Miền đất Thiên Y Ana “rừng trầm - biển yến” một thời chiến tranh, một thời hòa bình

15:47 14/04/2021

Khánh Hòa được giải phóng ngày 2/4/1975, trước giải phóng hoàn toàn miền Nam gần một tháng. Ngày đó đến giờ đã gần nửa thế kỷ và Khánh Hòa cũng như khắp mọi miền đất nước được tưng bừng sống trong không khí hòa bình, xây dựng.

Trận đánh cuối cùng

Sau chiến dịch Tây Nguyên, thế quân ta như chẻ tre. Ngày 22/3/1975 Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên giao cho Sư đoàn 10, theo Quốc lộ 21 (nay là QL 26) từ Đăk Lăk tiến xuống Nha Trang. Cản trở lớn nhất của Sư đoàn lúc này là phòng tuyến đèo Phượng Hoàng hiểm trở dài 15 km với sự có mặt của Lữ đoàn Dù số 3, lực lượng tổng dự bị chiến lược tinh nhuệ nhất của Quân đội Sài gòn, hầu như còn nguyên vẹn với 3 tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh, nhiều đơn vị độc lập và sự yểm trợ tối đa của không quân từ sân bay Nha Trang. Đây là phòng tuyến thép mà chúng vừa dựng lên hòng chặn đường tiến công của quân giải phóng từ Tây Nguyên về các tỉnh duyên hải miền Trung và hy vọng từ đây chúng sẽ hành quân ngược lên Tây Nguyên tái chiếm lại Ban Mê Thuột. Tuy nhiên chúng đã bị đánh tan tác ngay từ đầu.

Đèo Phượng Hoàng, con đèo kết nối giữa Ninh Hòa - Khánh Hòa với Khánh Dương - Đăk Lắk, nơi diễn ra trận đánh cuối cùng diễn ra từ ngày 28/3 đến 1/4/1975 và là trận đánh hay nhất ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sáng 28/3, pháo binh Chiến dịch, pháo binh của Sư đoàn, kể cả pháo ĐKZ của bộ binh nổ súng tấn công pháo binh Lữ Dù 3. Trận đấu pháo giữa ta và địch kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ. Quân ta phá hủy 12 khẩu pháo của Lữ Dù 3. Chiều 28/3, các đơn vị bộ binh được lệnh phong tỏa xuống đường, chia cắt, bao vây từng đơn vị địch. Đêm 28 rạng 29/3, trong lúc pháo binh ta bắn phá các trận địa pháo địch, trên toàn tuyến các đơn vị bộ binh của Sư đoàn 10 được lệnh nổ súng tấn công. Các trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Quân ta với khí thế chẻ tre lần lượt tiêu diệt hết trận địa này đến trận địa khác của địch. Sáng 31/3, địch điều Tiểu đoàn 72 biệt động quân cùng một chi đội xe thiết giáp từ Dục Mỹ đánh lên kết hợp với lực lượng Tiểu đoàn 2 Dù từ phía Nam đèo Phượng Hoàng đánh xuống nhằm phá vây. Chúng còn tập trung hỏa lực và huy động nhiều lượt chiếc máy bay từ Nha Trang ra ném bom vào trận địa Trung đoàn 24, kể cả bom Na pan. Trận đánh diễn ra suốt cả ngày 31/3, có những lúc địch đã chiếm được chốt của đại đội 7- Tiểu đoàn 5 nhưng chúng vẫn không phá nổi vòng vây của Trung đoàn 24. Sáng 1/4, phát hiện nhiều xe thiết giáp, xe ô tô địch đỗ trên đường 21 có dấu hiệu bỏ chạy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 hạ lệnh cho Tiểu đoàn 5 và 6 chuyển sang đánh vào Sở chỉ huy Lữ Dù 3. Đến 7 giờ 30 ngày 1/4 toàn bộ lực lượng Lữ Dù 3 còn lại đã bị quân ta tiêu diệt và bắt sống. Trận đánh Lữ Dù 3 đến đây kết thúc. 

  Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đang nghỉ hưu tại Nha Trang.

Chung tay xây dựng

Tin Lữ Dù 3 trên đèo Phượng Hoàng - Ma Đrắk bị tiêu diệt, quân địch từ Lam Sơn, Dục Mỹ, Ninh Hoà tới Nha Trang hoảng loạn, tìm đường tháo chạy. Từ 1/4/1975 lực lượng tại chỗ ở Nha Trang đã nổi dậy làm chủ thị xã. Sáng 2/4, một bộ phận của Sư đoàn 10 có xe tăng yểm trợ vào giải phóng Nha Trang; bộ phận còn lại hành quân theo Quốc lộ 1 giải phóng Diên Khánh, Cam Ranh… rồi hành quân tiếp đến ngày 30/4, để cùng đại hùng binh của quân giải phóng hợp điểm tại Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

  Đường Trần Phú, trung tâm của TP.Nha Trang.

Cuộc chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ. Khoảng thời gian đó Nhân dân cả nước nói chung và Nhân dân Khánh Hòa nói riêng đã trải qua biết bao biến cố và giờ đây đang có một diện mạo “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ. 

Khánh Hòa chuyển mình từ những năm 1990, khi công cuộc đổi mới của Đảng bắt đầu đi vào cuộc sống và Phú Khánh được tách thành hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa.

Thời gian đầu Khánh Hòa thu ngân sách mỗi năm vài ba trăm tỷ đồng; phấn đấu tự cân đối, rồi không nhận viện trợ mà còn đóng góp ngân sách cho Trung ương. Từ đó mỗi năm con số thu ngân sách của Khánh Hòa cứ vươn lên, gia nhập câu lạc bộ (CLB) 500, 1000 tỷ.

Năm 2008 Khánh Hòa thu ngân sách đạt 5.000 tỷ, năm 2016 thu 18.000 tỷ, năm 2018 tỉnh Khánh Hòa đạt con số kỷ lục, 22.061 tỷ đồng, vượt 66,5% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 8,8% so với năm 2017.

Từ khi gia nhập CLB 500, 1000 tỷ, Khánh Hòa luôn được xếp vào tốp 5, tốp 10 của cả nước. Nguyên nhân của sự phát triển đó là kết quả của việc thực hiện công cuộc đổi mới. Nhờ đổi mới mà các doanh nghiệp (DN) được cởi trói. Hàng năm số DN ở Khánh Hòa tăng lên không ngừng. Đến năm 2020 toàn tỉnh có 21.771 DN trong và ngoài nước; thu hút thêm 185.000 lao động. Nhờ đổi mới, thế mạnh kinh tế của Khánh Hòa được xác định và đầu tư đúng hướng.

Đại hội Đảng bộ các nhiệm kỳ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Khánh Hòa từ nông nghiệp (trong đó có nuôi trồng và khai thác thủy sản) sang Công nghiệp và Du lịch, dịch vụ; hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm: Nha Trang - Cam Ranh - Vân Phong. Từ đó liên tiếp xuất hiện những mô hình kinh tế đầu tàu, đẳng cấp như Khatoco Khánh Hòa, Yến sào Khánh Hòa, đóng tàu Huyndai Vinasin; sân bay quốc tế Cam Ranh, cảng biển quốc tế Ba Ngòi…

Riêng lĩnh vực Du lịch, Khánh Hòa đã trở thành thủ phủ của Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với một hệ thống khu du lịch biển đảo đẳng cấp như Vinpearl, Bãi Dài, Hòn Tầm, Ana Mandara, Ninh Vân, Khu du lịch giải trí Sông Lô, Vêga City Nha Trang, Trí Nguyên, du lịch đảo yến… và hàng loạt khách sạn 3, 4, 5 sao.

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2017 tại  Vinpear Nha Trang

Chúng ta cứ tưởng tượng vào năm 1990 khi Nha Trang mới xây dựng được một khách sạn có tên Logde Hotel với 16 tầng; vậy mà chỉ sau 30 năm Nha Trang đã có 1.113 cơ sở lưu trú du lịch với 49.997 phòng; trong đó, có 125 cơ sở lưu trú quy mô 4 - 5 sao. Hàng loạt khách sạn có quy mô 20, 30, 40, 50 tầng với nhiều trung tâm hội nghị, hội thảo, hội thi quốc gia, quốc tế như cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Hội thi Hoa hậu Việt Nam, Hội nghị Apec…

Trên địa bàn hiện có 139 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 119 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Ngoài ra còn có hàng trăm chung cư cao cấp, chung cư xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho hàng ngàn hộ dân đến từ mọi miền đất nước, để hôm nay Nha Trang mang diện mạo một thành phố hiện đại. 

 Nha Trang biển chiều

Một vài năm gần đây do điều kiện khách quan, nhất là đại dịch covid -19 đang làm Khánh Hòa phần nào giảm tốc độ phát triển, nhưng với lợi thế thiên thời - địa lợi - nhân hòa, chắc chắn không có gì cản được bước tiến lên của Khánh Hòa.

Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII của tỉnh đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và tầm nhìn 2045, Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm du lịch chẳng những của cả nước mà còn của khu vực và thế giới. Nhân dân Khánh Hòa tự hào với xử sở đất mẹ Thiên Y Ana, rừng trầm - biển yến.

Nguyễn Xuân

Tags: