Muốn huy động 180.000 tỉ đồng trong dân phải có một cơ chế đảm bảo để người dân an tâm tin tưởng

21:55 24/11/2021

Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ muốn huy động 180.000 tỉ đồng trong dân phải có một cơ chế đảm bảo có lợi để người dân an tâm tin tưởng.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - cho rằng, lúc này huy động nguồn lực trong nước bằng cả tiền đồng và ngoại tệ là giải pháp tối ưu. Việc phát hành trái phiếu trong nước giúp chúng ta ở thế chủ động trong hoàn trả vốn gốc và tiền lãi.

Vị này cho hay, nếu vay quốc tế tạo nên nghĩa vụ trả lãi và gốc bằng ngoại tệ trong dài hạn, gây áp lực lên tài chính quốc gia. Hơn nữa, một phần nợ công hiện cũng đã gồm đi vay nước ngoài. Trong khi đó, nếu phát hành trái phiếu cho thị trường trong nước, chúng ta có thể trả lãi và gốc bằng tiền đồng. 

  Ảnh minh họa.

“Kể cả với trái phiếu bằng ngoại tệ, nếu trả lãi và gốc bằng USD cho người dân, nguồn ngoại tệ đó vẫn có thể quay lại hệ thống ngân hàng, tức lưu thông trong nền tài chính quốc gia”, ông Tú nói.

Có thể thấy, tiền, ngoại tệ, vàng, tài sản có giá trị trong dân rất lớn tuy nhiên các chuyên gia tài chính cho rằng, người Việt Nam từ xưa nay vốn có tính tiết kiệm, đồng tiền đi liền khúc ruột nên họ rất xem trọng chuyện tích trữ phòng cơ khi rủi ro và có việc quan trọng. Từ đó, Chính phủ muốn huy động từ nguồn này phải có một cơ chế đảm bảo có lợi để người dân an tâm tin tưởng.

trao đổi với Lao Động, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, rất ủng hộ chuyện tăng vay nợ trong nước, đây là quyết sách đúng. Nhiều năm nay, từ Bộ Tài chính đến các ý kiến của chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra và quán triệt ý này. Theo đó, hạn chế tối đa vay nợ nước ngoài, trừ trường hợp trong nước không vay được.

Tuy nhiên, để làm được điều này ông Thịnh cho rằng, cần phải lưu ý mấy điểm: Thứ nhất, lãi suất huy động hiện nay đang thấp, nếu như xem xét khả năng có thể huy động được thì rõ ràng lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ không cao, nằm trong mức chấp nhận được. Bởi vì chúng ta đang hạ thấp lãi suất này từ mức rất cao của những năm trước đây xuống mức thấp trong thời gian gần đây. Vì vậy, huy động ở thời điểm mức lãi suất thấp là hợp lý.

Thứ hai, hiện nay tính thanh khoản của ngân hàng rất lớn, các doanh nghiệp đủ điều kiện vay từ ngân hàng thì không nhiều. Vì thế vốn của các ngân hàng sẵn sàng bỏ vào các quỹ đầu tư, nếu huy động thì hoàn toàn các quỹ đầu tư cũng như là các ngân hàng có thể đấu thầu, tham gia đấu thầu mạnh mẽ để phát hành thắng lợi.

Ngoài ra, ông Thịnh nói, lãi suất trái phiếu khi nào cũng lớn hơn lãi suất ngân hàng thương mại nhưng nhỏ hơn mức lãi suất cho vay.

Để huy động được tiền từ người dân, nếu có nhu cầu về vốn thì các ngân hàng chỉ cần nâng lãi suất lên một chút thì lượng tiền gửi tiết kiệm đổ vào ngân hàng sẽ nhiều hơn. Điều này cũng làm cho tính thanh khoản của ngân hàng vẫn đảm bảo trong khi đó cũng phù hợp chung khi dần nâng lãi suất.

Điều tiếp theo đó là việc rút bớt các tiền tệ trong lưu thông cũng là một trong điều quan trọng khi có một lượng vốn tương đối lớn kể cả về chính sách tài khóa lẫn chính sách tiền tệ bơm ra để hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

A.H