Mối đe dọa của biến thể Omicron có thể trở thành "cú hích" tiêm chủng tại châu Âu

09:40 01/12/2021

Đầu tháng này, Áo đã thực hiện một bước đi khó có thể tưởng tượng được đối với một nền dân chủ phương Tây: Nước này thông báo tiêm chủng Covid-19 bắt buộc đối với toàn dân. Trước đó, các chính phủ trên khắp thế giới dường như không mấy mặn mà với ý tưởng về việc bắt buộc sử dụng vắc xin trên toàn cầu, thay vào đó lựa chọn các biện pháp khuyến khích tiêm chủng.

Một khu chợ Giáng sinh tại Áo đã bị đóng cửa vào ngày thứ hai
Một khu chợ Giáng sinh tại Áo đã bị đóng cửa vào ngày thứ Hai. (Ảnh: CNN)

Động thái của Áo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nước này áp đặt lệnh cấm đối với những người chưa được tiêm chủng nhằm ổn định số ca nhiễm. Hàng loạt quyết định của Áo tính đến thời điểm này phản ánh sự tuyệt vọng của các chính phủ khi tìm cách bảo vệ hệ thống y tế công cộng và phục hồi kinh tế trong bối cảnh số người mặc bệnh chỉ tăng chứ không giảm tại châu Âu. Châu lục này một lần nữa trở thành điểm nóng đại dịch toàn cầu, bất chấp lượng vắc xin sẵn có. 

Chính điều trớ trêu đó đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phẫn nộ trước bộ phận người dân vẫn hoài nghi vắc xin và chống lại các chương trình tiêm chủng. Biện pháp mới cứng rắn của Áp được công bố trước khi phát hiện biến thể Omicron, làm dấy lên lo ngại đợt Covid-19 trong mùa Đông năm nay không có triển vọng lạc quan. Tin tức về biến thể mới có thể thúc đẩy nhiều quốc gia tăng cường tiếp cận tiêm chủng, chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc trong những nỗ lực cuối cùng. Thủ tướng Áo, Alexander Schallenberg giải thích trên CNN về quyết định bắt buộc tiêm chủng: "Chúng ta đã có đủ vắc xin. Khoa học đã cho ta khả năng để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của làn sóng Covid. Tuy nhiên, vẫn không có nhiều người tận dụng khả năng này để chấm dứt đại dịch. Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn mắc kẹt". Thời gian tới đây, những người không tuân thủ quy tắc sẽ phải đối mặt với một khoản phạt hành chính, mức độ nặng nhẹ chưa được thông báo cụ thể. Ông Schallenberg nhấn mạnh: "Đó là một biện pháp quyết liệt. Chúng ta có vắc xin, có chiến dịch quốc gia, có phương tiện truyền thông giải thích nhưng vẫn còn đó sự bất an vì những tin tức giả mạo... Chúng tôi cần phải thực hiện bước đi này". 

Các quốc gia khác cũng đã bắt đầu xem xét các biện pháp tương tự để thuyết phục nhiều người đi tiêm phòng hơn. Chủ nhật vừa qua, vài ngày sau khi các nhà khoa học tại Nam Phi lần đầu tiên báo cáo sự xuất hiện của biến thể Omicron, Tổng thống Cyril Ramaphosa thông báo rằng, các nhà chức trách đang xem xét liệu có nên bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 và các liều nhắc lại cho công dân cũng như cho phép tụ tập tại các không gian công cộng. Kenya là một trong những quốc gia châu Phi đầu tiên áp đặt hạn chế đối với người chưa tiêm chủng. 

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ lòng tin rằng vắc xin sẽ mang đến lớp bảo vệ ở một mức độ nào đó. Ông cho hay: "Tiêm phòng sẽ là giải pháp, cho dù đó là biến thể Delta hay biến thể Omicron". Câu hỏi về việc có nên bắt buộc tiêm chủng hay cân nhắc rủi ro đối với quyền tự do dân chủ trước mối đe dọa của đại dịch đã không ít lần gây tranh cãi. Hiện tỷ lệ tiêm chủng ở Áo tăng vọt kể từ đầu tháng 11 khi chính phủ ban hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với người lao động. Theo thống kê của Our World in Data, trong bốn tuần, tỷ lệ tiêm chủng tăng 4 điểm phần trăm, nhiều hơn so với các thành viên khác của Liên minh Tây Âu trong cùng thời gian.

Peter Klimek, Phó Giáo sư tại Đại học Y Vienna kiêm cố vấn của Bộ Y tế Áo, cho biết, tình hình vẫn diễn ra tích cực, mặc dù phần lớn các mũi là tiêm nhắc lại. Theo ông Klimek: "Từ góc độ mô hình hóa, tăng lượng vắc xin chưa đủ để ngăn chặn hoàn toàn vi rút nhưng đó là một bước tiến quan trọng để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe".

Minh chứng cho quyết định của mình, Thủ tướng Schallenberg đã nêu bật những thành công của Ý và các quốc gia yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc phục hồi sau Covid để được tham gia hoạt động công cộng. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, Pháp và Ý đều đang bắt buộc tiêm phòng đối với nhân viên y tế. Pháp cũng là quốc gia đi đầu trong các nhiệm vụ phòng chống dịch tại châu Âu. 

Đầu năm nay, Israel đã trở thành hình mẫu để đánh bại Covid với việc sử dụng hộ chiếu vắc xin hay còn gọi là "Green Pass" nhưng nước này phải đối mặt với một đợt gia tăng nghiêm trọng do biến thể Delta gây ra vào mùa hè. Ở Trung Quốc, chính phủ ghi nhận mức độ tiêm phòng cao thông qua chính sách Zero-Covid đồng thời thực thi các biện pháp trừng phạt với người không tiêm phòng. Kể từ khi một số thành phố bao gồm cả Rio, bắt đầu áp dụng hộ chiếu vắc xin hồi mùa thu, từ một quốc gia bị tàn phá bởi Covid, giờ đây Brazil đã vượt Vương quốc Anh để trở thành một trong những nước được tiêm chủng nhiều nhất thế giới. 

Tiến sĩ Roberto Burioni, một nhà virus học hàng đầu người Ý tại Đại học San Raffaele ở Milan, cho biết các biện pháp nghiêm ngặt không chỉ thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 73% dân số mà còn tránh được những hạn chế quyết liệt ảnh hưởng kinh tế như cấm vận hiện được thực thi tại Áo. 

TL