Mặt tối đằng sau ngành công nghiệp khai thác ngọc bích trị giá hàng tỷ đô la của Myanmar

15:00 14/01/2022

Nhu cầu tiêu thụ lượng ngọc bích khổng lồ của Trung Quốc đã mở ra một ngành công nghiệp hái ra tiền cho Myanmar nhưng đồng thời cũng là "con dao hai lưỡi" biến các mỏ khai thác trở thành lãnh địa tử thần.

Chiếc vòng được bán đấu giá hơn 30 triệu đô la Hồng Kông (3,8 triệu đô la Mỹ).
Chiếc vòng được bán đấu giá hơn 30 triệu đô la Hồng Kông (3,8 triệu đô la Mỹ). (Ảnh: Reuters) 

Theo nhóm các nhà vận động, có tới 90% ngọc bích khai thác ở Myanmar được chuyển đến thị trường Trung Quốc nơi bán ra thành phẩm với giá cao ngất trời. Tuy nhiên, mặt tối đằng sau một ngành công nghiệp hái ra tiền là cái giá phải trả do phá hủy tài nguyên thiên thiên, khai thác, xâm lấn dẫn đến sạt lở cũng như loạt tệ nạn xã hội tăng cao. 

Cách đây không lâu, một vụ lở đất tại mỏ ngọc bích gần Hpakant, phía Bắc bang Kachin đã khiến ít nhất ba người thiệt mạng và hàng chục người mất tích hồi tháng 12/2021. Những thảm họa như vậy thường xuyên xảy ra tại các mỏ lộ thiên tại bang này bởi đây là khu vực có nguồn cung ngọc bích chất lượng cao với số lượng khổng lồ. Trước đó, tháng 7/2020, một vụ lở đất khác gần Hpakant sau mưa lớn gây ra cái chết cho ít nhất 160 thợ mỏ. Tháng 7/2019, cũng là một trận lở đất đã cướp đi sinh mạng hơn 13 người. 

Hoạt động cứu hộ sau trận lở đất tại một mỏ ngọc bích ở khu vực Hpakant thuộc bang Kachin, Myanmar vào ngày 22/12/2021
Hoạt động cứu hộ sau trận lở đất tại một mỏ ngọc bích ở khu vực Hpakant thuộc bang Kachin, Myanmar vào ngày 22/12/2021. (Ảnh: Reuters) 

Các công nhân tại mỏ và cộng đồng dân cư xung quanh sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, cận kề với tử thần để đánh đổi cơ hội làm giàu bằng ngành khai thác ngọc bích ước tính trị giá khoảng 31 tỷ đô la Mỹ năm 2014, tương đương hơn một nửa GDP Myanmar lúc bấy giờ. Theo báo cáo của Trung tâm Tăng trưởng Quốc tế (IGC), công nhân làm nghề khai thác không chỉ không nhận được các biện pháp bảo vệ thích đáng mà thậm chí nhiều người còn sa đà vào ma túy, làm trầm trọng thêm các vấn đề an ninh tại địa phương. Được biết, các công nhân thường dùng yaba - một hỗn hợp methamphetamine và caffeine để kích thích tinh thần và sức làm việc và dùng ma túy để an thần. Một nhà quan sát chỉ ra: "Nghiên ma túy đã trở thành vấn nạn lớn. Rất nhiều thợ khai thác ngọc bích nghiện heroin và yaba do phải làm việc trong điều kiện kinh khủng tại hầm mỏ".

Đáng chú ý hơn, các tập đoàn thuộc sở hữu tư nhân tham gia khai thác quy mô lớn thường không quan tâm đến tác động môi trường. Phía IGC cho hay, khai thác liên tục với điều kiện lỏng lẻo gây nên sạt lở, lũ lụt, đe dọa nguồn nước địa phương và thay đổi nghiêm trọng cảnh quan xung quanh. 

Về mặt thương mại, theo Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông, xuất khẩu ngọc bích từ Hồng Kông tăng 40% vào năm 2020. Global Witness cũng ước tính từ 70 đến 90% ngọc bích được khai thác ở Myanmar sẽ vận chuyển đến Trung Quốc. Ngọc bích chất lượng cao được bán với giá ngất trời, chẳng hạn như một chiếc vòng đã qua chế tác được bán đấu giá tại Hồng Kông rơi vào khoảng 3,8 triệu đô la Mỹ. Nguồn lợi khủng là lí do chính khiến các bên khai thác vô tội vạ kéo theo nhiều hệ hụy như trên. Ngoài ra, phần lớn ngọc bích xuất sang Trung Quốc theo con đường buôn lậu, làm thâm hụt doanh thu hàng tỷ đô la của cộng đồng địa phương đối với nguồn tài nguyên quý giá. 

TL