong những năm năm tới.

D.A (Tổng hợp)