Nga rút khỏi Hội đồng châu Âu

10:23 16/03/2022

Nga tuyên bố rời Hội đồng châu Âu trước khi cơ quan giám sát nhân quyền hàng đầu của châu Âu công bố lệnh trục xuất Nga theo dự kiến.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu trước Hội đồng châu Âu qua video trong phiên họp bất thường tại Strasbourg, Pháp, ngày 14/3. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu trước Hội đồng châu Âu qua video trong phiên họp bất thường tại Strasbourg, Pháp, ngày 14/3. Ảnh: Reuters.

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) Pyotr Tolstoy ngày 15/3 cho biết,  Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã chuyển một bức thư tới Tổng thư ký của Hội đồng châu Âu về việc rút khỏi tổ chức này.

Lá thư nêu rõ: “Mọi trách nhiệm về việc cắt đứt đối thoại với Hội đồng châu Âu thuộc về các nước NATO, những nước mà suốt thời gian qua luôn sử dụng chủ đề nhân quyền để thực hiện các lợi ích địa chính trị của họ và phục vụ cho các cuộc tấn công vào đất nước của chúng tôi”. Theo ông Lavrov, do các lệnh trừng phạt và áp lực chính trị chưa từng có mà châu Âu áp đặt đối với Nga, Nga sẽ không trả phí thường niên cho Hội đồng châu Âu.

Nhấn mạnh Nga đang rời khỏi tổ chức dựa trên “ý muốn tự do của riêng mình”, ông Tolstoy giải thích rằng "quyết định cân bằng và thấu đáo” này được đưa ra trong bối cảnh Hội đồng nghị viện Ủy hội châu Âu (PACE) đang thảo luận các biện pháp trừng phạt Nga mà ông cho là có thể dẫn đến một nghị quyết chống Nga dựa trên những quy tắc không liên quan đến tình hình thực tế”.

Nga công bố ý định rời khỏi Hội đồng châu Âu vào ngày 10/ 3, sau khi tổ chức này tạm đình chỉ tư cách thành viên của Nga liên quan đến chiến dịch quân sự mà nước này phát động tại Ukraine.

Công ước châu Âu về nhân quyền sẽ không còn áp dụng với Nga, còn người Nga sẽ không thể khiếu nại chính phủ lên Tòa án Nhân quyền châu Âu nữa.

Hội đồng châu Âu thành lập năm 1949. Nga gia nhập năm 1996 và là quốc gia thứ hai rời khỏi cơ quan này. Hy Lạp từng làm điều tương tự năm 1969 để tránh bị trục xuất sau khi một nhóm sĩ quan quân đội giành chính quyền trong cuộc đảo chính. Hy Lạp gia nhập lại sau khi khôi phục nền dân chủ sau 5 năm.

PV(t/h)